Nhận diện cơ hội và thách thức về cung cấp nước sạch cho Đà Lạt tương lai
• Đặt vấn đề
Nhu cầu dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh luôn biến động khi kinh tế đô thị phát triển, quy mô dân số tăng/giảm hàng năm (thường trú và tạm trú) và đất đai đô thị mở rộng (về công năng và diện tích sử dụng) qua từng thời kỳ của quy hoạch; nhưng nguồn lực tài nguyên nước bao giờ cũng là hữu hạn, việc khan hiếm nguồn nước có nguyên nhân do con người khai thác đôi khi vượt quá “tầm kiểm soát” và điều kiện tự nhiên ngày càng “khắc nghiệt” trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trước xu hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính (từ đô thị đến nông thôn) do không đạt chuẩn theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cấp hạng đô thị và đơn vị hành chính. Cụ thể như việc sáp nhập huyện Lạc Dương vào thành phố (TP) Đà Lạt (giai đoạn từ 2026 đến 2030) là đối tượng để nghiên cứu, hướng tới những cơ hội và thách thức mới trong lộ trình quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị theo định hướng quy hoạch chung (QHC) - trong đó, có vấn đề cung ứng nước sạch cho Nhân dân và du khách đặt ra cho TP. Đà Lạt “mới” trong tương lai không xa.
• ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CUNG/CẤP NƯỚC HIỆN NAY
1. Về nguồn nước
Đà Lạt hiện có rất nhiều hồ nhân tạo, phân bố rải rác tạo thành các khu vực cảnh quan đặc trưng, vừa cung/cấp nước và điều hòa nguồn nước mưa. Hầu hết các hồ nước của Đà Lạt hiện nay đều được hình thành từ giải pháp quy hoạch xây dựng (QHXD) bằng phương pháp “xây đập chắn dòng” và chức năng của các hồ này không chỉ có tác dụng tích nước tự nhiên, mà còn cân bằng mực nước mưa qua các “đập xả tràn”, tạo nên môi trường nước ổn định và cảnh quan cho khu vực quanh hồ; góp phần kiến tạo nên tính chất “Đô thị sinh thái” bền vững cho Đà Lạt trong suốt quá trình hơn 130 năm hình thành và phát triển (1893 - 2024).
Về “nguồn cung” cho hệ thống các nhà máy nước (NMN) trên địa bàn TP Đà Lạt, ngoài một số hồ cảnh quan trong khu vực nội thành, như: Than Thở, Xuân Hương, Chiến Thắng, Đa Thiện, Tuyền Lâm. Ngoài ra, còn có hồ Đankia - Suối Vàng (với phần lớn diện tích hồ thuộc huyện Lạc Dương) và hồ Đơn Dương - tức hồ Thủy điện Đa Nhim (thuộc thị trấn Dran – huyện Đơn Dương) giáp ranh với Đà Lạt, đã bổ sung được nguồn nước cấp quan trọng qua các NMN Đankia 1, Đankia 2 và Phát Chi. Các hồ này tuy không dồi dào về trữ lượng, nhưng chất lượng nguồn nước mặt còn tốt, có thể đáp ứng yêu cầu mở rộng, nâng cấp, phát triển đô thị cho tương lai…
2. Về năng lực cấp nước
Qua số liệu cập nhật ghi nhận: Để phục vụ cấp nước sạch cho sinh hoạt của cư dân và các hoạt động sản xuất, dịch vụ - du lịch trên địa bàn Đà Lạt, hiện có 07 Nhà máy nước (NMN), trong đó có 2 NMN do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư, vận hành và khai thác kinh doanh; còn lại chủ yếu do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng quản lý, đầu tư và khai thác… Toàn bộ 07 NMN có tổng công suất thiết kế 97.000m3, nhưng lượng nước bán ra là 77.800m3; trong đó có 2 NMN Đankia 1 và 2 chỉ cấp nước cho Lạc Dương đạt 3.000m3/ngđ, cấp cho khoảng 12.000 nhân khẩu; trong khi phần lớn các NMN còn lại đáp ứng cho 7.000 hộ trên địa bàn Đà Lạt, khoảng 250.000 dân (chưa kể phần cấp nước cho các tổ chức sự nghiệp và hoạt động kinh doanh khác). Riêng NMN hồ Tuyền Lâm chỉ cấp nước trong phạm vi Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, phục vụ cho 37 dự án (tính cả các dự án đang xin gia hạn), với khối lượng nước bán ra là 15.000m3/ngđ, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 7.000 phòng nghỉ, tương đương 20.000 - 25.000 du khách…
3. Những cơ hội và thách thức
Trong nhiều năm qua, hệ thống cơ sở vật chất cho việc cung/cấp nước sạch đối với TP Đà Lạt đã có sự đầu tư, mở rộng, nâng cấp… ổn định và tăng trưởng, trong chính sách điều hành vĩ mô, thu hút đầu tư, dự báo quy hoạch và sự nỗ lực của các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong ngành nước. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần trao đổi sau:
- Tỷ lệ cư dân đô thị Đà Lạt (năm 2024) được cung/cấp nước sạch tập trung đạt 96,9% tính trên quy mô dân số đô thị khoảng 258.000 dân (số tròn) - so với chỉ tiêu 95% tại Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ là đạt và vượt. Nhưng đối với người dân vùng nông thôn, tại những khu vực thấp trũng, cách xa khu dân cư tập trung… còn khoảng 21.000 người chưa được cấp nước sạch; mặc dù họ vẫn sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh từ các giếng đào/giếng khoan; tuy mức độ khai thác chưa nhiều, nhưng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến trữ lượng và mực nước ngầm trong đất, nếu không có sự kiểm soát từ cơ quan chức năng khi đô thị phát triển, đời sống sung túc.
- Tổng lượng nước bán ra đạt 80% tính trên công suất thiết kế là 97.000m3, cho thấy nguồn nước còn lại (khoảng 20.000 m3) chưa có gì là đảm bảo “bền vững” cho dự phòng phát triển TP Đà Lạt “mới” theo mốc tăng trưởng của kỳ quy hoạch: “Đến năm 2030 là 370.000 người, năm 2035 là 403.500 người và năm 2045 là 607.000 người” (bao gồm dân cư đô thị, nông thôn và du khách sau khi quy đổi); trong khi việc cấp nước sạch cho vùng huyện Lạc Dương là rất thấp, đạt tỷ lệ 6% tổng khối lượng nước cấp trên địa bàn Đà Lạt và gần 30% tổng số cư dân (đã quy đổi) so với hiện tại trên địa bàn huyện.
Đối với 2 NMN do tư nhân đầu tư, ngoại trừ NMN Đankia 2 đầu tư tương đối hiệu quả (giữa lượng nước bán ra và công suất thiết kế); riêng NMN hồ Tuyền Lâm, cần suy nghĩ theo hướng: Nếu chỉ phục vụ cho quy mô các dự án trong khu vực hồ - đáp ứng tối đa tổng quy mô dự án Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, chỉ đạt 60% công suất thiết kế là 25.000m3/ngđ; trong khi phần lớn các dự án thành phần chưa hoàn thành công trình và đưa vào hoạt động. Trong chiến lược kinh doanh (như hiện nay), sẽ tiềm ẩn sự mâu thuẫn/đối nghịch giữa hiệu quả đầu tư, đơn giá nước thành phẩm, lượng khách hàng… và nhất là sự lan tỏa giá trị của tính chất công trình “phục vụ dân sinh và phát triển KT-XH” chưa cao, nếu như không mở rộng phạm vi cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân (Đà Lạt và một phần huyện Đức Trọng) tại khu vực giáp ranh hồ Tuyền Lâm.
Đối với các hồ nước tạo “nguồn cung” cho cấp nước, cần chú trọng biện pháp bảo vệ lâu dài để hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm nguồn nước và bồi lắng lòng hồ; có chính sách đầu tư mở rộng các hồ hiện có để nâng trử lượng nguồn nước và phát triển mạng lưới đường ống phân phối; bảo vệ nguồn nước ngầm, việc khai thác sử dụng phải được kiểm soát, xem đây là phương án hỗ trợ cho các điểm dân cư ngoại thành, xa khu đô thị… khi chưa có điều kiện cấp nước tập trung…
Qua khảo sát thực tế, cho thấy có những bất hợp lý, như: (1) Đơn giá nước bán ra của Công ty CP Cấp thoát nước tỉnh “được duyệt” không thể “thu mua” nguồn nước cấp của các doanh nghiệp tư nhân theo cơ chế thỏa thuận giá thị trường; (2) Các doanh nghiệp cấp nước cùng khai thác trong một “nguồn cung”, nhưng không có chức năng và trách nhiệm về quản lý, đầu tư, bảo vệ môi trường và chống xả thải gây ô nhiễm đến nguồn nước từ đầu nguồn; (3) Không thể ngăn chặn việc khai thác nguồn nước cho việc phát điện của Nhà máy thủy điện Ankroet trong mùa khô, do phụ thuộc vào chính sách “thuê lại” tài nguyên nước từ một đơn vị chủ quản khác…
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, cường độ mưa gia tăng, diễn ra trên diện rộng, với tổng lượng mưa tại Đà Lạt có chiều hướng tăng qua từng năm; nhưng ngược lại, đến mùa khô luôn dẫn đến tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, đe dọa tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất kéo dài. Ngoài ra, các không gian rừng tự nhiên của Đà Lạt thường bị xâm hại (do tình trạng quản lý thiếu kiểm soát), ngoài việc gây tác động lớn đến cây rừng và cảnh quan thiên nhiên đặc thù, cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên nước từ đô thị đến nông thôn…
• KẾT
Khi Bác sĩ Yersin giới thiệu địa điểm “vùng Đan Kia” cho Toàn quyền P. Doumer để phục vụ chủ trương xây dựng Trạm nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Đông Dương (từ năm 1897) và định hướng “Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023), đến chủ trương sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt (giai đoạn 2026 - 2030) - đến nay gần tròn 130 năm để hiện thực hóa một ý tưởng, một tầm nhìn chiến lược phát triển đô thị trên Cao nguyên Lang Biang (tính từ năm 1897 đến 2027).
Theo các định hướng của QHC TP Đà Lạt tương lai, phần dư địa phát triển đô thị cho Đà Lạt hướng về vùng huyện Lạc Dương là tương đối thuận lợi, vì diện tích đất rộng, dân số ít. Nhưng xét về lĩnh vực cung/cấp nước có nhiều hạn chế và thách thức. Vì thực tế trong cư dân Đà Lạt, tại các vùng xa trung tâm và trục đường phố chính, vẫn còn hình thức sử dụng giếng đào/giếng khoan, mặc dầu trữ lượng khai thác là không đáng kể. Đối với người dân vùng huyện Lạc Dương hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa, nước sông suối để thu hứng vào bể chứa phục vụ sinh hoạt gia đình, do địa hình núi cao, độ dốc trên 25%, nên không thể khai thác nguồn nước ngầm. Đồng thời, tại một số khu du lịch sinh thái của Đà Lạt và Lạc Dương, do xa khu đô thị, mật độ xây dựng không tập trung, nên chủ đầu tư là doanh nghiệp vẫn phải tự đầu tư giếng khoan, thiết lập trạm bơm, đài nước, ống dẫn… để cấp nước cho các hoạt động của dự án.
Từ việc quy hoạch, khai thác nguồn nước mặt tự nhiên để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt và phát triển sản xuất (nông nghiệp, dịch vụ, du lịch…) đối với TP Đà Lạt “mới” cần phải được tính toán, nghiên cứu, xem xét đến những dự báo tương lai - nhất là đối với vùng huyện Lạc Dương (trước và sau khi sáp nhập). Nếu việc mở rộng Đà Lạt có nhiều thuận lợi về dư địa phát triển, thì việc thu hút đầu tư, gia tăng nguồn lực và phát huy mọi giá trị về KT-XH một cách năng động và hiệu quả, mới tạo ra đòn bẩy kích hoạt cho việc “tăng cơ học” và tiếp cận các nguồn tài lực, nhân lực và trí lực ở mức độ cao, để đạt đến mục tiêu xây dựng TP Đà Lạt “mới” thỏa mãn các tính chất: Khoa học, Hiện đại, Du lịch xanh, Đô thị thông minh, Sáng tạo nghệ thuật và Di sản văn hóa - kiến trúc… như kỳ vọng.
Câu chuyện đầu tư (nâng cấp, mở rộng, phát triển và xây dựng mới) về hạ tầng kỹ thuật từ đô thị đến nông thôn của Đà Lạt - trong đó có việc cung/cấp nước sạch tập trung cho đời sống cư dân và phục vụ mọi hoạt động KT-XH của một Đà Lạt - New City cần phải đi trước, đồng bộ, đón đầu và tương xứng với lộ trình phát triển đô thị; đặc biệt là phải nhanh chóng dọn đường cho các cấp đồ án QHXD được duyệt, bằng hàng loạt các đồ án Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết và Thiết kế đô thị (theo quy định). Có như vậy, những chỉ tiêu, định hướng quy hoạch mới có cơ sở đặt niềm tin khi bước vào ngưỡng cửa của năm mới 2025, đón chào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc” …
Singapore ngày cuối năm, 25/12/2024