Nhận diện dòng vốn FDI

(ĐTTCO) - Nguồn vốn nước ngoài hiện đang đóng vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển cả nền kinh tế. Tuy nhiên, các quy định liên quan đôi khi lại làm cho các nhà đầu tư nước ngoài lúng túng và không khai thác được hết lợi thế của nguồn vốn.

Đâu là DN FDI?

Năm 2012, Mekophar đã bị từ chối mở rộng kinh doanh, phân phối dược phẩm và phải chịu rời sàn chứng khoán vì có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 4,7% vốn điều lệ, bị xếp vào diện DN có vốn đầu tư nước ngoài. Sự việc này từng được xem “một cái chết oan” cho Mekophar và tạo nên nhiều luồng ý kiến về những quy định pháp luật dành cho DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Căn cứ vào hình thức góp vốn đầu tư, có thể chia phương thức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thành 2 loại: đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Luật Đầu tư 2014 đã bỏ đi các khái niệm này, tuy nhiên các quy định cụ thể vẫn được thể hiện trong những văn bản hướng dẫn. 2 phương thức này khác nhau ở cách thức góp vốn đầu tư. Nếu trực tiếp nhà đầu tư sẽ tham gia quản lý hoạt động đầu tư, gián tiếp thì không. Một số hình thức đầu tư gián tiếp như: góp vốn, mua bán cổ phần, phần vốn góp trong DN; mua bán giấy tờ có giá hoặc chuyển nhượng vốn trong các quỹ đầu tư.

FDI - foreign direct investment, là đầu tư nước ngoài trực tiếp. Dựa trên khái niệm này và thực tế kinh doanh, DN FDI được hiểu là DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Một cách chính xác hơn, Thông tư 19/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định: DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là DN do nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn để thành lập, quản lý DN và thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Như vậy, DN có bao nhiêu phần trăm vốn đầu tư nước ngoài thì được xem là DN FDI? Thực ra vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài có nhiều dạng: đầu tư cá nhân, đầu tư tổ chức, góp vốn, mua cổ phần, thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn nước ngoài… Một số DN 100% vốn FDI hiện nay có thể kể đến như Samsung, dự án Hồ Tràm, 2 “ông lớn” là Coca-Cola và Pepsi… Và câu trả lời là dù tỷ lệ vốn nước ngoài trực tiếp trong công ty ở mức 1% hay 100%, nhưng nếu có hoạt động thành lập, quản lý DN và thực hiện đầu tư là DN FDI. Với mỗi hình thức đầu tư khác nhau, mức vốn khác nhau, phạm vi hoạt động cũng như các ràng buộc pháp lý đối với DN lại khác nhau.

Những khuôn khổ pháp luật

Hiện tại mức 51% vốn điều lệ được đưa ra để phân định điều kiện và thủ tục áp dụng cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Thí dụ, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên sẽ thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong các hình thức nhận đầu tư từ vốn nước ngoài, DN cần lưu ý các quy định cấm, hạn chế và điều kiện kinh doanh.

Lật lại vụ việc của Mekophar cách đây 4 năm, DN này khi đó niêm yết trên sàn HOSE với 4,7% vốn nước ngoài và không được chấp thuận của Sở Kế hoạch-Đầu tư cho ngành nghề phân phối dược phẩm. DN có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện quyền phân phối (theo Thông tư 34/2013/TT-BCT mới nhất) cho một số ngành nghề như lúa gạo, đường mía, đường củ cải, dầu thô, dầu đã qua chế biến, dược phẩm… Bên cạnh đó, còn một số hàng hóa thuộc danh mục không được thực hiện quyền xuất khẩu như dầu thô, không được thực hiện quyền nhập khẩu như một số sản phẩm xì gà, thuốc lá, dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ, các phương tiện bay...

Hiện tại, việc nới room ngoại đang trở thành mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài phải đủ “thoải mái” để thu hút vốn đầu tư. Mới đây, Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty niêm yết lên 100% thay vì 49% như trước đây. Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề đặc thù, tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị giới hạn. Thí dụ dịch vụ logistics chủ yếu, dịch vụ logistics liên quan đến vận tải, hoặc trong lĩnh vực tài chính: giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất máy in tại Nhà máy Canon.

Ngoài các ngành nghề cấm kinh doanh hay giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài, các DN có vốn đầu tư nước ngoài còn phải lưu ý các điều kiện đầu tư kinh doanh, được áp dụng thống nhất cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) đối với một số hình thức đầu tư vốn.

Việc thu hút vốn FDI không chỉ là câu chuyện riêng của mỗi DN, mà còn liên quan đến sự phát triển của cả nền kinh tế. Đã từng có nhiều tranh cãi về vấn đề xác định DN FDI, về cách thức góp vốn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong DN. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là mỗi DN FDI, với nguồn vốn đầu tư trực tiếp, luôn phải hình dung một giới hạn vô hình cho DN mình, và mỗi bước đi đều phải cẩn trọng với những chấp thuận của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160420/nhan-dien-dong-von-fdi.aspx