Nhận diện các đổi mới công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm
Đổi mới thông qua ứng dụng các công nghệ mới đang là động lực chính của thay đổi trong lĩnh vực tài chính nói chung và lĩnh vực bảo hiểm nói riêng. Làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm diễn ra mạnh mẽ trên thị trường bảo hiểm với mục tiêu gắn liền với các khâu của chuỗi giá trị bảo hiểm - từ tiếp thị, phân phối, định giá rủi ro, cấp đơn và cuối cùng là giải quyết khiếu nại. Bài viết phân tích các đổi mới công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm trên thế giới, từ đó nhận diện những thách thức từ việc đổi mới công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm.
Đặt vấn đề
Trong những năm qua, công nghệ đã góp phần hình thành các mô hình kinh doanh sáng tạo, các ứng dụng, quy trình hoặc sản phẩm mới làm chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Hàng loạt các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm ra đời có mục tiêu gắn liền với tất cả các khâu của chuỗi giá trị bảo hiểm - từ tiếp thị, phân phối, định giá rủi ro, cấp đơn và cuối cùng là giải quyết khiếu nại. Bài viết phân tích các đổi mới công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm (InsurTech) trên thế giới, tiếp cận các cách phân loại khởi nghiệp InsurTech, từ đó, nhận diện những thách thức từ việc đổi mới công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm.
Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý thuyết
Công nghệ tài chính (FinTech) đã được Hiệp hội Quốc tế các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm mô tả là những đổi mới tài chính cho phép sử dụng công nghệ để tạo ra các mô hình kinh doanh, ứng dụng, quy trình hoặc sản phẩm mới có ảnh hưởng quan trọng đến thị trường tài chính và tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính (IAIS, 2017). InsurTech được coi là một nhánh của FinTech, đề cập đến sự đa dạng của các công nghệ mới và mô hình kinh doanh sáng tạo có tiềm năng thay đổi hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực bảo hiểm.Mặc dù, công nghệ đã được sử dụng trong ngành Bảo hiểm từ nhiều thập kỷ, thuật ngữ InsurTech vẫn chưa được nhắc đến nhiều cho đến thời điểm năm 2011. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 đến nay, InsurTech đã trở thành thuật ngữ thông dụng trên các kênh truyền thông. Điều này cho thấy, khái niệm InsurTech đã ra đời, phát triển gắn liền với sự bùng nổ công nghệ số và quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực bảo hiểm.
Theo Bain & Company (2013), các công ty bảo hiểm đối diện với một yêu cầu bức thiết là phải có một chiến lược số hóa tích hợp để kịp thời phản ứng với việc thay đổi hành vi của khách hàng. Nghiên cứu này khẳng định, chuyển đổi kỹ thuật số đòi hỏi phải tập trung vào khách hàng, kết hợp sử dụng mạng lưới phân phối hiện tại, điều chỉnh lõi vận hành, phát triển công nghệ thông tin, điều chỉnh tổ chức với các điều kiện mới.
Để đón đầu xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các công ty bảo hiểm cần có chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số kết hợp với lộ trình thực hiện hợp lý. Willis Towers Watson (2017) cho rằng, chuyển đổi số là nguồn gốc gây gián đoạn trong chuỗi giá trị của bảo hiểm và các công ty bảo hiểm cần có chiến lược kỹ thuật số và phải hình dung về tương lai để xác định các dự án đầu tư bên trong và bên ngoài.
Nhà nghiên cứu Feilmeier (2016) xác định, 5 lĩnh vực điều khiển kỹ thuật số làm thay đổi mô hình kinh doanh của ngành Bảo hiểm là: Điện toán đám mây; dữ liệu lớn; thiết bị di động; tương tác xã hội; internet vạn vật. Sự ra đời của các yếu tố này gắn liền với các yêu cầu hoàn toàn mới về bảo mật dữ liệu và trình độ của nhân viên trong ngành Bảo hiểm và trình độ của người tiêu dùng.
Trái ngược với các nghiên cứu trên, tập trung vào chiến lược số hóa và vai trò của công nghệ, McKinsey (2013, 2016) tập trung đánh giá các thách thức, do số hóa tác động đến ngành Bảo hiểm. Theo lý luận của họ, sự chuyển đổi hệ thống phân phối và tự động hóa là hai lĩnh vực chính tạo ra thách thức.
Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để phân tích, đánh giá kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm. Đặc biệt, thông qua việc phân tích, đánh giá kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, tác giả đưa ra một số thách thức đối với việc phát triển công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm trong thời gian tới.
Kết quả và thảo luận
Phân loại InsurTech
Phân loại InsurTech đầu tiên đã được Startupbootcamp InsurTech (2015) thực hiện. Họ cho rằng, công nghệ có tác động đáng kể nhất đến bảo hiểm gồm 7 loại sau: (i) Sự tham gia của khách hàng; (ii) Luật và quy định; (iii) Quản lý tài sản; (iv) Dữ liệu & phân tích; (v) Bảo mật thông tin; (vi) Sức khỏe; (vii) Internet vạn vật. Cách phân loại này không cung cấp sự phân biệt rõ ràng, vì nhiều công ty hoạt động trong hai hoặc nhiều phân khúc được đề xuất.
Bảng phân loại của Tổ chức Venture Scanner (2016) bao gồm 14 nhóm khởi nghiệp InsurTech khác nhau: (1) Ô tô; (2) Lợi ích của nhân viên; (3) Doanh nghiệp/Thương mại; (4) Sức khỏe/Du lịch; (5) Dữ liệu, trí thông minh; (6) Quản lý người tiêu dùng; (7) So sánh/Thị trường; (8) Giáo dục/Tài nguyên; (9) Cơ sở hạ tầng; (10) Mua lại người dùng; (11) Nhân thọ /Nhà cửa; (12) Bảo hiểm ngang hàng; (13) Sản phẩm; (14) Tái bảo hiểm (Hình 2). Tuy nhiên, có một nhầm lẫn trong bảng phân loại này: Metromile của Mỹ, một nhà cung cấp bảo hiểm ô tô trả tiền cho mỗi lần sử dụng, được phân bổ trong danh mục ô tô, trong khi ứng dụng bảo hiểm sản phẩm vào danh mục bảo hiểm sản phẩm, mặc dù mô hình kinh doanh của cả 2 nhà cung cấp trên đều dựa trên cùng một ý tưởng là cung cấp bảo hiểm cho thời gian mong muốn hoặc độ dài khoảng đường mà xe chạy.
Kết quả nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Kinh tế bảo hiểm, Trường Đại học Gallen phối hợp với Viện Nghiên cứu Swiss Re thực hiện, bảng phân loại InsurTech được công bố bao gồm 9 loại. Khác với 3 cách phân loại trước tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, cách phân loại này chỉ tập trung loại công nghệ có liên quan đến ngành Bảo hiểm.
Để đón đầu xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các công ty bảo hiểm cần có chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số kết hợp với lộ trình thực hiện hợp lý. Willis Towers Watson (2017) cho rằng, chuyển đổi số là nguồn gốc gây gián đoạn trong chuỗi giá trị của bảo hiểm và các công ty bảo hiểm cần có chiến lược kỹ thuật số và phải hình dung về tương lai để xác định các dự án đầu tư bên trong và bên ngoài.
Như vậy, một doanh nghiệp khởi nghiệp InsurTech có thể gắn với nhiều loại công nghệ hoặc một loại công nghệ có thể tùy người sử dụng can thiệp vào toàn bộ hay một phần của chuỗi giá trị bảo hiểm. Mô tả chi tiết của các loại như sau:
(1) Cổng so sánh: So sánh trực tuyến, cho phép người tiêu dùng đưa ra quyết định sáng suốt sản phẩm giữa các nhà cung cấp. Loại hình này phù hợp với các sản phẩm tiêu chuẩn như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm du lịch.
(2)Cung cấp dịch vụ môi giới bảo hiểm bằng các giải pháp công nghệ hiện đại như cổng trực tuyến hoặc ứng dụng di động. Ngoài vai trò là trung gian giữa khách hàng và công ty bảo hiểm, công ty môi giới số cũng cung cấp các thư mục bảo hiểm kỹ thuật số qua ứng dụng di động, nhờ vậy, khách hàng có được một cái nhìn tổng quan minh bạch liên quan đến bảo hiểm, có thể liên lạc với người tư vấn của mình và nhận được tư vấn hoàn toàn miễn phí.
(3) Bán chéo bảo hiểm: Bằng cách sử dụng một nền tảng công nghệ, chủ cửa hàng có thể tăng doanh thu của họ thông qua việc bán chéo các sản phẩm bảo hiểm. Khách hàng cũng được hưởng lợi từ dịch vụ này, vì họ có thể ngay lập tức mua bảo hiểm với mức phí cho những tài sản mua sắm mà không cần cung cấp bất kỳ giấy tờ nào (Ví dụ: Ô tô và bảo hiểm xe).
(4) Ngang hàng: Tập hợp nhóm các cá nhân trên mạng xã hội để lập quỹ bảo hiểm. Có thể có những mô hình sau:
- Trường hợp Friendsurance (Đức): Thành lập một nhóm cá nhân để đảm bảo cho một loại rủi ro chung của các thành viên. Một phần đóng góp của thành viên được đưa vào quỹ bồi thường chung, đảm bảo cho những tổn thất nhỏ (trong mức giữ lại), phần còn lại được sử dụng để mua bảo hiểm truyền thống đảm bảo cho những tổn thất lớn. Nếu tất cả các thành viên nhóm không phát sinh yêu cầu bồi thường trong suốt cả năm, mọi người sẽ nhận được tiền thưởng hoàn lại.
- Trường hợp Lemonade (Mỹ): Không hoàn trả cho các thành viên quỹ thừa mà tặng cho các dự án từ thiện do họ lựa chọn. Trường hợp này, nhóm hoạt động như một công ty bảo hiểm kỹ thuật số thay vì một nhà phân phối đơn thuần.
(5) Bảo hiểm theo yêu cầu: Cung cấp bảo hiểm cho các khoảng thời gian đã chọn (hoặc thời gian thực dùng). Thay vì bảo vệ mọi thứ bất cứ lúc nào, hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu cho phép khách hàng bảo hiểm rủi ro tại những thời điểm cụ thể.
(6) Doanh nghiệp bảo hiểm số: Các công ty bảo hiểm kỹ thuật số sử dụng các công nghệ mới nhất để số hóa toàn bộ chuỗi giá trị của hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm như bán hàng, cấp đơn, quản lý khách hàng, quản lý khiếu nại…
(7) Phân tích dữ liệu lớn và phần mềm bảo hiểm: Các công ty khởi nghiệp InsurTech trong danh mục này cung cấp các giải pháp cho phép các công ty bảo hiểm quản lý và tận dụng dữ liệu bên trong và bên ngoài tốt hơn.
(8) Internet vạn vật: Một mạng lưới các thiết bị thông minh, cảm biến được kết nối và các đối tượng khác nhau có thể liên lạc với nhau thông qua internet, cho phép thu thập dữ liệu ở thời gian thực. 4 lĩnh vực cụ thể mang một tiềm năng lớn cho các công ty bảo hiểm là thiết bị đeo, viễn thông, thiết bị nhà thông minh và công nghệ máy bay không người lái.
(9) Chuỗi khối và hợp đồng thông minh:
- Blockchain là một cấu trúc dữ liệu chứa các hồ sơ giao dịch đảm bảo tính bảo mật, minh bạch và phân cấp. Một chuỗi các bản ghi được lưu trữ dưới dạng các khối được kiểm soát không phải bởi 1 cơ quan duy nhất. Công nghệ chuỗi khối cho phép tất cả những người tham gia đạt được thỏa thuận. Tất cả dữ liệu được lưu trữ trên một block được ghi lại bằng kỹ thuật số và có một lịch sử chung có sẵn cho tất cả những người tham gia. Bằng cách này, cơ hội của bất kỳ hoạt động gian lận hoặc sao chép giao dịch nào sẽ bị loại bỏ mà không cần đến sự kiểm chứng của bên thứ ba.
- Hợp đồng thông minh có các điều khoản được ghi bằng ngôn ngữ máy tính thay vì ngôn ngữ pháp lý. Hợp đồng thông minh có thể được thực hiện tự động bởi một hệ thống máy tính, chẳng hạn như một hệ thống sổ cái phân tán phù hợp. Những lợi ích tiềm năng của hợp đồng thông minh bao gồm chi phí thấp cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng, do đó, nó trở nên khả thi về mặt kinh tế để hình thành hợp đồng mà giá trị giao dịch thấp.
Những vấn đề đặt ra từ việc đổi mới công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm
Làn sóng InsurTech đang bùng nổ mạnh mẽ trên toàn cầu với khối lượng tài trợ toàn cầu từ chỉ 140 triệu USD năm 2011 lên khoảng 1,7 tỷ USD vào năm 2016. Nó không chỉ diễn ra ở các quốc gia phát triển như: Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Canada mà còn phát triển mạnh tại các quốc gia mới nổi như: Trung Quốc và Ấn Độ. Với sự bùng nổ của công nghệ số và xu thế toàn cầu hóa, InsurTech sẽ lan nhanh trên toàn cầu và thị trường bảo hiểm Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó nếu không muốn tụt hậu.
Trong bối cảnh đó, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm đang trở nên cấp thiết để bắt kịp với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, những đổi mới công nghệ bảo hiểm cũng gây ra những tác động tiêu cực đến sự ổn định của thị trường bảo hiểm nói chung, đến những doanh nghiệp bảo hiểm và người tiêu dùng bảo hiểm nói riêng. Cụ thể như sau:
Một là, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm có thể phá vỡ sự ổn định của thị trường, khó quản lý, kiểm soát các kênh phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp bảo hiểm tới khách hàng. Thách thức này đặt ra những khó khăn nhất định cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm soát quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Hai là, vấn đề khởi nghiệp InsurTech sẽ tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều sản phẩm mới, nhiều ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực bảo hiểm trong khi cơ chế, chính sách về hoạt động bảo hiểm còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường. Điều này đã gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thâm nhập thị trường, đồng thời không khuyến khích xu hướng đổi mới.
Ba là, các nhà bảo hiểm, các doanh nghiệp, công ty bảo hiểm vẫn đứng ngoài công cuộc đổi mới công nghệ và chưa nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển của công nghệ bảo hiểm. Để khắc phục hạn chế này, cần nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích và tạo môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ mới. Khi áp dụng các công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm cải tiến sản phẩm theo xu thế phát triển của thị trường, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Qua đó, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp cũng như tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Bốn là, công nghệ bảo hiểm sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của ngành Bảo hiểm, bởi các công đoạn của một chu trình sản phẩm dịch vụ bảo hiểm (hay chuỗi giá trị bảo hiểm) đều chịu sự ảnh hưởng rất lớn của kỹ thuật số. Chẳng hạn, trong giai đoạn tìm hiểu thị trường, thiết kế sản phẩm, dữ liệu lớn, vạn vật kết nối mang lại những phân tích đáng tin cậy, nhanh hơn nhiều so với các phương tiện truyền thống trước đây. Từ đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển được những sản phẩm bảo hiểm cá thể hóa cao, sản phẩm bảo hiểm cho từng đối tương.
Đến giai đoạn tiếp thị/chào bản sản phẩm, vạn vật kết nối, mạng xã hội hỗ trợ việc tiếp cận và tương tác với khách hàng nhanh hơn trước đây rất nhiều. Với trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp cho dại lý các thông tin để tối ưu hóa sản phẩm/dịch vụ đối với mỗi khách hàng với một khoảng thời gian tối ưu. Công nghệ số giúp việc lập bản chào phí bảo hiểm nhanh, trực tiếp, thủ tục đơn giản hơn, giảm bớt chi phí và thời gian.
Đến giai đoạn thẩm định rủi ro, tính phí bảo hiểm, dữ liệu lớn giúp tra xuất dữ liệu về khách hàng tiện lợi, đầy đủ, khiến việc thẩm định, tính phí bảo hiểm diễn ra nhanh hơn. Dữ liệu lớn cũng giúp tránh, ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm hoặc hành vi lựa chọn bất lợi. Đến giai đoạn phục vụ sau bán hàng, các công cụ trực tuyến giúp quản trị hợp đồng bảo hiểm mọi nơi, mọi lúc, rất thuận tiện cho khách hàng. Các dịch vụ 24/7, sử dụng trí tuệ nhân tạo trả lời những thắc mắc của khách hàng; công nghệ định vị, địa phương hóa, cá thể hóa chăm sóc khách hàng...
Tài liệu tham khảo:
1. Alexander Braun, Florian Schreiber (2017), The Current InsurTech Landscape: Business Models and Disruptive Potential. Institute of Insurance Economics I.VW-HSG, University of St. Gallen and Swiss Re Institute;
2. Anish Raj & Prasad Joshi (2018), Changing Face of the Insurance Industry (White Paper), Infosys.com, Bengaluru, India;
3. CB Insights (2015), The Periodic Table of InsuranceTech;
4. IAIS (2017), FinTech Developments in the Insurance Industry;
5. McKinsey (2016), Making Digital Strategy a Reality in Insurance;
6. OECD (2017), Technology and innovation in the insurance sector;
7. Startupbootcamp InsurTech (2015), So, What Is an InsurTech Startup?;
8. Venture Scanner (2016), Insurance Technology Market Overview–Q4 2016.