Nhận diện và lật mặt thật những tiếng kêu lạc lõng, sai trái đội lốt bảo vệ quyền con người ở Việt Nam (3): Những luận điệu xuyên tạc về chính sách với đồng bào các dân tộc thiểu số
Lợi dụng vấn đề dân tộc để xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xâm phạm đến an ninh quốc gia của Việt Nam là âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch. Âm mưu này hết sức nguy hiểm bởi nó phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dẫn đến những bất ổn định về chính trị.
Trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch, phản động
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người (chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước). Mỗi dân tộc có lịch sử phát triển và bản sắc văn hóa riêng, nhưng đều là những thành viên bình đẳng trong quốc gia độc lập, thống nhất. Vận mệnh của mỗi dân tộc luôn gắn bó chặt chẽ với vận mệnh sống còn của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công dân nói chung, các cá nhân trong cộng đồng các dân tộc nói riêng đều bình đẳng trước pháp luật.
Tuy nhiên, vấn đề dân tộc luôn là một trong những trọng điểm chống phá trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, ly khai của các thế lực thù địch, phản động. Chúng thường xuyên vu khống, xuyên tạc đường lối, chính sách dân tộc của Việt Nam là phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số, thậm chí là đàn áp các dân tộc thiểu số, làm cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đói, khó khăn hơn rất nhiều so với người Kinh… Thủ đoạn của chúng là triệt để lợi dụng các vấn đề về nguồn gốc lịch sử tộc người, đất đai; lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành trong việc triển khai chính sách dân tộc để kích động tư tưởng ly khai, tâm lý mặc cảm, kỳ thị dân tộc. Chúng triệt để lợi dụng trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán lạc hậu của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số để lôi kéo, dụ dỗ nhằm cản trở việc thực hiện chính sách, pháp luật, gây mất ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.
Nguy hiểm hơn, các thế lực phản động tìm cách đánh tráo và đồng nhất khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” là quyền của quốc gia - dân tộc với quyền của các dân tộc thiểu số để kích động người dân đòi thành lập Nhà nước riêng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đơn cử như tại khu vực Tây Nguyên, các đối tượng phản động trong nước và nước ngoài cấu kết với nhau, hô hào kêu gọi thành lập cái gọi là “Nhà nước Tin lành Đề ga độc lập”. Mục đích của chúng là nhằm ly khai khu vực Tây Nguyên nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền, chia cắt sự toàn vẹn và thống nhất của đất nước cũng như cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền.
Cái gọi là “Nhà nước Tin lành Đề ga độc lập” thực chất là một tổ chức “ma” mà những kẻ theo Fulro (Mặt trận thống nhất đấu tranh của các dân tộc bị áp bức) lập ra vào cuối năm 1999, do Ksor Kơk cầm đầu. Để thực hiện mưu đồ đen tối, Ksor Kơk xuyên tạc rằng “mỗi dân tộc phải có một lãnh thổ riêng, có phong tục tập quán riêng, đất của người Thượng phải do người Thượng quản lý, sử dụng”.
Trong các năm 2001, 2004, 2008 ở Tây Nguyên, “Hội thánh Tin lành Đề ga” dưới sự giật dây, chỉ đạo, hậu thuẫn của các thế lực thù địch từ hải ngoại đã kích động người dân gây ra các vụ bạo loạn khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Gần đây nhất là vụ tấn công liều lĩnh, manh động vào trụ sở UBND các xã Ea Tiêu và Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk rạng sáng 11-6-2023 làm 9 người chết. Sau khi vụ việc xảy ra, trên mạng xã hội xuất hiện không ít những bài viết nhân danh tôn giáo, nhân quyền để xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Tây Nguyên là “bị ngăn cách với thế giới”, “bị cô lập”, bị “chính quyền áp đặt văn hóa và mị dân”. Song sự thật thì đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong âm mưu, hoạt động của số phản động Fulro lưu vong nhằm thành lập “Nhà nước Đề ga”, gây ra bất ổn đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Sự khẳng định trên thực tế quyền bình đẳng giữa các dân tộc
Thực tế cho thấy, từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc là “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Mục tiêu then chốt là giải quyết hài hòa và phát triển bền vững mối quan hệ tốt đẹp giữa các tộc người với nhau, góp phần thực hiện thành công chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc - động lực chủ yếu, nguồn sức mạnh, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ngay từ Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Hiến pháp năm 1946, 1959,1980,1992 rồi Hiến pháp năm 2013 hiện hành, cũng như các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội đều ghi nhận quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Mọi hành vi khinh miệt, chia rẽ các dân tộc đều bị nghiêm cấm. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số...”. Trên thực tế, các dân tộc thiểu số đã được bình đẳng trong tham chính, quản lý đất nước: số lượng đại biểu là người dân tộc thiểu số trong các khóa Quốc hội luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong tổng dân số cả nước. Theo thống kê của Hội đồng dân tộc, số lượng đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số đã tăng theo các khóa: khóa XIII là 15,6%, khóa XIV là 17,3%; khóa XV là 17,8%.
Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo phát triển vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với sự phát triển chung của cả nước. Điều này được thể hiện thông qua các chính sách, chương trình như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững tại vùng nghèo, vùng khó khăn với tổng vốn hơn 18.480 tỷ đồng… Chính nhờ sự quan tâm đầy trách nhiệm của Đảng, sự ưu tiên của Nhà nước Việt Nam, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng khởi sắc, diện mạo các buôn làng, kết cấu hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm y tế, thủy lợi… được nâng lên rõ rệt. Đến nay, đại đa số các hộ dân tộc thiểu số đã có nhà ở; 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; 80% thôn có điện; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí…
Những kết quả to lớn của quá trình thực hiện chính sách dân tộc như đã nói trên, cũng như sự nhất quán trong quan điểm bình đẳng, đoàn kết dân tộc qua các chặng đường cách mạng là minh chứng sinh động nhất khẳng định: Không có chuyện Đảng và Nhà nước Việt Nam “phân biệt đối xử” với các dân tộc thiểu số. Đây chỉ là sự cố tình vu khống, xuyên tạc trắng trợn của thế lực phản động nhằm mưu đồ kích động hận thù dân tộc, gây chia rẽ dân tộc cần được nhận diện, lên án và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.
(Còn nữa)