Nhận diện rõ vấn đề, triển khai nhiều giải pháp khắc phục
Tuần tới, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, công thương, kiểm toán, văn hóa, thể thao và du lịch. Báo cáo của các bộ gửi Quốc hội trước chất vấn cho thấy, trong nhiều lĩnh vực đã nhận diện rõ vấn đề nổi lên và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục.
Khẳng định 4 nhóm vấn đề đưa ra chất vấn tại Kỳ họp này đều rất đúng và trúng, các đại biểu cho rằng, các nội dung cơ bản đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của cử tri, Nhân dân và của chính các đại biểu Quốc hội.
Thực tế, ngay tại phiên họp toàn thể của Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước trong tuần qua, nhiều nội dung thuộc các nhóm vấn đề đưa ra chất vấn lần này đã được đại biểu Quốc hội đưa ra. Trong đó, hai vấn đề liên quan đến giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn được nhiều đại biểu phân tích, làm rõ trách nhiệm, đề xuất giải pháp.
An ninh nguồn nước - vấn đề lớn phải thực hiện đồng bộ các giải pháp
Trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng khắc nghiệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ĐBQH Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) lưu ý, tại Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra những khó khăn, hạn chế, yếu tố bất lợi đến nền kinh tế nước ta trong năm 2023, những tháng đầu năm 2024. Trong đó, có nêu thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, sạt lở tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề.
Đối chiếu 6 yếu tố nêu trên, đại biểu nhận thấy, dường như các yếu tố này có mặt đầy đủ ở đồng bằng sông Cửu Long. Bà con khu vực này vốn lo lắng sống chung với lũ, giờ lại sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở luôn rình rập, bủa vây. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biết khốc liệt hơn và dường như không có điểm dừng trong năm 2024 này, 11/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn.
Trước đòi hỏi của thực tiễn, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị, Chính phủ quan tâm, nghiên cứu và có chính sách thực hiện một số giải pháp mà các nhà khoa học đã khuyến cáo.
Liên quan đến vấn đề này, tại Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy nêu rõ, bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề lớn của quốc gia, nhất là với quốc gia có 60% lượng nước phụ thuộc vào nước ngoài và là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lớn nhất trên thế giới. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng giải pháp khắc phục, phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chú trọng vấn đề nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực này theo các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.
Trước mắt, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, từ năm 2025, hàng năm, Bộ sẽ công bố Kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh. Đây sẽ là căn cứ để điều hòa phân bổ nguồn nước và các Bộ, UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân nhằm nâng cao tính chủ động của từng địa phương trong việc ứng phó với tình huống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với ưu tiên cao nhất bảo đảm nước sinh hoạt của Nhân dân.
Bộ cũng tiếp tục triển khai nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ nước, điều tiết nguồn nước, liên kết vùng… chủ động nguồn nước cấp cho sinh hoạt, kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông. Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết những vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia; chủ động, tích cực hợp tác trao đổi thông tin, dữ liệu hiện trạng và dự báo về nguồn nước, khí tượng thủy văn, địa chất thủy văn và sinh thái, chất lượng nước có liên quan đến nguồn nước liên quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm triển khai rà soát, xây dựng hoàn chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích xây dựng công trình chuyển nước, trữ nước, cấp nước sinh hoạt, góp phần bảo đảm cân đối được nguồn nước ngọt ở quy mô từng hộ, thôn/xóm, xã, huyện, đặc biệt cho vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước.
Quan trọng hơn, trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét, tạo cơ chế, nguồn lực để thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu, nhất là việc phục hồi các dòng sông, nguồn nước đang bị ô nhiễm, suy thoái, góp phần nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia bảo đảm an ninh nguồn nước hiệu quả trên thế giới. Hướng tới chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống, dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Công nghiệp hỗ trợ chưa đạt kỳ vọng do cả chính sách và khả năng hấp thụ của doanh nghiệp
Việc tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2023 chỉ tăng 3,62%, thấp nhất giai đoạn 2011-2013, năm 2011 tăng 12,59%; tới năm 2021 chỉ còn 5,37%, bằng 1/3 giai đoạn 2015 -2019, không đạt chỉ tiêu Quốc hội đặt ra đã được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận về kinh tế - xã hội. Do vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ đánh giá thêm thực trạng công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành chế biến sâu đối với ngành nông thủy sản, khoáng sản, từ đó có những giải pháp phù hợp cho ngành chế biến, chế tạo nhằm nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.
Tại báo cáo, Bộ Công Thương khẳng định, trong những năm qua, Bộ đã bám sát định hướng của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn và đã đạt một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nêu rõ, thực tế triển khai các chính sách cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn từ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ khâu thiết kế chính sách cũng như năng lực hấp thụ của doanh nghiệp... Đồng thời, khẳng định, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai cụ thể nhiều giải pháp về hoàn thiện thể chế, tổ chức triển khai hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…
Trên cơ sở phân tích thực trạng, nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, Bộ Công Thương xác định, trong thời gian tới, sẽ nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm để tạo nền tảng pháp lý thống nhất, vững chắc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026 - 2035 (tập trung công nghiệp hỗ trợ các ngành điện tử thông minh, ô tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may - da giày); có cơ chế khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp FDI liên kết doanh nghiệp quốc gia, thành lập các liên minh sản xuất, tạo hệ thống nhà cung ứng tại chỗ và nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có doanh nghiệp cơ khí, thông qua các giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nhất là công nhân kỹ thuật; hỗ trợ công tác nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ. Tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh), cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam; từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết...