Nhận diện đầy đủ về bình đẳng giới
Bình đẳng giới (BĐG) luôn là vấn đề được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam quan tâm nhằm bảo vệ quyền con người. Hiện nay, các chính sách về vấn đề BĐG ở Việt Nam đã được triển khai và đem lại những kết quả nhất định khi phụ nữ ngày càng có tiếng nói quan trọng trong xã hội.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, vấn đề bất BĐG vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc một số ngành, lĩnh vực trong các doanh nghiệp.
* Những nhìn nhận chưa đúng
BĐG là việc phụ nữ và đàn ông đều có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và vị thế ngang nhau trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, bất BĐG vẫn đang tồn tại khi mà phụ nữ ít nhiều vẫn bị hạn chế về tiếng nói, về quyền lợi, về cơ hội học tập và phát triển…
Ông Nguyễn Văn Đức (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, cha mẹ ông rất coi trọng con trai. Nhà ông có 3 anh em trai và 2 chị gái, thế nhưng chỉ có con trai được đầu tư cho học lên cao, được đầu tư vốn làm ăn, còn 2 chị gái thì phải nghỉ học sớm để ở nhà lấy chồng sinh con, dù 2 chị học giỏi hơn anh em trai.
Điều 26, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội BĐG. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.” Và đặc biệt là: “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.
“Anh em trai chúng tôi được bố mẹ chăm bẵm, đầu tư nhiều hơn các chị gái khiến tôi thấy rất áp lực khi tất cả gánh nặng đặt lên vai người đàn ông. Tôi cho rằng, con trai hay con gái cũng đều là con nên được đối xử và yêu thương công bằng, đều có trách nhiệm và nghĩa vụ như nhau” - ông Đức chia sẻ.
Chị Trịnh Thị Tuyết (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, vợ chồng chị ở chung với cha mẹ chồng và ông bà mặc nhiên là con dâu phải phục vụ chồng và nhà chồng, dù đóng góp kinh tế của chị cho gia đình còn nhiều hơn cả chồng. “Bình đẳng giữa chồng và vợ cần sự nhìn nhận cân bằng về vai trò, nghĩa vụ và quyền lợi của vợ và chồng. Bởi phụ nữ sinh ra không phải chỉ để phục vụ chồng và gia đình chồng. Việc chăm sóc cha mẹ 2 bên gia đình là nghĩa vụ và trách nhiệm chung của 2 vợ chồng” - chị Tuyết cho hay.
Một số ý kiến cho rằng, việc phụ nữ ở nhà chăm sóc gia đình, nuôi con, không có thu nhập rất khó có tiếng nói trong nhà, không còn thời gian để chăm sóc sức khỏe, học hành nâng cao trình độ hay phát triển bản thân, dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình… Điều đáng nói, ngay trong nội tại bản thân các chị em, nhiều người cũng không nhận ra hoặc nhận ra sự bất bình đẳng này nhưng vẫn can tâm chấp nhận như một mặc định.
* Vẫn còn nhiều thách thức
Một thực tế hiện nay, có không ít công ty thích tuyển lao động nam hơn nữ, dù vị trí công việc đó lao động nữ làm rất tốt. Bởi công ty không phải giải quyết các chính sách cho lao động nữ vào “ngày đèn đỏ”, mang thai, sinh con, nghỉ hậu sản…
Có chuyên môn là kế toán, chị Nguyễn Huỳnh Thủy Tiên (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) được tuyển vào một công ty ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Dù công việc chị đang làm như một kế toán trưởng, nhưng lại chỉ được trả lương ở vị trí kế toán viên. Chị Thủy Tiên thắc mắc thì được lãnh đạo giải thích, công ty cần một kế toán trưởng là nam, hiện chưa tuyển được nên chị tạm thời phụ trách. Còn vị trí của chị hiện chỉ là kế toán viên.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê trong quý II-2022, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,5 triệu đồng, cao hơn 1,9 triệu đồng so với thu nhập của lao động nữ là 5,6 triệu đồng. Nghĩa là thu nhập bình quân của lao động nam cao hơn gấp 1,34 lần so với lao động nữ.
TS Nguyễn Thu Lan, Chủ tịch Hội Nữ trí thức tỉnh chia sẻ, với những chính sách về quyền của phụ nữ đang được quan tâm và thúc đẩy hiện nay, vai trò của phụ nữ đã được nhìn nhận một cách rõ ràng hơn. Nhiều chị em đã được tạo điều kiện và bản thân biết vươn lên trong lao động, học tập và tiến thân, có nhiều đóng góp to lớn cho xã hội. Ngay cả những cơ quan từ trung ương, đến địa phương, tỷ lệ lãnh đạo nữ cũng đang tăng dần. Tuy nhiên, để được nhìn nhận vai trò và năng lực ngang bằng với nam giới, chị em phải nỗ lực rất nhiều từ trong gia đình đến cơ quan.
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Gia đình và giới (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), vấn đề BĐG ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Như vấn đề kinh tế, hiện thu nhập bình quân của lao động nữ thực tế thấp hơn nam giới, trong khi đó nữ giới là đối tượng dễ bị tổn thương hơn. Về chính trị - xã hội, tỷ lệ nữ giới tham gia vào cơ quan quản lý, lãnh đạo nữ tuy có tăng lên nhưng vẫn chưa thể cân bằng so với tỷ lệ nam giới vì rào cản quan điểm. Nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chỉ rõ, chỉ khi giải quyết được những vấn đề trên, sự đấu tranh cho BĐG ở Việt Nam mới đạt được kết quả khả quan.