Nhận diện hành vi bạo lực tinh thần của phụ huynh đối với con

Bạo lực tinh thần là hành vi bạo lực gia đình, là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm dù trực tiếp hay gián tiếp gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế cho người bị bạo lực.

Luật sư Lưu Hồng Khanh, Đoàn Luật sư tỉnh (bìa phải) tư vấn pháp luật cho người dân về biện pháp để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tại buổi tuyên truyền pháp luật tại xã Bình An (H.Long Thành). Ảnh: Đoàn Phú

Luật sư Lưu Hồng Khanh, Đoàn Luật sư tỉnh (bìa phải) tư vấn pháp luật cho người dân về biện pháp để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tại buổi tuyên truyền pháp luật tại xã Bình An (H.Long Thành). Ảnh: Đoàn Phú

Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, việc cha mẹ sử dụng lời nói chì chiết, nhục mạ, hạ thấp phẩm giá hoặc lợi dụng vị thế trong gia đình của mình để gây áp lực, buộc con cái phải tuân theo mình… là hành vi bạo lực tinh thần.

* Càm ràm con thi trượt

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hằng năm vào các trường THPT công lập không chỉ là sức ép với học sinh mà còn với cả phụ huynh. Để đủ điểm vào các trường THPT công lập, các em phải nỗ lực rất nhiều trước đó để đạt được ý nguyện của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, sau khi các trường thông báo điểm chuẩn đầu vào theo nguyện vọng, nhiều em không đủ điều kiện vào các trường đã đăng ký trước đó nên bị phụ huynh càm ràm, gây sức ép về tâm ý…

Chẳng hạn như trường hợp của em T.N. (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) do không đủ điểm vào lớp 10 các trường THPT công lập ở TP.Biên Hòa theo nguyện vọng đã chọn nên bị cha mẹ càm ràm, chì chiết. Phụ huynh còn nhiều lần chê bai học dốt, ham chơi, lười nhác trước mặt bạn bè, người thân khi được hỏi đến. Chính vì vậy, em phát sinh tâm lý tự ti, xấu hổ không muốn gặp mặt bạn bè, không đi du lịch cùng gia đình, không chịu về quê thăm ông bà.

Theo luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh), hành vi bạo lực tinh thần không dễ nhận biết nên nhiều phụ huynh vô tình phạm phải. Ngoài các hành vi như cha mẹ của em T.N., bạo lực gia đình còn là có thái độ, cử chỉ, hành động như: cáu gắt, dọa nạt, phạt ở nhà, không cho tiếp xúc với bạn bè, vui chơi… nhằm thể hiện sự không hài lòng đối với con cái về vấn đề nào đó.

“Hành vi bạo lực tinh thần khó nhận diện hơn so với bạo lực thể chất, kinh tế. Tuy vậy, nó vẫn gây ra hậu quả tức thời hoặc tạo ra di chứng làm tổn hại tới sức khỏe tinh thần của các em. Do đó, các bậc phụ huynh phải nhận thức được vấn đề và dừng ngay lập tức hành vi, kịp thời động viên, an ủi, chia sẻ với các em sao cho phù hợp” - luật sư Lưu Hồng Khanh cho biết.

* Nhận diện hành vi bạo lực tinh thần

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình (Khoản 2, Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007).

Đồng thời tại Khoản 1, Điều 2 của luật này còn chỉ rõ các hành vi bạo lực gia đình như: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí là ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau…

Luật gia Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh bày tỏ, trong các hành vi trên thì hành vi lăng mạ hoặc cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng dễ nhận diện là hành vi bạo lực gia đình về tinh thần.

Riêng với các hành vi như: trừng phạt nghiêm khắc khiến con em cảm thấy mình vô dụng hay liên tục bắt nạt, bỏ mặc, phớt lờ con muốn làm gì thì thuộc phạm trù đạo đức, trách nhiệm nên rất khó quy kết, đánh giá đó là hành vi bạo lực tinh thần khi chưa có hậu quả xảy ra.

“Bởi vì không phải phụ huynh nào cũng nhận thức được đâu là những lời nói, hành vi cực đoan của mình đối với con. Do nó được ngụy biện, che đậy, ẩn nấp dưới danh nghĩa của tình yêu thương, trách nhiệm, quyền của cha mẹ đối với con cái” - luật gia Nguyễn Thanh Sơn lý giải.

Cũng theo luật gia Nguyễn Thanh Sơn, mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, các luật khác có liên quan như: trẻ em, hôn nhân và gia đình, hình sự… đã quy định cụ thể các hành vi được cho là bạo lực tinh thần. Tuy vậy, muốn xử lý được hành vi này thì hành vi đó phải được quy định rõ, cụ thể trong luật hoặc các văn bản hướng dẫn.

Chẳng hạn, tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình quy định, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với các hành vi: cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó; không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh. Hoặc phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.

“Về trách nhiệm hình sự thì hành vi bạo lực tinh thần khi có đủ yếu tố cấu thành các tội danh như: vu khống, làm nhục, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh đó” - luật gia Nguyễn Thanh Sơn phân tích.

Luật gia NGUYỄN THANH SƠN, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho hay, hành vi bạo lực gia đình nói chung và bạo lực về tinh thần nói riêng dù được biện minh bởi lý do gì cũng bị pháp luật nghiêm cấm, ngăn chặn, xử lý. Hiện nay, có rất nhiều cơ quan tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, nhất là đối tượng bị bạo lực là trẻ em như: UBND cấp xã, hội phụ nữ, tổ chức bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em…

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202207/nhan-dien-hanh-vi-bao-luc-tinh-than-cua-phu-huynh-doi-voi-con-3125836/