Nhận diện đúng để có biện pháp gỡ khó phù hợp

Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào những ngày cuối của năm đầu tiên giai đoạn phục hồi kinh tế-xã hội sau Covid-19. Trước tác động của những khó khăn từ thị trường, thành phố đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra.

Công nhân Công ty may Nhà Bè trong giờ làm việc.

Công nhân Công ty may Nhà Bè trong giờ làm việc.

Trước những tác động của thị trường, nhiều doanh nghiệp đang rất vất vả để tìm kiếm thị trường, thậm chí phải cắt giảm lao động để tránh nguy cơ rơi vào tình trạng khó khăn, phá sản.

Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ

Sự việc ban lãnh đạo Công ty TNHH Tỷ Hùng (phường An Lạc, quận Bình Tân) mới đây thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với 1.200 người lao động với lý do: Đối tác nhập khẩu bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi tình hình kinh tế cho nên đã không ký kết đơn hàng. Dù tìm mọi biện pháp nhưng doanh nghiệp không thể khôi phục sản xuất như kế hoạch. Thực tế này phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Số lượng đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%. Điều này khiến lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp tăng, chiếm đến 20-25%. Trong quý IV năm nay và quý I/2023, mức độ cạnh tranh đơn hàng giữa các doanh nghiệp khá gay gắt. Để bán hàng, nhiều doanh nghiệp chào giá chỉ bằng một nửa so với giai đoạn bình thường.

Khi không có đơn hàng, hoặc đơn hàng bị chậm trễ, nhiều doanh nghiệp bất đắc dĩ phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Lê Văn Thinh cho biết: Tính đến tháng 11/2022, thành phố có 27 doanh nghiệp cho người lao động thôi việc vì lý do cơ cấu lại công nghệ cũng như ảnh hưởng bởi vấn đề kinh tế. Số doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc tăng hơn so với 2021 (26 doanh nghiệp) đã phản ánh những tác động của nền kinh tế thế giới lên các doanh nghiệp là rất lớn.

Đánh giá về bức tranh chung nền kinh tế-xã hội năm 2022, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Trong năm, thị trường chứng khoán, bất động sản, xăng dầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn đã tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội thành phố, tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp.

Các đơn vị tự chủ tài chính giảm nguồn thu, các đơn vị y tế cũng gặp khó khăn; bên cạnh đó là khó khăn về tài chính, ngân sách khi thực hiện chính quyền đô thị. Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, năm 2023, dự báo kinh tế trong nước cũng như thành phố sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nguyên vật liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước,… là những vấn đề sẽ tác động lớn khiến nền kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều biến động khó lường.

Tìm giải pháp gỡ khó

Nêu ý kiến mới đây tại phiên họp kinh tế-xã hội của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, điểm sáng lớn nhất về kinh tế-xã hội thành phố trong năm 2022 là sự phục hồi kinh tế khá toàn diện ở nhiều lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch,… Tuy vậy, thời gian gần đây, tốc độ này có dấu hiệu chững lại mà nguyên nhân chủ yếu là do việc hấp thụ vốn còn hạn chế và diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường. Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung nhưng dư địa để phát triển của thành phố vẫn còn nếu nhận diện đúng vấn đề để tháo gỡ.

Thí dụ, vấn đề nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất cao. Nếu thành phố tháo được điểm nghẽn các dự án nhà ở thì thị trường bất động sản sẽ “ấm” trở lại. Từ đó, Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất các giải pháp như: Thành phố cần quan tâm hơn nữa tới thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời, chủ động phối hợp để gỡ khó cho những khó khăn của thị trường bất động sản; bảo đảm ổn định nguồn cung và giá cả mặt hàng hàng thiết yếu là xăng, dầu khi Tết đã cận kề.

Về những giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cuối năm 2022 và năm 2023, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương cần nắm sát tình hình, đánh giá đúng diễn biến để xác định được trọng tâm và có giải pháp cụ thể. Thành phố đã có chín tháng đầu năm 2022 đạt những kết quả tăng trưởng rất ấn tượng sau giai đoạn Covid-19 cho nên với những khó khăn đang đối mặt, thành phố cũng không nên bi quan. Thay vào đó, thành phố sẽ tìm hướng tháo gỡ, tìm các dư địa, nhìn thấy các phát sinh trước mắt để đánh giá đúng, tránh bị động.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao, nắm sát tình hình để kịp thời tháo gỡ, báo cáo thành phố giải quyết. Trong đó, hết sức quan tâm công tác giải quyết thủ tục hành chính do đây là vấn đề quan trọng để tạo ra động lực thúc đẩy tiến độ thực hiện nhiệm vụ cho các ngành, các lĩnh vực khác.

Năm 2022 các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá; Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng 9,44% so cùng kỳ (năm 2021 giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra (6-6,5%); Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 17,3% so cùng kỳ; trong đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 19,92% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so cùng kỳ; Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán giao. Trong 19 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2022, dự kiến có 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; có 2/19 chỉ tiêu dự kiến không đạt và có 3/19 chỉ tiêu chưa có cơ sở tính toán và đánh giá.

Bài, ảnh: QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhan-dien-dung-de-co-bien-phap-go-kho-phu-hop-post729519.html