Nhận diện thách thức
Trong thời đại công nghệ số, bùng nổ thông tin, nhiều bạn đọc vẫn tìm đến báo địa phương để cập nhật những thông tin chính thống, nhất là những thông tin đang được dư luận xã hội quan tâm. Bởi, đây không những là kênh thông tin uy tín cao, phản ánh toàn diện đời sống xã hội của tỉnh mà còn hấp dẫn, thu hút khán giả bằng sự sáng tạo, đổi mới.
Sự phát triển của truyền thông số, sự bùng nổ của mạng xã hội, đặt ra cho báo Đảng địa phương những thách thức, yêu cầu rất lớn trong việc chuyển tải thông tin, định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Hóa, chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu của báo chí. Nếu không CĐS một cách mạnh mẽ, bất kỳ cơ quan báo chí nào cũng có thể đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong việc phân phối nội dung, thu hút và giữ chân độc giả. Đối với các cơ quan báo Đảng địa phương, điều đó càng trở nên quan trọng. Nói cách khác, nếu không chủ động CĐS, các cơ quan báo Đảng sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ của mình ở mức xuất sắc.
Trong bối cảnh CĐS mạnh mẽ như hiện nay, việc cạnh tranh độc giả với mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới đang diễn ra hết sức khốc liệt. Với nhiều tiện ích, đặc biệt là sự tương tác, các nền tảng như facebook, youtube, tiktok đã và đang giành được lượng lớn người dùng. Điều này một mặt đặt ra cho các cơ quan báo chí nói chung, Báo Thanh Hóa nói riêng phải tiếp cận các nền tảng trên để phân phối nội dung, mặt khác phải từng bước nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, trong đó phải đảm bảo tính định hướng - một trong những vai trò cốt lõi của báo chí cách mạng.
Một thách thức khác trong quá trình CĐS báo chí tại Báo Thanh Hóa là trang thiết bị. CĐS báo chí là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của tòa soạn, từ sản xuất đến phân phối nội dung trên các nền tảng như website, mạng xã hội, các ứng dụng... Bên cạnh đó là việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới trong quá trình sản xuất các sản phẩm báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện để đáp ứng tối đa nhu cầu của độc giả. Hiện tại, trang thiết bị phục vụ cho CĐS tại Báo Thanh Hóa cũng đã được đầu tư thỏa đáng. Tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng hết yêu cầu trước sự thay đổi nhanh chóng của trang thiết bị, công nghệ mới. Điều quan trọng hơn cả là Báo Thanh Hóa vẫn thiếu tự chủ về công nghệ.
Nguồn nhân lực được xem là yếu tố quan trọng nhất trong CĐS của một cơ quan báo chí để nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí, báo chí Việt Nam với báo chí các nước và báo chí với các phương tiện truyền thông khác. Cách làm báo hiện nay đã hoàn toàn thay đổi so với môi trường truyền thống, đội ngũ phóng viên, biên tập viên tại Báo Thanh Hóa đã và đang từng bước tiếp cận với công nghệ làm báo mới. Tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng hết yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Đây là khó khăn mang tính khách quan, cần có quá trình để khắc phục.
Thách thức lớn nhất của báo chí địa phương trong quá trình CĐS là nguồn nhân lực cũng là ý kiến của ông Nguyễn Huy Long, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa. Theo ông, nguồn nhân lực là các chuyên gia công nghệ có kỹ năng và hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực truyền thông là điều mà nhiều cơ quan báo chí đang thiếu. Hiện tại, nguồn nhân lực thực hiện CĐS là nguồn nhân lực truyền thống, để đáp ứng được yêu cầu CĐS tại cơ quan, nguồn nhân lực này cần đào tạo mới, đào tạo lại. Vấn đề đào tạo và khả năng thích ứng của cán bộ, nhân viên hiện tại với các công nghệ mới có thể làm chậm quá trình chuyển đổi và tạo ra sự khó khăn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực. Bên cạnh đó, đơn vị phải có nguồn chi phí nhất định đầu tư cho công tác đào tạo.
Quá trình CĐS tại bất kỳ cơ quan báo chí nào cũng cần phải có sự hỗ trợ đắc lực của máy móc, thiết bị kỹ thuật. Trong khi đó, kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình có vòng đời ngắn và liên tục đổi mới, đòi hỏi nguồn chi phí lớn và bền vững. Mặt khác, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật của đài chưa đồng bộ, nhiều phương tiện kỹ thuật được đầu tư từ lâu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng sản xuất chương trình.
Sự cạnh tranh về thông tin, về tính nhanh nhạy của thông tin với mạng xã hội là một áp lực, một thách thức không dễ vượt qua của các báo đài, kênh sóng truyền thống. Cạnh tranh về số lượng người nghe/xem, về cách thức tiếp nhận thông tin ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Đặc biệt là nguồn thu dịch vụ của báo địa phương đã giảm sút nhiều so với trước đây.
Thực tế, cách thức tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội của độc giả hiện nay đã thay đổi. Tin bài đăng tải, phát sóng trên các nền tảng số chỉ thích hợp với những lát cắt phản ánh, thông tin nhanh, gọn. Các hình thức, thể loại như chuyên luận, bình luận, xã luận hay chuyên đề, ký sự, tản văn... đều không phải là món ăn yêu thích của khán thính và độc giả sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính bảng tìm kiếm thông tin. Việc tiếp nhận thông tin ở mọi lúc, mọi nơi, cả những nơi điều kiện, hoàn cảnh ngặt nghèo nhất không cho phép khán thính và độc giả dừng lại hay chuyển động chậm lại để nghe xem và đọc những chương trình, bài viết dài. Đó chính là sự khác biệt căn bản giữa khán thính giả truyền thống với khán thính giả trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, CĐS tại các cơ quan báo chí không đơn giản là đưa lên mạng internet một cách thuần vật lý, cơ học mà phải được thực hiện ở các hoạt động mang tính cốt lõi, phải xây dựng kế hoạch chiến lược và chuẩn bị tốt các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực. Có sự hỗ trợ của công nghệ, sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông và sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí giữa địa phương và địa phương, giữa địa phương và Trung ương.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhan-dien-thach-thuc-31517.htm