Nhận diện công thức '4-2-3-3' tạo bước đột phá kinh tế Quảng Bình
Bốn trụ cột phát triển kinh tế, hai trung tâm động lực, ba trung tâm đô thị và ba hành lang kinh tế là các nhân tố chủ lực tạo đột phá phát triển Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.
Đây là đánh giá tổng quát nhất của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng khi trả lời câu hỏi làm thế nào để Quảng Bình đạt được mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chính thức công bố vào ngày 25/6 tới đây.
Mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, Quảng Bình sẽ là tỉnh phát triển khá ở khu vực miền Trung. Đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là một một nền kinh tế năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây.
Theo ông Thắng, khi xây dựng mục tiêu, Quảng Bình đã rà soát, phân tích và lấy ý kiến rất nhiều chuyên gia đầu ngành để bao quát tất cả những tiềm năng, lợi thế sẵn có, từ đó định hướng kịch bản phát triển cho Quảng Bình mang tính chiến lược lâu dài, vừa đảm bảo tạo đột phá, vừa phát triển bền vững.
Trước tiên, Quảng Bình xác định 4 trụ cột phát triển kinh tế bao gồm tập trung phát triển hạ tầng du lịch để lĩnh vực này thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, xác định đây là lĩnh vực tạo đột phá tăng trưởng và chuyển dịch kinh tế; phát triển công nghiệp là trọng điểm, trong đó khuyến khích kêu gọi công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xem đây là bệ đỡ nền kinh tế, ưu tiên nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển.
Bên cạnh đó, Quảng Bình đã xác định 2 trung tâm động lực tăng trưởng bao gồm Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu kinh tế Hòn La. Theo đó, Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và Khu Kinh tế Hòn La trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.
Trong quy hoạch, Quảng Bình cũng xác định 3 trung tâm đô thịgồm Trung tâm đô thị thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận, trong đó, thành phố Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối thành phố Đồng Hới, gồm Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười; Trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là Thị xã Ba Đồn gắn với trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, các khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa; Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là đô thị Kiến Giang, đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.
Đặc biệt, Quảng Bình xác định 3 hành lang kinh tế gồm Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; Hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Nhìn nhận về quy hoạch, ông Thắng cho rằng, Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã căn bản bao quát toàn bộ mục tiêu, định hướng phát triển Quảng Bình. Tuy vậy, để Quảng Bình phát triển toàn diện hơn, tối ưu hóa mục tiêu đề ra thì cần nhìn nhận dư địa phát triển dưới góc độ không gian phát triển Quảng Bình, trong đó có không gian biển gắn với cả nước.
Theo ông Thắng, Quảng Bình có vùng đặc quyền kinh tế với không gian biển hơn 20.000 km2, trong khi không gian vùng nội địa chỉ có 8.000 km2. Quy hoạch tỉnh Quảng Bình tách không gian biển, chỉ dựa trên không gian nội địa, nên chưa bao quát hết lợi thế phát triển của Quảng Bình.
“Quảng Bình có hơn 200 km đường biên giới với nước bạn Lào, nên có thể mở rộng không gian kinh tế về phía Tây, đây là khu vực có vùng đất đai rộng lớn, có thể phát triển nhiều loại hình kinh tế như năng lượng, cây công nghiệp...”, ông Thắng đánh giá.
Cũng theo Bí thư Vũ Đại Thắng, không gian liên kết cũng là một yếu tố quan trọng trong lợi thế phát triển Quảng Bình. Quảng Bình nằm trong khu vực phát triển năng động về công nghiệp như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Khu vực này có nhiều nhà máy mang tính động lực như Lọc dầu Nghi Sơn, Formosa Vũng Áng...
“Khu kinh tế Hòn La tiếp giáp với Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), tạo nên không gian phát triển kinh tế rất thuận lợi, hỗ trợ qua lại giữa hai khu kinh tế, nhất là Quảng Bình có sân bay Đồng Hới, cách Khu kinh tế Vũng Áng 70 km, sẽ là hạ tầng quan trọng không chỉ đối với Khu kinh tế Hòn La mà còn cả Khu kinh tế Vũng Áng”, ông Thắng nói.