Nhận diện 'cuộc chiến' chống cái xấu, cái ác để bảo vệ và xây dựng cái tốt, cái thiện
Trong thế giới đa dạng hiện nay, việc một số người không thích lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là điều không có gì mới. Cái mới là ở chỗ, một số người này ngày càng ra sức đi đến xuyên tạc, chống đối sự nghiệp cách mạng của đất nước Việt Nam.
Nhận diện những luận điệu xuyên tạc, chống đối này không khó. Rõ nhất là những người rắp tâm đi theo chủ nghĩa chống cộng (anti-communisme), có tâm tính thâm thù chủ nghĩa cộng sản. Và, đương nhiên từ đó họ chống đối sự nghiệp cách mạng và đả kích Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với cái tâm không lành, những người này không từ một thủ đoạn nào để xuyên tạc, đặt điều, nói xấu tất tần tật từ cá nhân lãnh đạo, từ tổ chức và từ cả cơ sở lý luận của chế độ chính trị. Đối với họ, những điều đó bị họ nhìn qua lăng kính đen kịt, rồi phản chiếu ra trên các phương tiện truyền thông bằng những hình thù méo mó.
Khi cái tâm đầy thù hận như thế thì góc nhìn và cách nhìn của những người đó chắc chắn bị thiên lệch. Ở đây, không phải là sự ngộ nhận mà là họ có sẵn ý đồ cố tình xuyên tạc. Ngộ nhận thì khác. Có thể người ta có cái tâm trong sáng, nhưng những thông tin đến với người ta bị sai lệch hoặc chưa đủ đầy cho nên rất dễ đi đến đánh giá, nhận xét sự vật và hiện tượng không đúng với bản chất.
Mỗi một khi thông tin đã được điều chỉnh, được đến với họ một cách đầy đủ hơn, chính xác hơn thì người ta có thể dễ dàng thay đổi lại nhận thức cho đúng. Hoặc, cũng đối với một số người vốn có cái tâm trong sáng, khi nhìn nhận sự vật và hiện tượng trong tiến trình cách mạng nước ta bị thiên lệch do phương pháp không đúng, nhưng nếu được thay đổi phương pháp cho phù hợp thì người ta sẽ điều chỉnh lại nhận định cho đúng đắn hơn.
Đằng này, họ không phải vậy. Không phải nguyên nhân từ các nguồn thông tin, trong đó có mức độ và chất lượng thông tin. Không phải nguyên nhân từ phương pháp tiếp cận không phù hợp hay phương pháp nghiên cứu, nhìn nhận sai, mà là đích thị từ định kiến thâm thù.
Đã có cái tâm như vậy thì họ sẵn sàng bóp méo thông tin, xuyên tạc, đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm. Một số người thuộc dạng có cái tâm xấu này thể hiện từ cách nói, cách viết, cách hành động lúc tinh vi, ngụ ý, ẩn giấu, nói xa nói gần, vòng vo tam quốc; nhưng có không ít kẻ thật trắng trợn, cực đoan, viết và nói bằng những lời hằn học, chửi bới, chì chiết, mạt sát,…
Tất cả các dạng đó có thể không hợp với người này nhưng lại hợp với người khác. Trong thực tế thì, loại bịa đặt nhân chứng, tài liệu, hoặc dựa trên một vài sự kiện, kể cả những tài liệu trong các kho lưu trữ, kể cả một số sự kiện của một vài nhà nghiên cứu có uy tín, để họ nói dựa, viết dựa hoặc để xuyên tạc về cách mạng Việt Nam, nghĩa là những cách trình bày lắt léo, tinh vi, cộng với bút pháp có vẻ ly kỳ, hấp dẫn, kể cả việc làm phim ảnh, dựng cảnh, là có vẻ lừa được nhiều người hơn cả.
Trong số ý kiến xuyên tạc, chống đối cách mạng Việt Nam, đáng chú ý, có những ý kiến từ một số cá nhân bất mãn với chế độ chính trị hiện hành. Những người bất mãn là những người từng có liên quan đến việc này, việc nọ, từng giữ chức vụ này, chức vụ nọ trong bộ máy của hệ thống chính trị ở Việt Nam, nay không còn có tình cảm với cách mạng hoặc thù hận do nhận thức sai lệch, do bị “dính” đến một hoặc nhiều sự kiện nào đó, hoặc bản thân mình hoặc người trong gia đình mình bị tổn thương…
Chúng ta thấy rằng, những ý kiến của họ về cách mạng sặc mùi cực đoan, xuyên tạc, chửi rủa, hằn học,… Họ tự khuếch trương lên rằng, họ là những người “trong cuộc”, là những người nằm trong lòng các sự kiện, có cả những điều họ cho là “thâm cung bí sử”, cho nên, họ cho rằng, họ là những người nắm chắc được bản chất của sự kiện để đưa ra thông điệp cho người đọc, người nghe rằng, những điều họ viết, họ nói mới là sự thật.
Thế yếu nhất của họ thường là bị mang danh là người bất mãn với chế độ chính trị, với cách mạng, bị nhiều người coi là “những phần tử phản động”, cho nên họ có thái độ cay cú, sẵn sàng bịa chuyện, hoặc dựa trên một vài sự kiện, tài liệu có thật để rồi thêm thắt, bình luận, hoặc viết rất ly kỳ, tinh vi để nói xấu chế độ, hoặc nhấn mạnh, tô đậm những sai lầm, khuyết điểm của Đảng.
Điểm chú ý hiện nay là: Đấu tranh chống lại những luận điểm xuyên tạc, chống đối của các thế lực này là cuộc đấu tranh rất lâu dài, phức tạp. Cuộc đấu tranh này để có được thắng lợi trước hết và suy cho đến cùng là hoàn toàn phụ thuộc vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Dốc sức vào việc thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối đúng đắn của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng tự nó đã là sự thành công của việc dẹp yên những luận điểm đó.
Riêng trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận, rất cần đẩy mạnh tiến công trực diện, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, chống đối cách mạng. Phải nắm lấy thế mạnh của các phương tiện truyền thông về phía mình trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Cần bảo đảm tính kịp thời của những cuộc đấu tranh. Đã qua rất lâu rồi thời đại thông tin “chạy bộ marathon”, chạy bằng ngựa qua các trạm truyền tin.
Đã qua rồi thời đại thông tin quay tay máy điện thoại. Đã qua rồi thời đại điện tín qua mooc xơ. Thời buổi này là thời buổi của trực tuyến. Một chiếc smartphone vừa mới ra xưởng hôm nay thì ngày mai đã có phiên bản mới rồi. Mở mạng internet là ngồi trước cả kho tin tức nhân loại. Khái niệm thời gian - không gian dưới sự tiến bộ của công nghệ thông tin đã thu hẹp khoảng cách một cách đáng kinh ngạc. Trực tuyến, tức thời, thời gian chỉ tính bằng phần trăm, phần nghìn, phần vạn, phần triệu nào đó của giây. Không gian triệu dặm bị thu hẹp có khi chỉ còn trong gang tấc.
Do vậy, cần tận dụng các phương tiện một cách phong phú, hiệu quả. Chưa bao giờ, mặt trận tư tưởng, lý luận được mở rộng với nhiều phương tiện, hình thức như giai đoạn hiện nay. Đó là các phương tiện nghe nhìn, là truyền tin trên mạng xã hội, là báo viết, báo điện tử, báo hình, là phương tiện lưu truyền không chỉ là trên giấy,...
Người chiến sĩ trên mặt trận này hiện nay chưa bao giờ có được những lợi thế hành nghề như thế. Nhưng, lợi thế đó cũng nằm ở phía bên kia, mà có khi với điều kiện kinh phí, họ lại nhanh nhạy hơn chúng ta. Do vậy, phải có sự đầu tư thêm “vũ khí”, tức là phải chịu bỏ tiền ra để đầu tư “nâng cấp” các phương tiện. Biết rằng, phương tiện không phải là số 1, càng không phải là duy nhất, nhưng chúng có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc đấu tranh trên mặt trận này.
Đương nhiên, phương tiện vẫn chỉ là phương tiện; cái phần quan trọng nhất phải là con người sử dụng phương tiện đó. Do vậy, cái lôgíc của vấn đề còn lại là ở chỗ, con người đó phải được đào tạo, phải luôn được rèn luyện, tu dưỡng. Điều này đòi hỏi chất lượng người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Mà chất lượng này được tạo ra từ kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Cần có biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ xung kích đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, chống đối sự nghiệp cách mạng.
Cuộc đấu tranh này có hiệu quả hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm, cái trí, cái tầm của Đảng ta. Nó là “cuộc chiến” chống lại cái xấu, cái ác để xây cái tốt, cái thiện.