Nhận diện loạt thách thức về đối ngoại chờ đợi ông Biden trong năm 2023
Tạp chí Foreign Policy đã chỉ ra những thách thức về đối ngoại mà Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể phải đương đầu trong năm 2023, trong đó có xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc, hạt nhân,...
Tổng thống Joe Biden đã dẫn dắt nước Mỹ đi qua một năm 2022 nhiều biến động. Tuy nhiên các chuyên gia dự đoán rằng sẽ còn nhiều thách thức, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại đang chờ đợi ông Biden trong năm 2023.
Tạp chí Foreign Policy đã chỉ ra những thách thức về đối ngoại mà Tổng thống Biden có thể phải đương đầu trong năm 2023.
. Xung đột Nga-Ukraine
Là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, nhiệm vụ chính của chính quyền Tổng thống Biden trong năm 2023 sẽ vẫn là duy trì nguồn cung cấp vũ khí ổn định để Kiev tiếp tục chiến đấu. Bên cạnh đó, ông cũng phải tìm cách cân bằng các cam kết viện trợ với mức độ sẵn sàng của Mỹ và sự giám sát chặt chẽ hơn từ đảng Cộng hòa đang nắm quyền ở Hạ viện.
Hiện tại, triển vọng hòa bình vẫn còn khá xa khi quân Nga củng cố vị trí ở Donbass. Tháng 12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng cuộc chiến “có thể là một quá trình lâu dài”. Còn phía Ukraine tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi đất nước khôi phục lại đường biên giới trước năm 2014, bao gồm cả bán đảo Crimea.
Từ khi xung đột mới bắt đầu hồi tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã xác định mục tiêu của Mỹ là giúp Ukraine đẩy lùi Nga khỏi các vùng lãnh thổ của Ukraine mà Moscow đang kiểm soát, nhưng không bao gồm Crimea.
Ngoài ra, ông Biden còn phải duy trì sự đoàn kết giữa Washington với các đồng minh phương Tây để duy trì áp lực lên Moscow cũng như tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Theo các nhà phân tích của Foreign Policy, mặc dù châu Âu ủng hộ Ukraine nhưng việc giá năng lượng, lương thực tăng cao và suy thoái kinh tế cũng khiến các nước châu Âu khó đưa ra quyết định.
. Cạnh tranh với Trung Quốc (TQ)
Trong năm 2022, Tổng thống Biden đã đẩy cuộc cạnh tranh chất bán dẫn với TQ lên cao với việc ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS siết chặt xuất khẩu chip bán dẫn sang TQ. Động thái nhằm ngăn cản sự cạnh tranh từ Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ cao.
Mặc dù các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có hiệu quả, ít nhất là trong ngắn hạn nhưng nó cũng đặt ra 2 câu hỏi cho chính quyền của ông Biden: TQ sẽ đáp trả như thế nào và các đồng minh của Mỹ sẽ tham gia ở mức độ nào.
Câu hỏi đầu tiên phần nào đã được trả lời với việc Bắc Kinh đệ đơn khiếu nại Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Về phía đồng minh, Hà Lan và Nhật - hai quốc gia quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu - đã đàm phán với chính quyền ông Biden. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng ông hy vọng sẽ có “sự liên kết rộng rãi” về các vấn đề chất bán dẫn.
Mỹ cũng có những đối tác khác, chẳng hạn Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), chiếm 92% lượng chip tiên tiến nhất thế giới, đang đầu tư vào năng lực sản xuất chip của Mỹ. Tuy nhiên khoản đầu tư 40 tỉ USD của TSMC sẽ không tăng lên cho đến năm 2024 và trong thời gian đó, TQ được cho là đang chuẩn bị gói đầu tư 143 tỉ USD cho lĩnh vực chất bán dẫn của mình.
Ngoài ra, nỗ lực của Washington nhằm tách rời khỏi ngành công nghệ của TQ cũng làm leo thang căng thẳng song phương. Tháng 11, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã cấm nhập khẩu thiết bị viễn thông từ tập đoàn công nghệ Huawei của TQ. Những ồn ào xoay quanh việc cấm mạng xã hội TikTok tại các cơ quan nhà nước ở Mỹ cũng làm quan hệ Bắc Kinh - Washington xấu đi.
. Hạt nhân
Năm 2022 là một năm không thành công của thế giới trong việc kiểm soát vũ khí. Những nỗ lực cứu vãn đàm phán hạt nhân với Iran rơi vào bế tắc; Triều Tiên vượt kỷ lục về số vụ thử tên lửa; và hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Mỹ và Nga New START đối mặt với tương lai khó đoán. Giới phân tích không mấy lạc quan về triển vọng tích cực của những vấn đề trên trong năm 2023.
Về vấn đề Iran, cả Mỹ và Iran đều thừa nhận rằng các cuộc đàm phán gần như đã kết thúc mà không đạt kết quả gì. Đặc phái viên Mỹ về Iran - ông Robert Malley cảnh báo Iran sắp đủ nguyên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân và cáo buộc Tehran phá hỏng các thỏa thuận.
Về Triều Tiên, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng vụ thử hạt nhân thứ bảy của Bình Nhưỡng chỉ còn là vấn đề thời gian. Triều Tiên cũng đang mài giũa chương trình tên lửa đạn đạo với hàng loạt vụ thử trong năm vừa qua.
Mỹ-Hàn dự kiến sẽ tiếp tục tập trận quân sự chung và lên án chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc (LHQ). Nhưng giới quan sát cho rằng với mối quan hệ “phức tạp” của Washington với 2 thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ là Nga và TQ, các nỗ lực như vậy tại LHQ sẽ không dễ dàng.
So với hai vấn đề trên, vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân Nga-Mỹ có vẻ “dễ thở” hơn. Cuối tháng 11-2022, hai bên dự kiến thảo luận về hiệp ước New START ở thủ đô Cairo (Ai Cập) nhưng đã hoãn lại mà không tiết lộ lý do. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng Washington và Moscow có thể sẽ nối lại đàm phán trong năm 2023 bất chấp quan hệ ảm đạm do xung đột Ukraine.
. Quan điểm về đối ngoại của đảng Cộng Hòa
Đảng Cộng hòa đã chính thức tiếp quản Hạ viện. Ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của các đảng viên Cộng hòa là điều tra về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan năm 2021.
Một câu hỏi lớn khác là viện trợ cho Ukraine. Mặc dù quốc hội Mỹ đã tăng cường ngân sách cho Lầu Năm Góc vượt hơn những gì Nhà Trắng yêu cầu, nhưng một số đảng viên Cộng hòa ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump muốn giảm viện trợ cho Ukraine. Hạ nghị sĩ Cộng Hòa Marjorie Taylor Greene tuyên bố giám sát chặt chẽ hơn viện trợ cho Kiev, và Thượng nghị sĩ J.D. Vance nói rằng ông không “thực sự quan tâm” đến những gì xảy ra với Ukraine.
Các đảng viên Cộng hòa cũng thể hiện thái độ khá cứng rắn trong chính sách đối ngoại với TQ.