Nhận diện chiêu trò lừa đảo mua bán nhà đất
Bình Dương hiện có 48 khu, cụm công nghiệp đã tạo động lực phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại và thu hút ngày càng nhiều người các tỉnh, thành đến làm ăn, sinh sống. Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhu cầu về nhà ở cũng bức thiết, phát sinh hàng trăm khu phân lô bán nền hình thành tự phát trong những năm qua.
Bên cạnh những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh chân chính, còn có nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng chính sách mở cửa, kẽ hở của pháp luật, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước và sự nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân đã tạo điều kiện cho những đối tượng phạm tội…
Những gã Giám đốc rởm
Những năm gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai trở thành vấn đề nhức nhối trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đối tượng lừa đảo không chỉ là các giám đốc rởm, lập doanh nghiệp để làm bình phong mà ngay cả các “cò” đất, dù không có bất kỳ tư cách pháp nhân nào, chỉ nhờ cam kết miệng cũng lừa được rất nhiều người.
Bị can Trần Thị Thúy Liễu (sinh năm 1985, ngụ phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là một “cò” đất hoạt động ở khu vực huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Mặc dù trong tay chẳng có giấy tờ gì để chứng minh tính hợp pháp của các dự án nhà đất mà Liễu rao bán nhưng với tài ăn nói Liễu đã lừa được 20 người đặt cọc mua 1.347 nền đất tại các dự án trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Sau khi nhận tiền cọc hơn 60 tỷ đồng thì Liễu tắt máy điện thoại, “ôm” tiền bỏ trốn khỏi địa phương…
Ngụy Khắc Vinh là Giám đốc Công ty TNHH địa ốc VHO (khu phố Bình Đức, phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), với thủ đoạn đưa ra các thông tin gian dối về quyền sở hữu hợp pháp đối với bất động sản tại các dự án, lừa nhiều người đặt cọc mua đất, ký hợp đồng chuyển nhượng để chiếm đoạt số tiền lớn.
Tương tự là Đặng Văn Chuyền, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng thương mại dịch vụ Phước Điền (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), dù chẳng được chủ đầu tư ủy quyền nhưng Chuyền ung dung ký hợp đồng, thu tiền để chuyển nhượng đất nền tại các dự án và lập các “dự án ma” và phân lô bán nền trên những khu đất không đủ điều kiện tách thửa. Sau khi vẽ sơ đồ phân lô thành nhiều nền đất, Chuyền đã quảng cáo gian dối, để ký kết các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của khách hàng…
1001 kiểu lừa đảo
Thượng tá Lưu Minh Hoàng, Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: Một số thủ đoạn mới hiện nay là các đối tượng lừa đảo giả vờ mua đất để tiếp cận người bán và xin bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Sau đó, thông qua mạng xã hội Facebook, chúng thuê người làm giả GCNQSDĐ với đầy đủ thông tin chủ đất thực tế. Tiếp theo, các đối tượng tìm người mua hoặc cho vay có thế chấp với số tiền lớn rồi thuê người đóng giả vợ chồng chủ đất ra văn phòng công chứng ký hợp đồng ủy quyền hoặc hợp đồng chuyển nhượng để chiếm đoạt tiền chia nhau tiêu xài. Có trường hợp sau khi có sổ đỏ giả, các đối tượng thuê người mang sổ giả đến gặp chủ đất thật để hỏi mua. Sau khi được chủ đất đưa xem sổ đỏ thật, các đối tượng trong nhóm giả vờ nhờ chủ đất dẫn đi vệ sinh để đồng bọn còn lại đổi sổ giả lấy sổ thật…
Qua các hành vi lừa đảo bị phát hiện cho thấy, thủ đoạn của tội phạm rất đa dạng, tinh vi và xảo quyệt như vẽ, in bản vẽ các dự án, sơ đồ phân lô bán nền trên đất của người khác hoặc không có thật. Sau đó quảng cáo trên mạng Internet để bán hoặc làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước (như quyết định chấp nhận chủ trương, quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500, giấy phép xây dựng...) để huy động vốn trái phép bằng các hình thức thu tiền để giữ chỗ, ưu tiên vị trí, đặt cọc, mua nhà ở hình thành trong tương lai. Một số đối tượng lập công ty “ma” thuê người làm chủ đầu tư dự án, tự vẽ ra dự án “ảo” trên đất của người khác hoặc đất đã được quy hoạch công viên, trường học... và rao bán.
Thẩm phán Nguyễn Thị Sang (Tòa hình sự, TAND tỉnh Bình Dương) cho biết, trong số các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì số lượng các vụ án lừa đảo liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ không lớn, tuy nhiên, quy mô, tính chất, mức độ hành vi phạm tội, số lượng người bị lừa đảo, giá trị tài sản bị chiếm đoạt là đặc biệt lớn, gây bức xúc trong dư luận.
Nguyên nhân của tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực đất đai chủ yếu là do các quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai chưa thật sự đồng bộ, còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai còn nhiều sơ hở, thiếu sót; việc công khai, minh bạch thông tin liên quan đến đất đai (dự án, chủ sử dụng...) chưa đầy đủ, kịp thời. Năng lực, trình độ chuyên môn của một số cá nhân có thẩm quyền trong tiếp nhận, thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai, của công chứng viên, người chứng thực... chưa đáp ứng nhu cầu dẫn đến các đối tượng dễ dàng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, một số trường hợp cố tình làm trái quy định của pháp luật, tiếp tay cho tội phạm.
Thượng tá Bùi Phạm Hải, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Bình Dương cho rằng, các văn phòng công chứng tư được thành lập khá nhiều nhưng chất lượng công chứng chưa thật sự hiệu quả, chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế. Bởi người dân tin tưởng vào văn phòng công chứng khi ký các hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế các vụ án, vụ việc cho thấy hầu hết các giấy tờ nhà đất, giấy tờ tùy thân được làm giả và kể cả người đóng giả chủ đất nhưng vẫn qua mặt được văn phòng công chứng.
Ngoài ra, một nguyên nhân chính khác nữa là trình độ hiểu biết pháp luật về đất đai của một bộ phận người dân chưa đầy đủ; nhiều trường hợp hám lợi, chấp nhận rủi ro để chuyển nhượng đất đai trái phép nhằm thu lợi cao; mua bằng giấy tay hoặc lập vi bằng nhà đất qua Văn phòng thừa phát lại khi giao dịch...