Nhận diện tâm lý chủ quan để xử lý vi phạm

Ngày thứ ba của kỳ nghỉ lễ (2-5) rơi vào ngày cuối tuần. Trên các tuyến phố, mật độ tham gia giao thông không đông, nhưng việc thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 trong tình hình mới vẫn đáng lo ngại.

Nhiều vi phạm từ tâm lý chủ quan

Ngay từ sáng sớm, quán trà đá dưới gầm cầu Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) đã tập trung đông người, đến gần trưa trở thành điểm tập kết của những người chạy xe ba bánh tự chế và xe ôm. Quán phở Thịnh 111 Hồng Hà đông khách, không ai giữ khoảng cách và quán cũng không trang bị cồn rửa tay sát khuẩn.

Quán phở Thịnh trên đường Hồng Hà sáng 2-5 đông khách, nhưng mọi người đều không chú ý giữ khoảng cách.

Trên vỉa hè đường Hoàng Diệu, nhiều người đánh cầu lông nhưng không đeo khẩu trang và tiếp xúc ở cự ly rất gần. Tại dải phân cách đường Yên Phụ, đoạn dành riêng cho xe buýt (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình) có quán trà đá lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tại quán cà phê Quất số nhà 102 và quán cà phê số nhà 110 Trấn Vũ, nhiều người không thực hiện giãn cách xã hội.

Cũng trên địa bàn quận Ba Đình, ghi nhận tại ngõ 166 Kim Mã, 194 Đội Cấn, 173 và 189 Hoàng Hoa Thám, chợ “cóc” tập trung rất đông người, nhiều người không đeo khẩu trang vô tư xuống chợ.

Chợ "cóc" họp tại khu vực cấm trên đường 800A (Cầu Giấy)

Tại quận Cầu Giấy, chợ “cóc” vẫn họp trong đường 800A (phường Nghĩa Đô), Khu tập thể C2 (phường Nghĩa Tân), chân tòa nhà N11B (phường Dịch Vọng) mặc dù có biển cấm họp chợ. Xung quanh khu vực trên, nhiều quán trà đá, cà phê tập trung đông người, không thực hiện giãn cách xã hội và khách không đeo khẩu trang. Đầu phố Hoàng Quốc Việt (phường Nghĩa Đô), hiện tượng xe tải đỗ dưới lòng đường kèm theo quán trà đá và chợ lao động tụ họp vẫn diễn ra.

Trên địa bàn quận Đống Đa, dãy cà phê tại ngõ 82 Chùa Láng tái diễn cảnh bày bàn ghế lấn chiếm đường dạo ven hồ. Trong ngõ 1194 đường Láng và khu vực phía sau Trường Đại học Thủy lợi, nhiều người xuống chợ “cóc” không đeo khẩu trang. Ngoài ra, tại ngõ 119 Hồ Đắc Di (phường Nam Đồng), nhiều thanh niên tụ tập uống trà đá và không ai trong số họ đeo khẩu trang.

Dãy cà phê tại ngõ 82 Chùa Láng bày bàn ghế lấn chiếm đường dạo ven hồ.

Tại địa bàn quận Hoàng Mai, một số hàng hoa quả rong vẫn bán ở lòng đường phía trước cửa đình Đại Từ khiến cho chợ “cóc” khu vực này không xóa bỏ được triệt để. Tương tự, dù đã có biển “Khu vực cấm họp chợ” nhưng chợ “cóc” vẫn tồn tại ở chung cư Linh Đàm. Cũng tại khu chung cư này, nhiều cửa hàng bán quần áo, đồ gia dụng, đồ trang trí… mở cửa trước 9h. Quanh khu vực hồ Linh Đàm, buổi sáng và buổi trưa có hàng nước ngang nhiên kê rất nhiều bàn, ghế nhựa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Ở khu vực ngã ba phố Trần Hưng Đạo - Trưng Trắc (quận Hà Đông), một số cửa hàng bán bạt, lưới cũng mở trước 9h. Chủ cửa hàng không đeo khẩu trang, vô tư đứng bán hàng. Vỉa hè phố Trần Hưng Đạo (phía chợ Hà Đông) cũng bị 4-5 quán trà đá, bánh giò nóng… chiếm dụng để bày bàn ghế bán hàng. Gần đó, tại chợ Vạn Phúc và vỉa hè phố Cầu Am, nhiều người dân không đeo khẩu trang, đứng sát nhau khi mua hàng nhưng không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở.

Hầu hết nhân viên phục vụ tại quán phở Hằng Toan, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) đều không đeo khẩu trang khi phục vụ.

Tuyến đường Lương Thế Vinh (quận Nam Từ Liêm) cũng có nhiều cửa hàng không thiết yếu bán vật liệu điện, sửa xe đã mở cửa từ sớm. Tại sân chơi trong khu chung cư VOV Mễ Trì, hơn chục người đang chơi bóng chuyền nhưng không ai đeo khẩu trang.

Tại quận Hoàn Kiếm, từ 7h25 ngày 2-5, nhiều cửa hàng bán đồ gia dụng gia đình, cắt kính… dọc phố Hàng Thiếc (phường Hàng Gai) mở cửa. Nhiều cửa hàng ăn uống, giải khát ở số 39 phố Tạ Hiện, Bia Sài Gòn số 36-38 Hàng Giày (phường Hàng Buồm); các quán phở Quỳnh, mì vằn thắn, sủi cảo trên phố Hàng Chiếu rất đông khách đến ăn nhưng không bảo đảm giãn cách 1m; quầy quán lấn chiếm vỉa hè, vi phạm trật tự đô thị.

Người bán hàng tại chợ dân sinh thôn Bảo Lộc (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) không đeo khẩu trang.

Tại các huyện ngoại thành, vi phạm chủ yếu là không đeo khẩu trang nơi công cộng và tụ tập đông người. Trên địa bàn huyện Đan Phượng, các cửa hàng ăn uống đã mở cửa trở lại nhưng nhiều cửa hàng không bảo đảm cho thực khách giữ khoảng cách tối thiểu.

Còn tại địa bàn các xã: Phương Trung, Dân Hòa, Thanh Mai (huyện Thanh Oai), lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường khá nhiều. Ở khu vực chợ Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) xuất hiện đông người mua, bán hàng nhưng không đeo khẩu trang.

Khắc phục khó khăn để xử lý vi phạm

Trước thực tế Báo Hànôịmới phản ánh liên quan đến những hành vi vi phạm Chỉ thị số 07/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Xuân Chinh cho biết, sẽ cho kiểm tra ngay và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Cũng theo ông Nguyễn Xuân Chinh, do địa bàn có tới gần 9 vạn dân nên công tác quản lý có khó khăn riêng, nhất là khi vẫn còn một số trường hợp cố tình không chấp hành.

Bà Trần Thị Nga, Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) thừa nhận, một số cửa hàng kinh doanh nhỏ còn chủ quan, lơ là khi thấy nới lỏng giãn cách xã hội. Đối với những vi phạm Báo Hànôịmới đã phản ánh, UBND phường giao lực lượng chức năng kiểm tra và xử phạt theo quy định”.

Quán cà phê số 39 phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) rất đông khách nhưng không bảo đảm giãn cách.

Bà Đỗ Thị Soan, Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) thông tin, địa bàn phường có 5 khu chung cư lớn, lại giáp ranh với nhiều quận khác nên số lượng người sinh hoạt, làm việc, đi lại đông đúc. UBND phường đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Từ ngày 31-3 đến nay, phường đã xử lý 207 trường hợp vi phạm quy định chống dịch. Thời gian tới, phường sẽ tiếp tục tuyên truyền Chỉ thị 07/CT-UBND và cử lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý ngay những vi phạm mà Báo Hànôịmới nêu.

Về vi phạm tại phố Trần Cung, ông Chu Thanh Hà, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, UBND phường đã giao lực lượng công an xử lý vi phạm tại chợ “cóc” nhằm bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị; xử lý người dân không đeo khẩu trang khi ra đường. Kết quả, toàn phường đã xử phạt 36 trường hợp không đeo khẩu trang. Các lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục đến các cửa hàng, hộ kinh doanh tuyên truyền, vận động và yêu cầu người dân ký cam kết chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 07/CT-UBND.

Tại quận Đống Đa hôm nay, phóng viên ghi nhận, khu chợ Cầu Mới (phường Ngã Tư Sở) đã chấm dứt tình trạng họp chợ tại khu vực dưới ga đường sắt trên cao và trên cầu qua sông Tô Lịch. Thượng úy Đoàn Ngọc Việt, Phó Trưởng Công an phường Ngã Tư Sở cho biết, duy trì những kết quả đạt được trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, hiện tại khi giãn cách xã hội được nới lỏng, Công an phường vẫn cắm chốt nhắc nhở người dân không họp chợ và đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Trường hợp người dân quên hoặc mất khẩu trang sẽ được Công an phường tặng.

Lực lượng Công an và Quân đội làm nhiệm vụ tại chốt cách ly thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh).

Đến nay, các đơn vị chức năng đã xử lý 758 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền 151,6 triệu đồng. Đối với khu vực cách ly y tế ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh), UBND huyện đang xây dựng phương án để công bố kết thúc cách ly vào tối ngày 5-5.

Tại xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín), Trưởng thôn Đông Cứu Phạm Văn Mến cho biết, 3 chốt kiểm soát y tế trong thôn luôn thường trực 3 đến 5 người trực, 100% người dân trong thôn đều nghiêm túc thực hiện cách ly và không rời thôn. Hằng ngày, lực lượng chức năng duy trì phun thuốc khử khuẩn môi trường thôn.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/966309/nhan-dien-tam-ly-chu-quan-de-xu-ly-vi-pham