Nhân dân Vị Xuyên ổn định đời sống sau mưa lũ
Sau trận mưa lũ đêm 20.7 đến sáng ngày 21.7, huyện Vị Xuyên tổn thất rất lớn về hoa màu, tài sản của nhân dân; ước tính tổng thiệt hại trên 45 tỷ đồng, nặng nhất là địa bàn các xã: Việt Lâm, Thượng Sơn, Quảng Ngần…
Xã Việt Lâm là nơi gánh chịu thiệt hại lớn nhất sau trận mưa lũ vừa qua. Dòng lũ giữ càn quét qua, khiến toàn bộ những hộ dân sinh sống dọc 2 bên suối Vạt, các cơ quan, trường học ngập sâu trong nước, quấn phăng nhiều của cải, tài sản của nhân dân. Mưa lũ làm sập 2 cây cầu dân sinh, sạt lở nhiều đoạn đường liên xã, hầu hết hệ thống kênh mương thủy lợi bị đứt gẫy, hư hỏng và trên 80 ha lúa vụ Mùa bị ngập úng, 15 ha thủy sản mất trắng. Trong đó, khoảng 30 ha lúa bị cát, phù sa vùi lấp không thể khôi phục. Ngoài phương châm “4 tại chỗ”, các lực lượng bộ đội, dân quân, thanh niên, công an và nhân dân các xã lân cận đã đến giúp bà con vùng lũ nạo vét bùn đất trên các tuyến đường, trường học, dọn dẹp nhà cửa. Hơn 1 tuần sau cơn lũ lịch sử đi qua, nhân dân dần ổn định cuộc sống, tập trung khôi phục lại sản xuất.
Đồng chí Vi Đức Thuật, Chủ tịch UBND xã Việt Lâm, cho biết: “Đợt mưa lũ vừa qua xảy ra rất nhanh và dữ dội, khiến nhiều nhà không kịp sơ tán tài sản. Rất may không có thiệt hại về người. Với tinh thần “Tương thân tương ái”, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Việt Lâm nhận được sự động viên, giúp đỡ rất lớn của các cơ quan, đơn vị trong huyện chung tay khắc phục hậu quả lũ lụt. Hiện mọi công tác khắc phục ban đầu cơ bản đã xong, bà con chủ động ra thăm, kiểm tra đồng ruộng, những diện tích nào có thể khôi phục được xã sẽ vận động người dân chuyển sang trồng ngô”.
Ông Nguyễn Trung Ngưu, thôn Hát và bà Hoàng Thị Thấn, thôn Lèn, bày tỏ: “Qua già nửa đời người, chúng tôi thấy đây là đợt lũ to, khủng khiếp nhất, nước lũ dâng cao ngập vào nhà dân sâu hơn 1 m. Nhà chúng tôi ở cao không bị ảnh hưởng, nhưng nhà của các con thì bị lũ cuốn trôi hết thóc, ngô. Bà Nguyễn Thị Ngọc, thôn Chang, chia sẻ: “Nhà tôi có 2.000 m2 lúa bị đất, cát vùi lấp, bao nhiêu mồ hôi, công sức đổ xuống đồng ruộng bây giờ mất không, xót xa lắm; vụ Mùa tới, nếu muốn gieo cấy lại, phải thuê máy xúc cát đi, người nông dân đã vất vả nay lại khó khăn, tốn kém hơn”.
Do mưa to đến rất to gây lũ quét, lũ ống đã làm 45 nhà dân huyện Vị Xuyên bị sạt lở đất đá, ngập lụt; trên 136 ha lúa mới cấy và 32,7 ha ao nuôi thủy sản bị thiệt hại. Về vật nuôi, có 15 con trâu và hàng chục con lợn, gia cầm bị chết. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất giáo dục 6 trường học hư hỏng; nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn; các công trình cầu, cống, kênh mương sạt lở, đứt gãy. Đồng chí Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, cho biết: “Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã cử các Tổ công tác xuống các xã, thị trấn huy động lực lượng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Hiện, các xã đã chủ động thuê máy móc san gạt những tuyến giao thông chính bị sạt lở, đảm bảo đi lại cho người dân. Đối với những diện tích lúa bị mất trắng sẽ chuyển đổi sang trồng ngô để giảm thiểu tối đa thiệt hại. Ngoài ra, các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân các biện pháp xử lý môi trường để phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi. Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ này, huyện đã rà soát lại toàn bộ phương tiện, sẵn sàng tham gia ứng cứu nếu xảy ra bão lũ”.