Nhận diện nguy cơ tham nhũng trong xây dựng chính sách, pháp luật tại Việt Nam
Sáng 10/9, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ đã tổ chức tọa đàm hoàn thiện Dự thảo 'Nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng trong xây dựng chính sách - pháp luật ở Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế'.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho biết, hiện tượng tham nhũng trong xây dựng chính sách - pháp luật đã và đang diễn ra phổ biến, ngày càng có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường, khó kiểm soát do nhu cầu rất cao về hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam, nhiều vấn đề lý luận, chuẩn mực - thông lệ, kinh nghiệm quốc tế có liên quan đến tham nhũng và phòng, chống tham nhũng trong xây dựng chính sách - pháp luật chưa được làm rõ, chưa có sự thống nhất, hoặc chưa được quan tâm nghiên cứu, vận dụng.
Đồng tình với quan điểm này, bà Sabina A.Stein, Trợ lý đại diện Thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam cho biết thêm, buổi tọa đàm là một phần của dự án với mục tiêu nhằm củng cố thực thi pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng các ý kiến phản hồi để hoàn thiện hơn nữa báo cáo này.
Trình bày tóm tắt dự thảo tại tọa đàm, ông Lê Quốc Trung - Trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho biết, theo kết quả điều tra xã hội học của Viện, trong năm 2023, có 47% người được hỏi thể hiện sự "quan ngại" và 42% người được hỏi thể hiện sự "rất quan ngại" đối với hiện tượng tham nhũng trong xây dựng chính sách - pháp luật.
Từ những khảo sát xã hội học, dự thảo báo cáo đã nêu rõ những nguy cơ, biểu hiện tham nhũng trong xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam; từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng trong xây dựng chính sách pháp luật, trong đó bao gồm kiến nghị đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại tòa đàm, các đại biểu đã đưa ra những góp ý, đề xuất cho dự thảo báo cáo, trong đó bổ sung những phân tích, đánh giá ưu điểm, thành tựu của công tác xây dựng pháp luật góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay chính hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam trong thời gian qua; bổ sung nguyên nhân của kết quả, ưu điểm đạt được trong quá trình thực thi chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Về giải pháp, các đại biểu tham dự tọa đàm đề xuất cần cụ thể hơn về giải pháp xây dựng văn hóa liêm chính, giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nâng cao năng lực của các chủ thể nhà nước trong lập chính sách công với các biện pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam, truyền thống lịch sử và văn hóa, xã hội Việt Nam.