Nhận dạng bom mìn bằng trí tuệ nhân tạo: Sáng lên hy vọng mới - Kỳ I
Tại hội nghị - triển lãm quốc tế lần thứ 6 về điều khiển và tự động hóa (VCCA-2021) tổ chức hồi tháng 4-2022, có một giải pháp khiến nhiều người kinh ngạc: Nhận dạng bom mìn nhờ trí tuệ nhân tạo (AI).
Kỳ I: Nhức nhối ô nhiễm bom mìn
Tôi đã có một số bài viết về rà phá bom mìn, thủy lôi, nên nhận thấy rằng, chúng là dạng vũ khí không ngừng được cải tiến theo thời gian để thách đố, đe dọa và hoàn thiện kỹ thuật giết người. Đế quốc Mỹ từng dùng mìn Mineland MLU10B để đánh các đoàn tàu hỏa, hoạt động theo nguyên lý cảm thụ chấn động, có thể tự hủy sau khi rơi xuống đất từ 10 phút đến 168 giờ (7 ngày đêm). Ngày 28-11-1965, Mỹ sử dụng loại mìn này đánh phá lần đầu tiên vào đoạn đường sắt Lý Sơn, Hạ Hòa, Phú Thọ. Trong chiến tranh phong tỏa miền Bắc lần thứ hai (1972-1973), Mỹ sử dụng bom từ trường được cải tiến nhiều lần, lắp các loại đầu nổ theo nguyên lý cảm ứng từ trường và nổ theo nguyên lý cảm ứng âm thanh. Trong chiến tranh phong tỏa, Mỹ đã cải tiến rất nhanh các loại bom mìn, sử dụng tới 25 kiểu đầu nổ cơ học và 20 kiểu đầu nổ điện tử, quang điện, laser.
MK52 là loại thủy lôi chiến lược thả để bịt các cảng biển lớn như Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả, rất đắt tiền (20.000 USD), rất nặng (516kg), máy bay phải thả nó bằng dù, có thể phá tàu hàng chục vạn tấn. MK52 có bộ óc cơ điện biết chọn tàu để phá. Một đoàn tàu đi qua, chiếc thứ nhất nó chưa nổ; chiếc thứ hai, chiếc thứ ba, nó vẫn chưa chịu nổ. Nhưng khi chiếc kỳ hạm đi qua, nó nổ liền và nổ trúng buồng máy, làm tàu chìm ngay tại chỗ, luồng bị lấp.
Còn MK42 là loại thủy lôi chiến thuật thả trong sông và dọc các luồng ven biển, nặng 226kg, một đầu nhọn, một đầu tù, có đuôi bằng nhôm khá to giữ cho quả thủy lôi rơi chậm, không cần dù. MK42 được sử dụng chẳng những để phong tỏa đường sông, đường ven biển, mà còn để cắt đứt đường bộ. Khi địch thả MK42 trên bộ, dọc các tuyến đường vùng khu IV cũ và đường Trường Sơn, thanh niên xung phong vẫn quen gọi là “bom từ trường”; khi được thả dưới nước, các anh phá lôi đổi tên thành “thủy lôi từ tính”.
Các chuyên gia kỹ thuật quân sự Mỹ đã vận dụng cả màng mỏng từ tính - một lý thuyết hiện đại của ngành vật lý chất rắn - để chế tạo chúng. Với những bài toán đố hóc hiểm gài trong bộ óc cơ điện của MK52 và bộ óc điện tử của MK42, người Mỹ tưởng rằng ở Việt Nam không ai giải được.
Thế nhưng, trong thời kỳ cam go ấy, ở Việt Nam, vô số người rà phá bom mìn đã xuất trận, không biết bao lần can đảm nhận truy điệu sống, bao lần không tiếc thân mình vận hành những con tàu chạy trên bom mìn, thủy lôi luôn sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào. Họ không mặc áo lính mà làm việc cảm tử, hy sinh như người lính.
Ngày 22-9-1967, nhân dân xã Anh Dũng dùng 200m dây kéo tấm tôn 1,2m chạy đi chạy lại 3-6 lần quanh các hút bom (vết tích của quả bom để lại sau khi chui sâu vào lòng đất) nhưng bom không nổ. Sau đó đổi cách kéo tấm tôn chạy qua hút bom thì bom nổ ngay, bảo đảm giao thông khu vực Cầu Rào (Hải Phòng) an toàn trở lại.
Ngày 8-10-1967, tự vệ Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng dùng 1 sào tre dài 5m, ngọn sào buộc một sợi dây thòng lọng làm bằng lạt giang, lôi bom ra khỏi phân xưởng đúc rồi phá hủy bằng bộc phá, tránh được thiệt hại. Quân dân Hải Phòng đã tìm tòi, dùng dây đồng đan kết nhiều cục nam châm vào với nhau, làm ra một dụng cụ gọi là “bàn là bom”, khi phá trên cạn thì dùng dây kéo như kéo mảnh tôn, khi phá ở dưới nước thì treo lơ lửng dưới đáy một chiếc thuyền nhỏ hoặc đáy bè tre, bè chuối rồi kéo qua kéo lại ở vùng nước có bom chưa nổ. Đội tự vệ bến phà Kiền (Hải Phòng) đã “mặc áo giáp rơm, đội mũ rơm” lái canô vỏ sắt chạy nhanh qua vùng nước có bom chưa nổ. Tự vệ cảng Hải Phòng lái xe tải loại lớn chạy với tốc độ cao gây nổ bom từ trường... Nhiều người đã vĩnh viễn ra đi.
Đội Bến Thủy (TP Vinh) dùng thuyền nan, thuyền gỗ đóng đinh tre hoặc đinh nhôm, đinh đồng, gọi là thuyền “tiêu từ”, kéo theo phía sau cái lưới có mắc một cục nam châm. Con thuyền đi qua, quả thủy lôi chưa nổ. Cái lưới có nam châm lướt qua, nó mới nổ. Các cuộc phá lôi “cưỡi trên thần chết” thường tiến hành vào ban đêm trên sông nước mênh mông lặng ngắt. Sinh mệnh có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào, thần kinh căng như sợi dây đàn. Mỗi lần lên thuyền đi làm nhiệm vụ, các thủy thủ phá lôi thường để lại địa chỉ cha mẹ, vợ con, những vật lưu niệm, ghi cẩn thận những điều dặn dò như trăng trối...
2. Chiến tranh đã kết thúc, song bom mìn, thủy lôi vẫn không ngừng gây tai họa với con người. Tai nạn do bom mìn vẫn xảy ra hầu như hằng ngày và còn tiếp tục nhức nhối trong nhiều năm tới.
Tỷ lệ bom mìn, vật nổ (BMVN) hiện còn sót lại ở nước ta chiếm 2-5% số lượng bom mìn quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam (tương đương khoảng 350-800 nghìn tấn). Theo kết quả của Dự án “Điều tra, lập bản đồ ô nhiễm BMVN trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 1 (2010-2018)”, số BMVN hiện còn nằm rải rác ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, trên mọi địa hình khác nhau, cả nông thôn và thành thị, trong rừng rậm, dưới đáy ao hồ, lòng biển... Chúng có trọng lượng từ vài chục gram đến hàng tấn, từ loại thông thường đến hiện đại. Hàng trăm loại BMVN khác nhau đã được phát hiện, chủ yếu là của Mỹ, Pháp và đồng minh sản xuất như: Các loại bom phá (31/63 tỉnh, thành phố); bom bi (32/63 tỉnh, thành phố); đạn, pháo, cối (42/63 tỉnh, thành phố); lựu đạn (37/63 tỉnh, thành phố); mìn bộ binh (26/63 tỉnh, thành phố); mìn chống tăng (12/63 tỉnh, thành phố); các loại vật nổ khác (39/63 tỉnh, thành phố).
Cả nước hiện có 9.116/11.134 xã, phường, thị trấn của 63/63 tỉnh, thành phố (chiếm 81,87%) bị ô nhiễm BMVN. Tổng diện tích đất đai hiện còn bị ô nhiễm BMVN của cả nước lên tới 6.130.823/32.574.962 ha, chiếm 18,82%. Số BMVN này hiện nằm rải rác trên cả nước, có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi bị tác động.
Thực trạng ô nhiễm BMVN ở Việt Nam còn rất nặng nề. Số BMVN tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung. Một số tỉnh như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Định đã có trên 22.800 nạn nhân của BMVN, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Để dò tìm, xử lý làm sạch toàn bộ diện tích bị ô nhiễm BMVN ở Việt Nam, chúng ta cần nghiên cứu, trang bị các máy móc, phương tiện dò tìm BMVN đủ mạnh. Điều này đòi hỏi thời gian dài và chi phí lớn, trong đó, phát hiện, nhận dạng và phân loại bom mìn nhờ AI để có hướng xử lý chính xác rất có thể là một bước tiến dài.
(Xem tiếp kỳ sau)