Nhận diện rủi ro để sàng lọc, chống thất thu ngân sách
Nhờ nhận thức được tầm quan trọng của quản lý rủi ro, thời gian qua, toàn ngành Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp. Thông qua các biện pháp quản lý rủi ro, toàn Ngành đã nâng cao năng lực quản lý, phân loại mức độ rủi ro, làm cơ sở bố trí, sắp xếp nguồn lực hợp lý để kiểm tra, từ đó góp phần chống thất thoát ngân sách nhà nước.
Nâng cao hiệu quả quản lý
Chống thất thu ngân sách là một trong những nhóm giải pháp "trụ cột" để thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để vừa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, vừa nâng cao hiệu quả quản lý, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác quản lý rủi ro, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, cơ quan thuế đã thực hiện thu thập, xử lý dữ liệu, xây dựng các bộ chỉ số tiêu chí, quy trình và ứng dụng về phân tích, nhận diện rủi ro người nộp thuế; phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng và kiểm tra sau hoàn thuế; giám sát việc sử dụng hóa đơn của người nộp thuế.
Ngành Thuế cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu đối soát dữ liệu lớn với hóa đơn điện tử, xây dựng chức năng cảnh báo xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn. Trong năm 2024, cơ quan thuế bước đầu nghiên cứu, áp dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử để phát hiện rủi ro giá bất thường, phân tích chuỗi mua, bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua, bán của các doanh nghiệp (mua bán lòng vòng, chỉ mua không bán, chỉ bán không mua, xuất khống hóa đơn...), rà soát, đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử và tờ khai.
Qua quản lý rủi ro, cơ quan thuế phát hiện 941 người nộp thuế có chênh lệch đầu ra, 140.952 có chênh lệch đầu vào, tổng số thuế giá trị gia tăng thực hiện kê khai điều chỉnh năm 2024 là 4.750,32 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực hải quan, cơ quan hải quan thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc áp dụng tiêu chí phân tích; tình hình phân luồng và thực hiện phân luồng quyết định kiểm tra đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu để kịp thời chấn chỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả phân luồng. Ngành Hải quan tiếp tục thực hiện cơ chế định kỳ theo dõi, đánh giá rủi ro đối với một số trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi hạng; rà soát, phân tích thông tin doanh nghiệp trên hệ thống thông tin của ngành Hải quan để đánh giá tuân thủ doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan.
Số liệu mới nhất, cơ quan hải quan đã thực hiện phân luồng trên 15,3 triệu tờ khai/năm. Trong đó, tờ khai luồng Xanh chiếm 65,8% (tương ứng 10 triệu tờ khai), tờ khai luồng Vàng chiếm 30,2% (tương ứng 4,7 triệu tờ khai), tờ khai luồng Đỏ chiếm 3,5% (tương ứng 0,5 triệu tờ khai). Tỷ lệ chuyển luồng từ Vàng sang Đỏ là 1,37%. Có 16.971 hồ sơ vi phạm được thiết lập, 51.865 lượt tổ chức cá nhân vi phạm bị xử phạt.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã thực hiện soi chiếu gần 114,4 nghìn container; phát hiện nghi vấn 2.949 container (chiếm 2,6% tổng container soi chiếu), phát hiện 452 container vi phạm (chiếm 15,3% tổng container nghi vấn).
Triển khai kế hoạch kiểm soát rủi ro, chuyên đề kiểm soát rủi ro, lực lượng hải quan đã phát hiện 9.791 vụ vi phạm (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023) liên quan đến 20 loại rủi ro, trị giá hàng vi phạm khoảng 26.836 tỷ đồng (nhiều mặt hàng chưa xác định được trị giá).
Tăng cường phối hợp
Nhìn nhận rõ hiệu quả từ công tác này, ngành Tài chính xác định đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng quản lý. Qua đó, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng, phòng chống các hành vi gian lận; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ thanh tra, kiểm tra.
Các đơn vị trong ngành Tài chính tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố để tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan công an, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa, quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Qua đó, chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Cơ quan hải quan tiếp tục rà soát, cập nhật và ban hành danh mục hàng hóa rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo; thường xuyên rà soát dữ liệu thông tin trên các hệ thống phần mềm nghiệp vụ thuế xuất nhập khẩu, thông tin trên hệ thống trực ban, giám sát trực tuyến để kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm.
Song song với đó, tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật…
Những giải pháp này sẽ là một trong những “trụ cột” góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2025.
Xử lý kịp thời các hành vi không tuân thủ
Việc áp dụng quản lý theo rủi ro sẽ giúp các cơ quan của ngành Tài chính phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mình để tập trung quản lý nhóm người nộp thuế có mức độ tuân thủ thấp nhất, khả năng gian lận cao nhất; tiết kiệm thời gian. Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín