Nhận diện chiêu trò bán hàng đa cấp lừa đảo
Chỉ vì ham tiền lãi đầu tư cao cùng với sự thiếu hiểu biết, một bộ phận nhà đầu tư đã đổ tiền vào bán hàng, kinh doanh đa cấp để bị lừa đau đớn.
Điều đáng lo ngại là mặc dù cơ quan chức năng, báo, đài liên tục phanh phui, cảnh báo các chiêu thức nhưng số lượng người tham gia các loại hình này vẫn không ngừng gia tăng.
Các chiêu trò biến tướng
Ngày 22/2, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Kim Bumjae (sinh năm 1968, quốc tịch Hàn Quốc), Giám đốc Công ty TNHH Raon Việt Nam và Công ty TNHH Khanh Asset; Nguyễn Thị Hương (SN 1993, quê Thanh Hóa, trợ lý cho Kim Bumjae) và 6 bị can khác về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ tháng 3/2019 đến tháng 6/2020, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 119 đơn tố giác của nhiều cá nhân, tố cáo các công ty do Kim Bumjae - Giám đốc làm đại diện, đã có hành vi chiếm đoạt hơn 81,5 tỷ đồng của các nhà đầu tư thông qua việc thành lập nhiều công ty để huy động tài chính, không hoạt động kinh doanh mà lấy tiền của nhà đầu tư sau để chi trả cho nhà đầu tư trước theo hình thức đa cấp.
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam và Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi gần 1 tỷ đồng do có nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp. Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam bị phạt 250 triệu đồng đối với 4 hành vi vi phạm; trong đó có hành vi vi phạm về trách nhiệm của DN bán hàng đa cấp trong việc thực hiện đúng quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng đã đăng ký.
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi bị phạt 710 triệu đồng do vi phạm về ký hợp đồng tham gia với các nhà phân phối không đủ điều kiện; lưu hành hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp không có đầy đủ thông tin cơ bản; vi phạm về trách nhiệm niêm yết công khai các tài liệu liên quan đến hoạt động và hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp...
Cuối tháng 12/2020 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã xét xử 7 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên Kết Việt. Đây là công ty hoạt động dưới hình thức bán hàng đa cấp, hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, giả mạo là công ty con của Bộ Quốc phòng. Tổng cộng, các bị cáo đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1.121 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền này.
Với cáo buộc chủ mưu vụ lừa đảo gần 6.000 bị hại, Lê Xuân Giang - Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt bị tòa sơ thẩm phạt án tù chung thân; đồng thời, phải bồi thường gần 300 tỷ đồng cho gần 6.000 bị hại (đã được làm rõ); và phải chịu toàn bộ trách nhiệm dân sự với các bị hại còn lại của vụ án. Các đồng phạm khác lĩnh các mức án từ 13 - 18 năm tù...
Hiện nay, hoạt động thu hút tài chính theo kiểu kinh doanh đa cấp vào các dự án bất động sản, dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, spa, hàng tiêu dùng, tiền ảo, sản phẩm thông tin số... đang diễn ra trên khắp cả nước, có tính chất phức tạp. Đây thực chất là vỏ bọc che đậy hoạt động huy động tiền theo hình thức đa cấp của các nhà đầu tư, lấy tiền của người sau trả cho người trước trong cùng một hệ thống. Ngoài việc huy động tiền, các DN còn dùng chiêu trò bán hàng đa cấp, dồn hàng, ép người tham gia mua sản phẩm giá trị thấp và giá trị sử dụng không có thực (tiền ảo, hàng ảo...) và hình thức trả thưởng có thể chỉ được sử dụng trong cùng mạng lưới với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường...
Quản chặt bán hàng đa cấp
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc cho xã hội. Điểm chung của các dự án đa cấp này là thường nhắm vào đối tượng trẻ, nhất là sinh viên đang có nhu cầu tìm việc làm thêm, mong muốn khởi nghiệp. Khi con mồi sắp cắn câu, sẽ bị dụ dỗ, ép buộc nộp các khoản tiền rất lớn với lý do như phí đào tạo kỹ năng bán hàng, mua tài liệu kinh doanh; hoặc họ yêu cầu ứng viên phải mua một gói sản phẩm ban đầu để đầu tư, gia nhập DN. Nộp tiền xong, người tham gia và người được tuyển sẽ có một khoản hoa hồng để khuyến khích họ tuyển thêm người khác, hoặc chính họ tiếp tục nộp thêm tiền...
Ngoài ra, hiện nay có nhiều DN hoạt động kinh doanh với mô hình trả thưởng dựa trên mô hình đa cấp với một số hình thức như mua bán tiền điện tử, kinh doanh dịch vụ giáo dục hoặc kêu gọi đầu tư các dự án. Các hình thức này là hình thức bị cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tham gia không được pháp luật bảo vệ khi gặp rủi ro.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu như trước đây, các DN kinh doanh đa cấp gắn liền với việc bán các mặt hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe thì thời gian gần đây, hoạt động đa cấp đã bị biến tướng, phần lớn không có hàng hóa như phương thức truyền thống nữa, thay vào đó là các gói đầu tư. Người tham gia bỏ tiền mở tài khoản ảo và mua các gói đầu tư trên website do các đối tượng lập ra với những lời hứa hẹn có cánh sẽ được hưởng lãi suất rất cao, thời gian thu hồi vốn nhanh. Đồng thời, người chơi còn được hưởng hoa hồng khi giới thiệu những người khác tham gia vào hệ thống, mà thực chất là lấy tiền của người sau trả cho người trước... Hoạt động huy động vốn trái phép theo hình thức đa cấp này ngày càng diễn biến phức tạp và liên tục biến tướng, thay đổi chiêu thức để dụ dỗ người chơi và qua mặt các cơ quan chức năng. Điều đáng lo ngại là mặc dù cơ quan chức năng, báo, đài liên tục phanh phui, cảnh báo các chiêu thức nhưng số lượng người tham gia các loại hình này vẫn không ngừng gia tăng, quy mô các vụ việc bị phát giác, vụ sau cao hơn rất nhiều lần các vụ việc trước. Hệ quả để lại là tiền đầu tư của người dân bị chiếm đoạt, tình hình trật tự an ninh xã hội bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động huy động vốn thông qua các kênh được pháp luật thừa nhận, cho phép hoạt động bị ảnh hưởng rất lớn.
“Theo quy định của pháp luật, cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh đa cấp chưa được cấp phép hoặc kinh doanh theo hình thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100 - 200 triệu đồng, hoặc có thể bị xử lý hình sự mà mức phạt lên tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam, quy định tại Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017” - luật sư Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đang rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; đồng thời, tổ chức, triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021 - 2025.
"Người dân khi tham gia vào kinh doanh, bán hàng đa cấp cần tìm hiểu rõ thông tin về DN mình định “đầu quân” cũng như về các hoạt động của DN đó có đúng pháp luật hay không để tránh mất tiền oan." - Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện chỉ còn hơn 20 DN có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp trên thị trường. Trong năm 2020, bộ đã ban hành quyết định xử phạt 5 DN, tổng số tiền phạt hơn 2,4 tỷ đồng.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhan-dien-chieu-tro-ban-hang-da-cap-lua-dao-411236.html