Nhận diện các dự án 'ma' Alibaba
Chỉ mới xuất hiện trên thị trường địa ốc được vài năm nhưng Công ty cổ phần (CP) Địa ốc Ailibaba (Alibaba) nhanh chóng gầy dựng được thanh thế nhờ hàng loạt dự án đất nền được rao bán hoành tráng tại nhiều tỉnh, thành Đông Nam bộ, trong đó nhiều nhất ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hoa mắt với dự án “ma”
Mặc dù cho đến nay cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai vẫn chưa cấp phép cho bất cứ dự án khu dân cư (KDC) nào của Alibaba nhưng công ty này vẫn rao bán rầm rộ trên mạng. Mới nhất là dự án Ali Aqua Nhơn Trạch, được quảng cáo là “Một siêu dự án mang đẳng cấp Nhật Bản”. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ: Huyện chưa cấp phép dự án KDC nào cho công ty này.
“Nóng” nhất là tại huyện Long Thành, nơi có dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Alibaba đang rao bán hàng loạt dự án KDC: Alibaba Long Thành, Alibaba An Phước, Alibaba Long Phước, Alibaba Bàu Cạn…, cho dù lãnh đạo huyện này cũng khẳng định chưa cấp phép cho bất cứ dự án nào của Alibaba.
Theo thống kê mới nhất của Đồng Nai, Alibaba đang rao bán đến 29 dự án đất nền, trong đó nhiều nhất là tại huyện Long Thành với 27 dự án, Xuân Lộc và Nhơn Trạch mỗi huyện có 1 dự án. Với dự án ảo mới nhất tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, lãnh đạo UBND huyện cũng quả quyết là không có dự án nào của Công ty Alibaba được phê duyệt. Khi phát hiện công ty này đang rao bán đất nền tại xã Xuân Lộc, UBND huyện đã cho lực lượng tháo dỡ tất cả biển quảng cáo và tường bao xung quanh khu đất, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn phải tăng cường quản lý, không để tái diễn tình trạng rao bán đất nền trái phép.
Các chiêu thức lách luật
Được biết, vốn điều lệ của Công ty Alibaba đã liên tục tăng chóng mặt trong 3 năm qua. Nếu lần đăng ký đầu tiên vào ngày 5-5-2016 chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng (do ông Nguyễn Thái Lĩnh làm giám đốc) thì đến ngày 31-12-2016, đã tăng lên 20 tỷ đồng, đến lần đăng ký thứ 3, ngày 26-9-2017, đã vọt lên 1.600 tỷ đồng và trong năm 2019, tới 5.600 tỷ đồng.
Theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, 27 dự án đất nền ở huyện Long Thành được Alibaba rao bán ồn ào, thực tế có nguồn gốc là 19 khu đất nông nghiệp do hộ gia đình đứng tên hoặc đã sang nhượng. Trong đó, 13 khu đất ở xã Long Phước, 3 khu ở xã Phước Bình, 1 khu ở xã Phước Thái và 1 khu ở xã An Phước. Có 14 khu đất do ông Nguyễn Thái Lĩnh (Giám đốc Alibaba) hoặc người thân đứng tên và có 6 khu đất công ty này đã tự ý xây dựng đường giao thông trên đất nông nghiệp. Các khu đất nông nghiệp này được chia nhỏ thành các lô đất 500m2 để được tách thửa, rồi mời chào nhiều nhà đầu tư cùng góp vốn vào dự án “ma” do công ty này vẽ ra, đứng tên riêng hoặc chung trên sổ đỏ nên không vi phạm về diện tích tối thiểu do các tỉnh quy định. Khi khách hàng đóng đủ 95% số tiền, công ty sẽ làm hợp đồng mua bán và ra sổ đỏ. Trường hợp chậm giao đất sẽ trả thêm lãi suất cho người đầu tư. Đây là nguyên nhân mà cơ quan chức năng khó xử lý hình sự Alibaba về hành vi lừa đảo khách hàng. Mặt khác, theo một cán bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai: Sở dĩ cho đến nay chưa khởi tố được công ty này, vì chưa có người bị hại tố cáo. Quá trình điều tra gặp khó khăn do không chứng minh được thiệt hại do hành vi lừa đảo của công ty này gây ra.
Tuy nhiên, qua vụ việc cưỡng chế các dự án của công ty này tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gần đây, cũng dễ dàng nhận ra các hành vi trái phép của công ty này, như: xây dựng công trình nhà cửa, văn phòng giao dịch, đường giao thông, hệ thống hạ tầng điện nước, chiếu sáng trên đất nông nghiệp và trên đất được quy hoạch làm đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Còn theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, Alibaba có dấu hiệu huy động vốn đa cấp trong mua bán đất nền. Ngay từ năm 2017, hiệp hội đã có văn bản gửi UBND TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cảnh báo về việc Alibaba lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để rao bán đất nền ở những dự án không có thực.
Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai vừa có kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, rà soát lại tình hình hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn, có văn bản chấn chỉnh việc thực hiện các giao dịch địa ốc khi chưa đủ điều kiện theo quy định; kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, yêu cầu các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh, không thực hiện công chứng hoặc lập vi bằng đối với các trường hợp mua, bán nhà ở, đất nền chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định tại Điều 72 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ.
Tiếp tục cưỡng chế các dự án “ma” ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa hoàn thành báo cáo xác minh các dự án “ma” của Alibaba trên địa bàn. Công ty này đang hợp tác với 5 doanh nghiệp ở TPHCM và Đồng Nai, gồm: Công ty CP Alibaba Law Firm, Công ty CP Địa ốc đầu tư và phát triển Spartaland, Công ty CP Địa ốc Chiến Binh Thép, Công ty CP Bất động sản Chiến Thắng và Công ty TNHH Alibaba Tân Thành, phân phối chuyển nhượng đất nền 7 dự án tại thị xã Phú Mỹ với tổng cộng 3.333 nền đất, thu về số tiền hơn 771 tỷ đồng.
Các dự án đều trong tình trạng chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý (chưa được cấp phép đầu tư, không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không có giấy phép cải tạo mặt bằng, xây dựng hạ tầng, chưa tách thửa, chưa nghiệm thu hạ tầng) nhưng đã rao bán ồ ạt. Một số dự án đất nền tại Phú Mỹ đã bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính nhưng vẫn tái phạm, hoặc không chấp hành tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
Chiều 25-6, tại xã Châu Pha, nơi Alibaba đặt trụ sở và quảng cáo là có dự án Khu dân cư Tân Thành Center City 1, 3 con đường nhựa đã được phủ đầy đất để đối phó với cơ quan chức năng. Theo Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ Nguyễn Văn Thắm, dù vậy chính quyền vẫn cưỡng chế.
Xã Tóc Tiên cũng có 3 khu đất được cho là dự án “ma” của Alibaba. Cả 3 khu đất đều vướng quy hoạch một số dự án như: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Nghĩa trang Tóc Tiên mở rộng, quy hoạch cây xanh. UBND xã đang mời chủ những khu đất nêu trên lên làm việc để xử lý công trình trái phép.
VĂN PHONG - NÔNG NGÂN
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhan-dien-cac-du-an-ma-alibaba-601262.html