Nhận diện nhóm cử tri 'quyền lực' trong các cuộc bầu cử châu Âu và Mỹ

Các ứng viên tham gia tranh cử ở các cuộc bầu cử tại châu Âu và Mỹ đặc biệt nỗ lực lấy lòng một bộ phận cử tri, vì sức ảnh hưởng lớn của họ đến kết quả bỏ phiếu các cuộc bầu cử này.

Cuộc tranh luận tổng thống Mỹ hôm 27-6 khiến vấn đề tuổi tác được quan tâm và trở thành tâm điểm thảo luận trong chiến dịch tranh cử ở Mỹ. Tuy nhiên, không chỉ ở Mỹ, tại nhiều quốc gia khác ở phương Tây, vấn đề tuổi tác cũng được xem là trọng tâm trong các cuộc bầu cử, không chỉ về mặt ứng viên mà cả về phía cử tri.

Các cử tri lớn tuổi chiếm tỉ lệ lớn trong các cuộc bầu cử năm nay ở Mỹ, Anh và Pháp. Những cử tri lớn tuổi quan tâm việc bỏ phiếu hơn những cử tri trẻ tuổi và số lượng các cử tri lớn tuổi ngày càng tăng, theo tờ The Wall Street Journal. Điểm khác nữa, so với các cử tri trẻ tuổi, những cử tri lớn tuổi thường quan tâm hơn đến các chủ đề tội phạm và nhập cư, ít ủng hộ các sáng kiến liên quan môi trường.

Để tranh thủ sự ủng hộ từ nhóm cử tri lớn tuổi, các đảng chính trị hàng đầu ở nhiều quốc gia cam kết bảo vệ thu nhập và bảo hiểm y tế của những cử tri lớn tuổi.

 Cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Maryland (Mỹ) vào tháng 5. Ảnh: BLOOMBERG

Cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Maryland (Mỹ) vào tháng 5. Ảnh: BLOOMBERG

Những người "quyền lực"

Theo phân tích dữ liệu điều tra dân số của viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Mỹ, khoảng 2/3 số công dân từ 65 tuổi trở lên ở Mỹ đã đi bỏ phiếu, cao hơn gấp đôi so với tỉ lệ đi bỏ phiếu của những người từ 18 tuổi đến 29 tuổi.

Sự thay đổi về nhân khẩu học và tuổi thọ tăng lên đồng nghĩa với việc cử tri lớn tuổi sẽ chiếm tỉ lệ lớn ở nhiều quốc gia. Hà Lan, Na Uy và Croatia cũng đang có các đảng chính trị có mục tiêu chính là bảo vệ quyền lợi của người về hưu.

Ở Anh, vào đầu những năm 1980, số cử tri dưới 40 tuổi đăng ký bỏ phiếu gần như gấp đôi so với những cử tri trên 60 tuổi. Hiện nay, số lượng những người trên 60 tuổi gần như đã gần bằng số lượng những cử tri dưới 40 tuổi.

Ông David Willetts – cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại học Anh – cho biết: “Đất nước của chúng ta có xu hướng ưu ái người già hơn người trẻ. Người lớn tuổi có tiền và quyền lực”.

Trước cuộc bầu cử ở Anh vừa qua, mọi đảng lớn đều ủng hộ chính sách bảo đảm lương hưu cho người cao tuổi sẽ vượt xa lạm phát trong dài hạn. Năm 2023, lương hưu ở Anh tăng 10,1%, trong khi mức lương trung bình của người lao động từ 19 đến 49 tuổi chỉ tăng 5,7%. Năm nay, lương của những người về hưu dự kiến được tăng thêm 8,1%.

Trong khi đó, theo The Wall Street Journal, những đảng phái đi ngược lại lợi ích của cử tri lớn tuổi có thể phải trả giá đắt về mặt chính trị.

Tại Pháp, năm 2023, Tổng thống Emmanuel Macron quyết định tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm và động thái này đã làm dấy lên làn sóng phản đối trong nhiều tháng của cả người già và người trẻ. Các nhà lập pháp từ chối thông qua dự luật, buộc ông Macron phải sử dụng quyền theo hiến pháp để tăng tuổi nghỉ hưu mà không cần qua bỏ phiếu.

Động thái này phần nào ảnh hưởng danh tiếng của ông Macron. Kết quả bầu cử quốc hội Pháp công bố ngày 8-7 cho thấy liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) đã giành được 182 ghế, liên minh trung dung của ông Macron về thứ hai với 163 ghế, và đảng Mặt trận Quốc gia (RN) cực hữu đứng thứ ba với 143 ghế.

Theo The Wall Street Journal, NFP muốn giảm tuổi nghỉ hưu xuống 60.

 Một điểm bầu cử ở trung tâm London (Anh) vào tháng 5. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Một điểm bầu cử ở trung tâm London (Anh) vào tháng 5. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Quyền lợi cho những cử tri lớn tuổi

Lương hưu và dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người lớn tuổi chiếm tỉ lệ lớn hơn trong chi tiêu chính phủ ở các nước phương Tây.

Theo Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ (CBO), chi phí an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe nước này dự kiến tăng lên trong thời gian tới. Theo CBO, từ nay đến năm 2054, chi tiêu cho an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho những người từ 65 tuổi trở lên dự kiến chiếm hơn một nửa chi tiêu không chịu lãi của chính phủ liên bang. Vào thời điểm đó, 25% dân số Mỹ sẽ nhận được trợ cấp an sinh xã hội, tăng từ mức 20% hiện nay.

Tại Đức, vào tháng 5, chính phủ nước này công bố kế hoạch để duy trì công thức tính hiện tại để xác định lương hưu cho đến ít nhất là năm 2039. Chính phủ Đức chi hơn 100 tỉ euro (107,5 tỉ USD)/năm để hỗ trợ hệ thống lương hưu, gần 1/4 tổng chi tiêu của chính phủ và gần gấp đôi ngân sách hàng năm cho quốc phòng.

Trong 15 năm qua ở Anh, chi tiêu chăm sóc sức khỏe của chính phủ đã tăng từ 6% lên tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội, trong khi chi tiêu cho giáo dục giảm từ 6% xuống 4%.

Ông Oliver Grundmann – một nhà lập pháp đảng Bảo thủ Anh – cho biết: “Khi chúng tôi kết nối với mọi người tại các lễ hội và sự kiện dân gian mà chúng tôi tổ chức, nhiều người trong số họ là người nghỉ hưu. Không dễ để nói chuyện với họ về tương lai. Họ quan tâm đến lương hưu, bệnh viện, viện dưỡng lão, không nhất thiết là năng lượng mặt trời và số hóa”.

 Những cử tri ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump tại bang Florida (Mỹ) vào tháng 5. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Những cử tri ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump tại bang Florida (Mỹ) vào tháng 5. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Việc tạo ra các mạng lưới an sinh xã hội là để đảm bảo những người lớn tuổi dù ngưng làm việc nhưng không phải đối mặt cảnh nghèo đói và có đủ khả năng chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, nhiều người nghỉ hưu ngày nay không phải đối mặt những khó khăn kể trên. Nhiều người lớn tuổi hưởng lợi từ giá trị bất động sản tăng vọt và các chương trình tiết kiệm hưu trí. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, giá trị tài sản ròng trung bình của các hộ gia đình do những người từ 65 đến 74 tuổi làm chủ là 410.000 USD vào năm 2022.

Tính theo tỉ lệ, trong 4 người về hưu ở Anh, có hơn 1 người là triệu phú Bảng Anh, nghĩa là họ sở hữu hơn 1,3 triệu USD. Con số đó đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua.

Đến nay, nhiều chính sách công ở Anh vẫn nhằm mục đích bảo vệ người về hưu. Theo tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation (Anh), những thay đổi về thuế và phúc lợi kể từ năm 2010 đã giúp người về hưu ở Anh có lợi hơn khoảng 1.000 Bảng (gần 1.300 USD), trong khi các hộ gia đình có trẻ em từ 14 tuổi trở xuống bị thiệt hơn 780 Bảng (gần 1.000 USD).

Người lao động từ 65 tuổi trở lên ở Anh không còn phải trả thuế “bảo hiểm quốc gia” 8% để tài trợ cho chi tiêu phúc lợi. Trong khi ở Mỹ, nhiều chủ nhà phải trả thuế khi họ bán những ngôi nhà có giá trị tăng vọt thì ở Anh là ngược lại, đó là người mua – đa số người trẻ – sẽ phải trả thuế.

Theo The Wall Street Journal, những người trẻ tuổi ở Anh có tỉ lệ sở hữu nhà thấp hơn so với thế hệ cha mẹ họ.

Anh Adam Lamb (31 tuổi) - dạy tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp tại một trường công lập ở phía nam London (Anh) - cho biết: “Việc sở hữu một ngôi nhà không nằm trong khả năng của tôi”.

Anh Lamb sống trong một ngôi nhà 3 phòng ngủ chật chội ở phía nam London cùng với 2 người bạn. Gần một nửa thu nhập của anh được dùng để chi trả cho tiền thuê nhà và các tiện ích. Anh vẫn đang trả khoản nợ sinh viên và không có tiền tiết kiệm.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhan-dien-nhom-cu-tri-quyen-luc-trong-cac-cuoc-bau-cu-chau-au-va-my-post799313.html