Nhận diện hạn chế, tồn tại và tổng hợp kiến nghị báo cáo đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị
Tiếp tục chương trình làm việc tại Tây Ninh, sáng 23.8, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du và các thành viên đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy về kết quả công tác tham mưu cấp ủy tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tham dự buổi làm việc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong, lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và Thành ủy Tây Ninh.
Tại buổi làm việc, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Huỳnh Thị Hồng Nhung báo cáo các nội dung một số cách làm mới, sáng tạo của tỉnh trong công tác xây dựng Đảng. Các thành viên đoàn kiểm tra cơ bản thống nhất với báo cáo bổ sung của tỉnh; đồng thời đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Thành ủy trao đổi làm rõ một số khó khăn, kiến nghị liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đối với nguồn nhân lực cả trước mắt và lâu dài của tỉnh; các giải pháp thu hút nhân tài; triển khai thực hiện các nhiệm vụ đột phá của Trung ương và tỉnh; triển khai học tập và tuyên truyền nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương trong công tác xây dựng Đảng…
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong phát biểu về việc triển khai thực hiện 4 chương trình đột phá của tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái nhấn mạnh một số nội dung hạn chế, tồn tại của tỉnh trong nửa nhiệm kỳ, qua đó là công tác xây dựng quy hoạch chung của tỉnh còn chậm, dẫn đến khó khăn trong thu hút đầu tư; dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) gặp khó khăn về pháp lý do liên quan đến hai địa phương nên nhiều khả năng không đạt mục tiêu hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ; công tác sắp xếp, quản lý, khai thác, sử dụng đất đai của các doanh nghiệp Nhà nước, nông lâm trường trên địa bàn còn chậm; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu; nhân lực ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo thiếu từ nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết triệt để, dẫn đến những vấn đề mới phát sinh tác động mạnh khiến nhân lực hai ngành này thiếu hụt trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó còn một số hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra, giám sát đã thường xuyên quan tâm nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu, còn một số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật phải xử lý.