Nhận diện và bốc trần luận điệu xuyên tạc 'Nhiều tổ chức Nhân quyền Quốc tế phản đối Việt Nam tái ứng cử vào tổ chức Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028'
Ngày 12/12 vừa qua, Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (New York) đã tổ chức Lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028. Sự kiện được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo Đại sứ và đại diện các Phái đoàn thường trực và quan sát viên tại Liên Hợp Quốc.
Lợi dụng sự kiện trên, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội của các tổ chức thù địch, phản động, lưu vong đã tung ra nhiều bài viết công kích, xuyên tạc, vu cáo tình hình nhân quyền ở Việt Nam trước. Những kẻ thiếu thiện chí đã kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức quốc tế nhằm gây sức ép, cản trở Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028.
Vẫn là các thủ đoạn, phương thức chống phá, xuyên tạc thông tin sai sự thật như Đài Châu Á tự do (RFA), VOA Tiếng Việt, Tổ chức khủng bố Việt Tân và nhiều tổ chức phản động khác đã vu cáo: “Nhiều tổ chức Nhân quyền Quốc tế phản đối Việt Nam tái ứng cử vào tổ chức Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào năm tới (2026 -2028) trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm sau”. Tát nước theo mưa, các đối tượng chống đối ngay lập tức đưa ra những lý lẽ quy chụp, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tồi tệ… từ đó chúng đưa ra yêu cầu vô lý “Việt Nam cần thả các tù nhân lương tâm nếu muốn tái cử vào Hội đồng Nhân quyền”. Họ vu cáo: “Hồ sơ Nhân quyền của Việt Nam khi ngồi trong hội đồng này rất tệ hại, không có sự cải thiện có ý nghĩa nào ở quốc gia này để chứng minh. Thay vì thực hiện các bước để cải cách luật hạn chế hoặc trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền, chế độ này vẫn tiếp tục gia tăng các hành vi vi phạm nhân quyền khi là thành viên của hội đồng”.
Các thế lực thù địch lợi dụng mọi chiêu trò để phủ nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc thực thi các quyền con người. Với mưu đồ chính trị, các thế lực phản động, các phần tử cơ hội cực đoan đã cố tình xuyên tạc, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam không coi trọng dân chủ, nhân quyền, phớt lờ các quyền cơ bản của con người, vi phạm quyền công dân “…Việt Nam có những cuộc đàm áp xuyên quốc gia đối với các nhà hoạt động ở nước ngoài, đây là lý do vì sao không gian vẫn đóng ở Việt Nam... “Hội đồng Nhân dân thường phải từ chối hồ sơ ứng cử của Việt Nam để trao cơ hội cho một quốc gia nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ nhân quyền của mình ở trong nước và nước ngoài”… “Việc Việt Nam liên tục muốn ngồi vào Hội đồng Nhân dân là cách Hà Nội muốn tìm kiếm sự chính danh trên thế giới như một kiểu len lỏi vào màn hợp chung của các quốc gia trên thế giới, để được công nhận là một thành viên có tiếng nói sau những năm tháng cầm quyền đầy tai tiếng”.
Chúng kích động, thổi phồng, quy chụp cho rằng chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, bắt bớ, giam cầm tùy tiện. Với chủ đích thêm thắt những thông tin sai sự thật nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam chứ không hề có chuyện nhiều tổ chức nhân quyền phản đối Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028. Qua những luận điệu sai trái như trên cho thấy âm mưu, thủ đoạn của chúng như sau:
Một là, vu cáo Việt Nam xâm phạm quyền tự do nhân quyền, nhằm cổ súy cho các tổ chức phản động nói xấu chế độ, bôi nhọa sự lãnh đạo của Đảng; phủ nhận những thành tựu dân chủ, nhân quyền của Việt Nam; hạ thấp vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Hai là, đưa ra những “yêu sách” đòi mở rộng quyền tự do, dân chủ đứng ngoài pháp luật; đòi thả tự do cho những kẻ cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam, cố tình chống phá, gây rối ở Việt Nam, cố tình thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thực hiện mưu đồ triệt tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam.
Ba là, tìm cách tác động, can thiệp vào vấn đề dân chủ, nhân quyền, coi đó như động lực để thúc đẩy sự phát triển của “xã hội dân sự” trá hình. Với những âm mưu, thủ đoạn các thế lực thù địch đã và đang cổ súy cho các hành vi sai trái, cố tình làm suy yếu sự quản lý của Nhà nước, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế nhưng sự thật là tất cả những thành tựu của Việt Nam đạt được trong thời gian qua đã phủi sạch mọi nỗ lực chống đối, thù địch của các tổ chức phản động.
Thực tế cho thấy chúng ta đã vượt qua đói nghèo trong quá khứ đó là minh chứng lớn nhất cho thấy việc thực thi nhân quyền ở Việt Nam. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 194 nước, vùng lãnh thổ trên khắp năm châu; xây dựng các mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới. Năm 2024, một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam là các chính sách xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là yêu cầu cấp bách, là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của quá trình phát triển nhanh, bền vững đất nước như lời Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định " không để ai bị bỏ lại phía sau" không chỉ là khẩu hiệu mà là những hành động cụ thể, thiết thực của Đảng, Nhà nước, chế độ ta.
Việt Nam tự hào có một thể chế chính trị ổn định, hòa bình đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tập trung nội lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, các chỉ số về quyền con người của Việt Nam được quốc tế đánh giá tăng hạng liên tục trong nhiều năm. Theo báo cáo phát triển con người của UNDP (United Nations Development Programme) chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc so với kỳ trước từ 115 lên 107/193 quốc gia, là một trong quốc gia tiến nhanh nhất về chỉ số về quyền con người; ngoài ra Chỉ số Hạnh phúc (HPI) năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc xếp thứ 54/143 quốc gia; Chỉ số Phát triển bền vững của Việt Nam năm 2024 tăng 01 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/166… Đó là những minh chứng cho thấy Việt Nam luôn đặt con người là mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người – đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Bằng luận cứ khoa học khách quan cho thấy, uy tín của Việt Nam được thể hiện qua vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Từ khi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được thành lập năm 2006, Việt Nam đã 2 lần trúng cử vào Hội đồng vào nhiệm kỳ 2014 – 2016 và nhiệm kỳ 2023 – 2025. Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá và công nhận là một quốc gia có truyền thống về đứng về phía tự do và công lý. Với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam đã nhiều lần phát biểu và góp ý về các vấn đề toàn cầu như bảo vệ quyền trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới và ứng phó với biến đổi khí hậu – những lĩnh vực có tác động trực tiếp đến quyền sống và phát triển của con người. Theo bà Phạm Thu Hằng, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6/2024: "Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023 của Liên minh châu Âu mặc dù đã phản ánh một số thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng đáng tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam"… "Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống và quyền thụ hưởng của người dân.
Có thể khẳng định mọi âm mưu, thủ đoạn của các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí sẽ không thay đổi được thực tế và thành tựu của những nỗ lực của Việt Nam trong công tác nhân quyền, đó là cơ sở để Việt Nam tự tin ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ tới 2026- 2028.
Sắp tới, thời điểm tiến hành Đại hội đảng các cấp, các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị càng tăng cường, ra sức nhào nặn, bóp méo thông tin, xuyên tạc, chống phá các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Do đó, việc nhận diện rõ những âm mưu, thủ đoạn, các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động tấn công vào nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước là hết sức quan trọng. Việc nhận diện, bóc trần và đập tan những thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề nhân quyền chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay là nhằm góp phần ngăn chặn sự phá hoại của các thế lực thù địch, các phần tử xấu chống phá cách mạng Việt Nam, bảo vệ chế độ, đưa đất nước phát triển hùng cường dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.