Nhận diện chính xác, hỗ trợ hiệu quả

Tỉnh Ninh Bình được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Một trong những phương pháp để giảm nghèo hiệu quả của tỉnh, đó là làm thật chắc công tác rà soát hộ nghèo, xác định rõ nguyên nhân nghèo để từ đó áp dụng, hoạch định các chính sách hỗ trợ đặc thù hiệu quả.

Nhờ được hỗ trợ nông cụ, một hộ nghèo ở xã Cúc Phương đã vươn lên thoát nghèo.

Nhờ được hỗ trợ nông cụ, một hộ nghèo ở xã Cúc Phương đã vươn lên thoát nghèo.

Xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) vốn là địa phương có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, giảm nghèo. Tuy nhiên, những năm qua, công tác giảm nghèo của xã đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 1,5 đến 2 %. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã theo tiêu chí giai đoạn 2016-2020 còn 3,86%, theo tiêu chí giai đoạn mới 2022-2025 là 6%.

Điểm lại quá trình bứt phá của xã trong công tác giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020, ông Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình khẳng định: "Lực đẩy" cho công tác giảm nghèo của xã Thạch Bình chính là nhờ những chính sách hỗ trợ đặc thù của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Điển hình như Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (còn gọi là chương trình 135) là một trong những chương trình giảm nghèo được triển khai theo Quyết định 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình đã được triển khai từ năm 1997-2010, ở các năm tiếp theo, chương trình được triển khai dưới các tên gọi khác nhau và mới nhất gọi chung là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Dưới sự "tiếp sức" của chương trình 135, diện mạo của Thạch Bình cũng như các xã đặc biệt khó khăn ở huyện miền núi Nho Quan đã có sự khởi sắc với hệ thống điện, đường, trường, trạm ngày càng khang trang, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.

"Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện đối với việc rà soát kỹ, nhận diện chính xác hộ nghèo, cận nghèo để từ đó áp dụng các chính sách hỗ trợ một cách linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, thực sự đã giúp người nghèo ở Thạch Bình có thêm động lực để vươn lên.

Cũng như Thạch Bình, xã Cúc Phương (Nho Quan) ngày nay đã mang một diện mạo mới, khang trang, hiện đại, chất lượng cuộc sống của bà con được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh "lực đẩy" từ chính sách hỗ trợ theo chương trình 135, theo ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương, địa phương đã có bước tiến dài trong giảm nghèo là nhờ việc thực hiện có hiệu quả Quyết định 140 - QĐ/TU ngày 01/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thực hiện Quyết định này, xã Cúc Phương được Bảo hiểm xã hội tỉnh nhận phụ trách và một số doanh nghiệp kết nghĩa với xã Cúc Phương.

Theo đó, các đơn vị phụ trách, kết nghĩa đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể để hỗ trợ địa phương. Điển hình như, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh hỗ trợ máy vi tính, tủ sách pháp luật, mở lớp tư vấn, tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi.

Các Công ty như Công ty TNHH sản xuất và thương mại dịch vụ Phương Thành An, Công ty Du lịch Cúc Phương, Công ty Xuân Hòa... hỗ trợ xây dựng trường học, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa, các nhà trường, làm đường giao thông nông thôn… Tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2016-2019 đạt trên 7, 4 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở nguồn lực, cơ chế, chính sách giảm nghèo chung của Trung ương ban hành, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ động, tranh thủ lồng ghép với ngân sách địa phương và các nguồn lực huy động khác, ban hành các chính sách, đề án đặc thù phù hợp với địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.

Những chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh được ban hành sát với thực tiễn, nhu cầu và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Điển hình như, các chính sách đặc thù nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ thuộc địa bàn 55 xã đặc thù của tỉnh đã được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi đi xuất khẩu lao động, du học nghề, từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 140/QĐ-TU và Quyết định số 141/QĐ-TU phân công 55 cơ quan, đơn vị phụ trách và 56 doanh nghiệp kết nghĩa với 55 xã, phường, thị trấn có tính chất đặc thù. Thực hiện nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp kết nghĩa đã có nhiều giải pháp, việc làm sáng tạo, thiết thực giúp đỡ, hỗ trợ các xã đặc thù với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng.

Một chính sách nổi bật khác phải để đến, đó là Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án số 12/ĐA-UBND về xuất khẩu lao động, nhằm hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ thuộc địa bàn 55 xã có tính chất đặc thù của tỉnh để giảm nghèo bền vững. Mục tiêu phấn đấu mỗi năm hỗ trợ đưa 1.000 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;

Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND về việc quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp cao đẳng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, theo đó hỗ trợ đối tượng về nhóm ngành nghề do tỉnh đặt hàng đào tạo với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/người/năm...

Ngoài ra, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách giảm nghèo như: Hàng năm, trích ngân sách tỉnh bổ sung vào nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay; chính sách hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho đối tượng thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt BHYT); hỗ trợ mua BHYT cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên chưa được cấp thẻ BHYT...

Với việc thực hiện đồng bộ, sáng tạo nhiều giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm đều qua các năm. Cụ thể, từ 7,46% (năm 2015) đã giảm xuống còn 5,77% (năm 2016), 4,53% (2017), 3,63% (2018), 2,57% vào cuối năm 2019, 1,87% cuối năm 2020 và ước tính còn 1,5% vào cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhan-dien-chinh-xac-ho-tro-hieu-qua/d2021122010185594.htm