Nhân điển hình, tạo tiềm lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Tối 19-12, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (QUTƯ, BQP) tổ chức Chương trình gặp mặt, giao lưu điển hình tiên tiến (ĐHTT) xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh, giai đoạn 2009-2019, với chủ đề 'Cùng nhau giữ nước', nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày hội QPTD và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Chương trình nhằm tôn vinh, nhân rộng các ĐHTT, cổ vũ, động viên, phát huy vai trò nòng cốt của LLVT và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nền QPTD vững mạnh, biểu dương ý chí quyết tâm và sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tới dự có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư QUTƯ, Bộ trưởng BQP; Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTƯ, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu; đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân; các đồng chí tướng lĩnh trong QĐND và Công an nhân dân; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc QUTƯ, BQP.
Tham dự chương trình có 245 ĐHTT trong xây dựng nền QPTD vững mạnh giai đoạn 2009-2019, được lựa chọn từ các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị trong QĐND Việt Nam.
Kế thừa sáng tạo truyền thống dựng nước và giữ nước
Niềm vui lộ rõ trong ánh mắt, nụ cười của các đại biểu, các ĐHTT tham gia chương trình gặp mặt, giao lưu. Mọi người đều đến sớm để chia sẻ những câu chuyện cảm động, ý nghĩa về Ngày hội QPTD, về những tấm gương cán bộ, chiến sĩ, người dân không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Gặp gỡ, trò chuyện với các đại biểu, chúng tôi không chỉ cảm phục về tinh thần, ý chí, những thành tích đáng ghi nhận mà còn đặc biệt ấn tượng bởi nhận thức sâu sắc về Ngày hội QPTD, truyền thống lịch sử của QĐND Việt Nam.
Cách đây tròn 30 năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI ra Chỉ thị số 381-CT/TW, quyết định lấy ngày 22-12-Ngày thành lập QĐND Việt Nam là Ngày hội QPTD. Ngày 22-12-1989, lần đầu tiên Ngày hội QPTD được tổ chức tại tất cả các địa phương trong cả nước. 30 năm qua, ngày 22-12 trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc, biểu dương sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp xây dựng nền QPTD vững mạnh và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, nền QPTD mang đặc trưng, bản sắc riêng biệt của Việt Nam, là sự kế thừa sáng tạo truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông; là nền QPTD, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, góp phần quan trọng giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước.
Không chỉ nêu bật ý nghĩa của Ngày hội QPTD, chương trình giao lưu còn khắc họa sinh động lịch sử ra đời, truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam anh hùng, khởi nguồn từ 75 năm trước, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-tiền thân của QĐND Việt Nam.
Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh, để chống lại những thế lực xâm lược có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn mạnh hơn nhiều lần, bằng trí tuệ và tài thao lược, ông cha ta đã biết quy tụ, động viên, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Gắn bó với nhân dân để tổ chức LLVT là một nội dung quan trọng của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó cũng là những chia sẻ tâm huyết của các đại biểu tham gia giao lưu mở màn chương trình.
Đồng chí Nông Quốc Hùng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) bộc bạch: “Quân và dân huyện Nguyên Bình nói riêng, tỉnh Cao Bằng nói chung rất tự hào về truyền thống quê hương cách mạng, là nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Những năm qua, BQP và Quân khu 1 đã đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn, giúp đỡ địa phương xây dựng nông thôn mới và các công trình gắn với những giá trị lịch sử truyền thống của địa phương. Tỉnh Cao Bằng tập trung nguồn lực phát triển 3 lợi thế: Du lịch, kinh tế cửa khẩu và nông nghiệp, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh; huy động các tổ chức, lực lượng và nhân dân tham gia cùng LLVT xây dựng nền QPTD vững mạnh, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.
Ôn lại lời căn dặn của Bác Hồ tại đền Giếng (Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ) năm xưa với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308): “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, đồng chí Hồ Đại Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho rằng, đó cũng là lời nhắn nhủ tới toàn quân, toàn dân. Đồng chí chia sẻ: Quân và dân tỉnh Phú Thọ mãi khắc ghi lời dạy của Người, phát huy truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, cùng các lực lượng, nhất là LLVT xây dựng nền QPTD vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ luôn xác định, xây dựng nền QPTD là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Địa phương cũng nhận được sự đồng hành tích cực của các đơn vị quân đội, nhất là giúp địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xử lý các sự cố môi trường, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh...
Một mô hình tiêu biểu của tỉnh Tây Ninh và Quân khu 7 là mô hình “Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới”, đã phát huy hiệu quả tích cực. Đồng chí Bùi Thanh Phong, Chủ tịch HĐND xã Tân Lập (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) cho biết: Mục đích của mô hình là đưa người dân lên sinh sống rộng khắp tuyến biên giới, cùng với các lực lượng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Năm 2015, địa phương đã xây dựng thành công xã nông thôn mới, với sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị quân đội. Các công trình nông thôn mới vừa phục vụ đời sống nhân dân, vừa góp phần bảo đảm quốc phòng.
Những năm qua, quân và dân cả nước đã không ngừng bồi đắp lòng tự hào dân tộc, chung tay xây dựng nền QPTD vững mạnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Phát huy sức mạnh tổng hợp, ý chí quyết tâm
Đảng ta xác định, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận QPTD, thế trận an ninh nhân dân. Trong 30 năm thực hiện Ngày hội QPTD, thành tựu quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; góp phần tăng cường cả về thế trận và lực lượng, nhất là trên các hướng, các địa bàn chiến lược, trọng yếu, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Đồng chí Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định: Gắn kinh tế với quốc phòng là yêu cầu khách quan của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian qua, BQP, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ trong kết hợp phát triển nông nghiệp nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới với bảo đảm quốc phòng-an ninh và ổn định mọi mặt. Hai bộ đã phối hợp bằng nhiều chương trình vừa tổng thể, vừa cụ thể trên từng lĩnh vực, như: Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng dự bị động viên... Thời gian tới, hai bộ sẽ tiếp tục phối hợp chỉ đạo các lực lượng thực hiện tốt hơn việc xây dựng nền QPTD theo quan điểm chỉ đạo chiến lược nhất quán, xuyên suốt của Đảng trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Đại tá Nguyễn Hoài Phương, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã có định hướng chiến lược trong quy hoạch, xây dựng, tạo thế phòng thủ liên hoàn vững chắc, làm “điểm tựa” thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Địa phương luôn coi trọng tính lưỡng dụng của các công trình, dự án đầu tư. Các dự án đầu tư, các khu dân cư mới xây dựng vừa phải bảo đảm cho phát triển kinh tế-xã hội, vừa bảo đảm xây dựng thế trận khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, huyện liên hoàn vững chắc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng khi có tình huống xảy ra. Cùng với đó, xây dựng “thế trận lòng dân” là nhân tố hết sức quan trọng.
Chương trình giao lưu thêm lắng đọng cảm xúc, khi các đại biểu được nghe câu chuyện về nữ già làng Ksor H’BLăm (ở làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai). Sau nhiều năm trong quân ngũ, bà Ksor H’BLăm đã hy sinh hạnh phúc riêng tư vì buôn làng; kiên trì thuyết phục bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp, trồng lúa, ngô, sắn, nuôi bò, heo…; xây dựng vùng biên giới vững mạnh. Già còn cùng bộ đội động viên thanh niên Jarai hăng hái lên đường nhập ngũ; vận động bà con tham gia bảo vệ biên giới, không nghe theo kẻ xấu xúi giục...
Phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, bộ, ngành, của nhân dân và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nền QPTD vững mạnh là nội dung chủ đạo của chương trình gặp mặt, giao lưu. Thông qua các phóng sự cùng những chia sẻ, câu chuyện thực tiễn của các ĐHTT tại chương trình, góp phần lan tỏa, cổ vũ, động viên, nhân lên ý chí, quyết tâm xây dựng nền QPTD ngày càng vững mạnh.
Tạo lan tỏa, nhân lên nhiều điển hình tiên tiến
Những thước phim về cuộc sống mới của quân và dân trên đảo Thổ Chu (Phú Quốc, Kiên Giang) được trình chiếu tại chương trình làm cho không khí buổi giao lưu, gặp mặt thêm sôi nổi, bổ ích. Những năm gần đây, đời sống kinh tế-xã hội trên đảo có bước phát triển, quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường. Đóng góp vào những thành quả đó có công sức của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám biển, bám đảo, bảo vệ Tổ quốc. Đại tá Dương Đức Mười, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152, Quân khu 9 là một trong số đó. Cách đây 28 năm, anh Mười nhận nhiệm vụ ra đảo Thổ Chu, sau đó cùng với các hộ dân đầu tiên tái xây dựng đảo. Anh đã dành trọn tuổi xuân để góp phần gây dựng, hồi sinh lại miền đất giữa biển khơi từng chịu bao đau thương, mất mát. Đảo Thổ Chu đến nay đã có hơn 2.000 nhân khẩu. Đặc biệt, trung đoàn đã tiên phong chuyển đổi chất đốt từ củi rừng sang củi trấu và vận động người dân làm theo, góp phần trả lại màu xanh cho rừng, tạo nguồn nước ngọt nhiều hơn cho đảo. Đơn vị còn tham mưu và được Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu đồng ý trích 22 tỷ đồng xây dựng hồ chứa nước ngọt, giúp quân dân trên đảo thêm phấn khởi, yên tâm bám đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.
Tham gia chương trình giao lưu, ngư dân Phù Văn Giỏi, Thuyền trưởng tàu cá QNg-96337 (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tâm sự: “Mỗi con tàu ra khơi là một cột mốc chủ quyền, nhất là khi trên mỗi cột mốc ấy có lá cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi vừa đánh bắt hải sản, vừa góp phần giữ đảo, giữ biển, mà hai ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi hải trình thắng lợi trở về thêm củng cố niềm tin: Phải bám biển để giữ ngư trường, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Nhiều ĐHTT tham gia chương trình gặp gỡ, giao lưu, với những thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực khác nhau, nhưng tựu chung là tinh thần, ý chí, trách nhiệm đóng góp xây dựng nền QPTD vững mạnh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong 30 năm xây dựng nền QPTD, nhất là giai đoạn 2009-2019, đã có hàng nghìn tấm gương điển hình thuộc mọi lực lượng, trong nhiều lĩnh vực, tích cực đóng góp xây dựng thế trận lòng dân, các KVPT vững mạnh, củng cố các nhóm tiềm lực quan trọng, tất cả là để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại chương trình, Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Đại tướng Lương Cường trao bằng chứng nhận tặng 16 cá nhân tiêu biểu, đại diện cho 245 ĐHTT của toàn quốc; thể hiện sự ghi nhận của QUTƯ, BQP đối với những đóng góp tích cực, hiệu quả, góp phần làm lan tỏa, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân tiếp tục đóng góp xây dựng nền QPTD ngày càng vững mạnh.