Nhận diện chính xác thực trạng, nghiên cứu thấu đáo giải pháp phát triển y tế cơ sở
Với chủ trương được xác định rõ ràng, các quy định pháp luật đã có và nhiều giải pháp về tài chính, nhân lực, kỹ thuật được thực hiện, y tế cơ sở thời gian qua đã có những bước phát triển quan trọng, nhưng cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội LÊ VĂN KHẢM, cần nhận diện đầy đủ, chính xác thực trạng phát triển y tế cơ sở hiện nay, nghiên cứu thấu đáo các giải pháp theo hướng đổi mới, khả thi, phù hợp nhu cầu thực tiễn và mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra.
Mong tháo gỡ nhanh nhất vướng mắc trong hoạt động khám chữa bệnh
- Ông đánh giá như thế nào về những kết quả và những khó khăn, thách thức của ngành y tế trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân?
- Năm 2022, ngành y tế đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 và các dịch bệnh khác, không để dịch bệnh lớn bùng phát, không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”. Ngành y tế đã rất nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ khi vượt và đạt cả 3 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao. Trong đó, vượt chỉ tiêu về số bác sĩ/10.000 dân (kết quả thực hiện đạt 11,5 bác sĩ, vượt so với chỉ tiêu 9,4 bác sĩ); vượt chỉ tiêu về số giường bệnh/10.000 dân (kết quả đạt được 31 giường bệnh, vượt so với chỉ tiêu được giao là 29,5 giường bệnh); đạt chỉ tiêu về tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế (đạt 92,03% dân số). Thực tế cho thấy, sau đại dịch Covid-19, số lượt người đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện gia tăng so với năm trước đó. Toàn ngành y tế và hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, tư nhân đều đã rất nỗ lực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.
Tuy vậy, những bất cập trong công tác quản lý cung ứng dịch vụ y tế cùng những khó khăn nội tại và khách quan chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước đang là những trở ngại, thách thức đáng kể đối với ngành y. Đó là, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh; thiết bị y tế bị thiếu hoặc không đủ điều kiện để hoạt động nên không đáp ứng được nhu cầu, làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng khám, chữa bệnh và cả quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế; tình trạng nhân viên y tế, kể cả bác sĩ, tại các cơ sở y tế công lập xin thôi việc để làm công việc khác hoặc chuyển sang làm việc cho các cơ sở y tế ngoài công lập…
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức như vậy, toàn ngành y tế và mỗi bệnh viện, nhất là các bệnh viện công lập ở tất cả các tuyến chuyên môn kỹ thuật đều rất nỗ lực thực hiện các giải pháp tốt nhất trong khả năng để giảm thiểu tác động đến công tác chuyên môn, đến chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi người bệnh. Người dân nói chung và những người bệnh nói riêng cũng chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế, những vất vả mà nhân viên y tế đang trải qua. Song mặt khác, người dân cũng mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khắc phục sớm nhất, tháo gỡ nhanh nhất những vướng mắc để hoạt động khám, chữa bệnh thực sự được bảo đảm về chất lượng dịch vụ và bảo đảm quyền lợi của người dân.
- Đại dịch Covid-19 trong 3 năm vừa qua đã làm bộc lộ nhiều vấn đề về thể chế, đầu tư, nguồn lực và xây dựng nền tảng y tế cơ sở. Chia sẻvới những khó khăn của ngành y, Quốc hội đãcónhiều quyết sách nhằm kịp thời "gỡ khó" cho ngành y, thưa ông?
- Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội đều theo dõi rất sát, nắm bắt kịp thời thực tế những khó khăn, bất cập, những kiến nghị của cử tri nói chung và cử tri ngành y tế tại các địa phương nói riêng trong công tác khám, chữa bệnh và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, sự quyết tâm cao của Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành và của mỗi lãnh đạo các đơn vị trong ngành y tế đối với việc tháo gỡ vướng mắc hiện nay trong công tác mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế, cơ chế quản lý và điều kiện sử dụng thiết bị trong hoạt động chuyên môn.
Chia sẻ với những khó khăn của ngành y và phúc đáp những yêu cầu cấp bách mà thực tiễn đặt ra, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về một số giải pháp liên quan đến thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 về phòng chống Covid-19 và giải pháp liên quan đến việc gia hạn thuốc có Giấy phép lưu hành đã hết hiệu lực nhưng chưa kịp gia hạn. Với quyết sách này, một trong những trở ngại dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, nguyên liệu làm thuốc là vấn đề gia hạn giấy phép lưu hành theo quy định của Luật Dược hiện hành đối với hàng nghìn loại thuốc sẽ được khắc phục.
Cũng tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), có hiệu lực từ 1.1.2024, trong đó cho phép thực hiện các hình thức xã hội hóa như thuê, cho thuê dịch vụ liên quan đến khám chữa bệnh, cho mượn thiết bị và các hình thức xã hội hóa khác theo quy định của Chính phủ; cùng với rất nhiều quy định mới về cơ chế bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh, cơ chế tự chủ tài chính… sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển hệ thống khám, chữa bệnh trên quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng luôn đồng hành và chủ động phối hợp với Chính phủ, các cơ quan hữu quan trong nghiên cứu các giải pháp, kể cả trước mắt và lâu dài, nhằm khắc phục những bất cập hiện nay về công tác y tế. Trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục chủ động nắm bắt, nghiên cứu kỹ lưỡng các đề xuất của Chính phủ để đưa ra những quyết sách kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và sự ổn định, phát triển của hệ thống y tế.
Lấy mục tiêu phát triển bền vững làm cơ sở nền tảng
-Nângcao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiệnnay, khó khăn nhất đối với y tế cơ sở là đầu tư còn thấp, thiếu nhân lực giỏi, thu nhập cho cán bộ quá thấp. Dướigóc độ của cơ quan lập pháp, ôngcó suy nghĩ gì trước thực tế này?
- Y tế cơ sở được coi là nền tảng trong hệ thống y tế. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế xã, phường, thị trấn, bảo đảm thực hiện đúng vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn. Trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế xã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong phòng bệnh, chữa bệnh và quản lý sức khỏe nhân dân như chủ trương của Đảng đề ra sẽ là sự bảo đảm cho thành công của sự nghiệp chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân theo cách tiếp cận công bằng, hiệu quả và phát triển.
Mặc dù chủ trương được xác định rõ ràng, các quy định pháp luật đã có, nhiều giải pháp về tài chính, nhân lực, kỹ thuật đã được thực hiện, y tế cơ sở cũng đã đạt được những kết quả rất quan trọng nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều. Chúng ta phải nhận diện đầy đủ, chính xác thực trạng, diễn biến thực tế, lắng nghe những kiến nghị của người dân, chính quyền địa phương, cơ sở y tế để nghiên cứu thấu đáo các giải pháp theo hướng đổi mới, khả thi, phù hợp nhu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển.
Qua giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở cho thấy, một số bất cập trong hoạt động của y tế cơ sở hiện nay như: nguồn nhân lực thiếu về số lượng và yếu về năng lực so với yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật; chế độ đãi ngộ, chính sách hỗ trợ chưa tạo điều kiện cho nhân viên y tế yên tâm làm việc, chưa thu hút nhân lực có chất lượng cao làm việc tại tuyến cơ sở. Chúng ta cũng chưa có chiến lược toàn diện và cụ thể có thể dự báo được để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và tính phức tạp của các vấn đề y tế công cộng trong thời kỳ phát triển mới. Nhiều cơ chế, chính sách về quản lý, về tài chính, tổ chức hệ thống không còn phù hợp với tình hình hiện nay, chưa đặt đúng trọng tâm yêu cầu của mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Yêu cầu về tự chủ trong bối cảnh còn có các yếu tố bất định là thách thức lớn đối với trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện.
Như vậy, để ổn định và phát triển y tế cơ sở, cần một nghiên cứu đánh giá tổng thể hiện trạng, xây dựng một chiến lược toàn diện với các giải pháp có tính chất đồng bộ và liên ngành, có cơ chế tài chính phù hợp với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân theo hướng công bằng cho mọi người, hiệu quả sử dụng nguồn lực và sự phát triển của hệ thống y tế tuyến cơ sở. Việc đầu tư phải mang tính chiến lược, lấy mục tiêu phát triển bền vững làm cơ sở nền tảng, lấy các chỉ số chuyên môn y tế và chỉ tiêu sức khỏe làm thước đo hiệu quả của mỗi cơ sở y tế, mỗi địa phương để đầu tư hợp lý.
- Bên cạnh chiến lược phát triển toàn diện và cơ chế tài chính phù hợp để phát triển hệ thống y tế cơ sở, theo ông, cần có những đổi mới gì trong mô hình quản lý, tổ chức y tế cơ sở thời gian tới?
- Trong công tác quản lý, về mô hình tổ chức trung tâm y tế huyện có thể khác biệt giữa đô thị và nông thôn nhưng cần thống nhất mô hình quản lý trung tâm y tế huyện, xác định trách nhiệm cụ thể và cách thức phối hợp giữa ngành y tế và chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã. Đổi mới cách thức tổ chức hoạt động, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường theo nhu cầu thực tế của mỗi địa bàn để sử dụng nguồn lực hợp lý. Công tác đào tạo nguồn nhân lực, luân phiên cán bộ và cơ chế tuyển dụng, nhất là việc tăng mức phụ cấp, chế độ ưu đãi hợp lý đối với người làm việc ở tuyến y tế cơ sở cần được quan tâm và giải quyết ngay từ lúc này là rất cần thiết.
- Xin cảm ơn ông!