Nhận diện và đấu tranh với hoạt động tuyên truyền gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số
Theo Sách trắng về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, hiện nay, nước ta có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động, với hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số cả nước). Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) theo tôn giáo là 16,6%, với các tôn giáo: Tin lành, Công giáo ở khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc; Hồi giáo, Bà la môn ở khu vực Tây Nam Bộ, duyên hải miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh; Phật giáo Nam tông Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ...

Đồng bào DTTS theo Công giáo được tự do sinh hoạt tôn giáo tại điểm sinh hoạt tập trung làng Băng, xã Ia Băng, huyện Chư Pông, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phương Liên
Những năm gần đây, vấn đề dân tộc, tôn giáo ảnh luôn bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tuyên truyền hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động ly khai, tự trị chống phá cách mạng Việt Nam.
Theo Thiếu tướng Hầu Văn Lý, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, ở bên ngoài, nổi lên là hoạt động của một số nghị sĩ, dân biểu, chính khách, nhân viên ngoại giao các nước phương Tây có quan điểm thù địch, định kiến với Việt Nam; các trung tâm phá hoại tư tưởng bên ngoài; nhân viên các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, học giả, nhà nghiên cứu về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... thiếu thiện cảm, định kiến với Việt Nam; các cá nhân, tổ chức phản động người DTTS lưu vong.
Ở trong nước, chủ yếu do số đối tượng cầm đầu, cốt cán trong các tà đạo, số phản động, cực đoan, chống đối là người DTTS; các đối tượng có lịch sử tham gia các hoạt động nhằm đòi ly khai, tự trị, lập “nhà nước riêng” đã bị xử lý, vô hiệu hóa nhưng chưa chịu từ bỏ tư tưởng chống đối (các đối tượng tham gia hoạt động FULRO, “Tin lành Đề Ga”, hoạt động lập “Nhà nước Mông”, các tổ chức bất hợp pháp, tà đạo...).
Các đối tượng chủ yếu tác động tới đồng bào DTTS có mức sống vật chất và tinh thần thấp hơn so với mặt bằng chung của xã hội. Đa số đồng bào có ý thức cố kết cộng đồng, thân tộc, dòng tộc sâu sắc nhưng nhận thức chính trị còn hạn chế, chưa hiểu hết tính chất phản động của các luận điệu kích động ly khai, tự trị nên dễ bị tác động. Ngoài ra, chúng còn hướng tới bộ phận đồng bào DTTS ở nước ngoài, nhất là những người vượt biên, trốn ra nước ngoài xin tị nạn hoặc cư trú bất hợp pháp tại các nước Thái Lan, Campuchia, Lào, Mỹ...
Về cơ bản, các đối tượng tập trung tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, khơi gợi quá khứ để kích động tư tưởng hận thù, chống đối hoặc lợi dụng danh nghĩa “bảo tồn văn hóa”, chữ viết, phong tục tập quán... để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, khoét sâu vào những sơ hở, thiếu sót, sai lầm trong triển khai thực hiện; lợi dụng các vụ tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân, nhất là giữa đồng bào DTTS với chính quyền, doanh nghiệp, người Kinh, tạo sự so sánh về chênh lệch trong phát triển giữa đồng bào DTTS với người Kinh để kích động tâm lý bất mãn, phản kháng, chống đối.
Bên cạnh đó, chúng lợi dụng việc triển khai các chủ trương, chính sách còn chậm, thiếu sót, hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo người DTTS cao và thiếu đất sản xuất... để vu cáo, xuyên tạc, hạ uy tín Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương, kích động người dân chống phá, gây mất an ninh trật tự tại các địa bàn chiến lược. Mặt khác, chúng còn tuyên truyền khuếch trương thanh thế nhằm tập hợp lực lượng, lôi kéo đồng bào DTTS tham gia thành lập “nhà nước riêng”, “tôn giáo riêng”. Xuyên tạc các vụ việc đấu tranh, xử lý, bắt giữ các đối tượng phản động, chống đối, khủng bố, cho rằng, Đảng, Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp người DTTS để kích động người dân chống lại chính quyền...
Các đối tượng triệt để khai thác các tiện ích của mạng xã hội để thành lập các “nhóm kín” trên không gian mạng, sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để liên lạc, quan hệ, chỉ đạo hoạt động tuyên truyền, chia rẽ dân tộc, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo kích động ly khai, tự trị, lập “nhà nước riêng”. Sử dụng báo đài ngoại vi tại nước ngoài để tuyên truyền vào trong nước xuyên tạc tình hình và kích động tư tưởng ly khai dân tộc, kêu gọi các thế lực bên ngoài can thiệp, hậu thuẫn. Chúng lợi dụng việc tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế, phiên điều trần hoặc kích động, tổ chức biểu tình ở nước ngoài để tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam.
Chúng còn thông qua gặp gỡ, tiếp xúc các đối tượng, nhóm đồng bào DTTS ở trong và ngoài nước để trực tiếp tuyên truyền xuyên tạc. Trong đó, chúng thường lợi dụng các dịp kỷ niệm, Tết cổ truyền các dân tộc để tập trung đông người, đẩy mạnh tuyên truyền kích động tư tưởng ly khai, tự trị; lợi dụng các quan hệ thân tộc, dòng tộc, bạn bè, sinh hoạt tôn giáo hoặc các sự kiện tập trung đông người (hiếu, hỷ, lễ hội...) để tuyên truyền, họp bàn, phục hồi tổ chức, phát triển lực lượng, nhận sự chỉ đạo của đối tượng phản động người DTTS lưu vong...
Để góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động ly khai, tự trị của các thế lực thù địch, phản động, theo Thiếu tướng Hầu Văn Lý, thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, giúp đồng bào thấy rõ sự quan tâm, ưu tiên, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, đảm bảo bình đẳng, đoàn kết dân tộc, tôn giáo; củng cố niềm tin của đồng bào vào Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Đồng thời, tuyên truyền vạch trần bản chất, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các cá nhân, tổ chức phản động trong DTTS, tổ chức tà đạo, tổ chức bất hợp pháp mang danh nghĩa tôn giáo trong vùng DTTS, không để đồng bào bị ngộ nhận, lừa bịp, lôi kéo tham gia.
Cảm nhận về vấn đề này, ông Ksor Lý được phong phẩm Truyền đạo Hội thánh Tin lành Truyền giáo Cơ đốc Ia Hiao, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Hội gồm 1 hội thánh, 15 điểm nhóm và trên 1.500 tín đồ đều là người DTTS. Được sự quan tâm, phối hợp của chính quyền, lực lượng chức năng, Hội thánh đã đón nhận trên 40 hộ, 200 nhân khẩu theo “Tin lành Đề Ga” quay về sinh hoạt tại điểm nhóm Tin lành Truyền giáo Cơ đốc Glung Mơ Lan, được sống trong tình yêu thương của Chúa, được tự do sinh hoạt tôn giáo, không bị phân biệt đối xử; được chính quyền vận động, thuyết phục, giúp đỡ ổn định cuộc sống, yên tâm sinh hoạt. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của bản thân tôi và Hội thánh”.
Những đánh giá tích cực của ông Ksor Lý cùng các tín đồ DTTS sẽ là dẫn chứng sinh động cho phương châm “xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “phủ xanh thông tin tích cực để lấn át thông tin tiêu cực” mà Đảng, Nhà nước ta đang chỉ đạo thực hiện, bởi theo đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, công tác dân tộc và công tác tôn giáo là những vấn đề rất quan trọng đối với quốc gia. Đất nước hưng thịnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào hai vấn đề này... Đồng thời, sự lợi dụng tôn giáo của các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam cho thấy, những vấn đề liên quan đến tôn giáo luôn cần được giải quyết thỏa đáng để đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, không tạo cớ cho các thế lực chính trị bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.