NHẬN DIỆN VÀ NGĂN CHẶN LỢI ÍCH CỤC BỘ TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành quyết định thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự thảo 'Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống 'lợi ích nhóm', tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật'. Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đánh giá quyết định này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong việc phòng, chống tham nhũng chính sách, xây dựng nhà nước pháp quyền liêm chính.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị Triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị Triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Trong Kết luận 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đặt ra yêu cầu các cấp, các ngành cần: “Chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: “Chúng ta yêu cầu một Chính phủ liêm chính hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp thì bản thân công tác lập pháp của Quốc hội cũng phải liêm chính. Không được để cho lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ “cài cắm” vào trong quá trình xây dựng luật”.

Việc lồng ghép, cài cắm “lợi ích nhóm” trong các văn bản quy phạm pháp luật để trục lợi, còn gọi là tình trạng tham nhũng chính sách, đang được nhiều cử tri quan tâm. Để phòng, chống, ngăn chặn tình trạng này thì sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là nguyên tắc tối cần thiết. Lợi ích nhóm bản chất là hành vi tham nhũng và luôn có mối quan hệ chặt chẽ với tham nhũng. Tham nhũng chính sách có thể hiểu là việc cố tình đưa vào các đạo luật những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo ra khung pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, việc nhận diện những nhóm lợi ích này rất phức tạp, đòi hỏi những cơ quan xây dựng, thẩm định phải có một thái độ hết sức khách quan, đặc biệt trong thẩm định các dự án luật. Đồng thời, phải có đánh giá tác động đối với các nhóm xã hội khác nhau, đảm bảo tính trung lập của các điều luật.”

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Thanh Vân

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Thanh Vân

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Thanh Vân, để nhận diện lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, cần tinh tường xem xét dưới khía cạnh mục đích chung hay lợi ích riêng. Theo đó, 3 khía cạnh cần xem xét là: Mục đích chính sách đó nhắm vào đối tượng nào; Nội dung, quy định của các văn bản pháp luật quy định như thế nào, thuận lợi cho đối tượng nào; Khi triển khai sử dụng công cụ pháp lý ấy thì mang đến kết quả cho ai, từ đó nhận ra lợi ích nhóm trong việc xây dựng chính sách, pháp luật

Dưới tác động của “nhóm lợi ích”, chính sách bị biến dạng, méo mó. Thiếu liêm chính trong quá trình xây dựng luật, sẽ tạo ra những dự án luật “nhiều khuyết tật” như: chồng chéo với các dự án luật trước đó; xung đột với lợi ích của nhân dân và vòng đời của luật rất ngắn, dẫn đến Quốc hội và Chính phủ phải mất thời gian, kinh phí để xây dựng các dự án luật thay thế.

PGS.TS Ngô Huy Cương, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, lợi ích nhóm sẽ phá hoại chính sách công, làm cho chính sách công không thể thực hiện một cách đúng đắn, có hiệu quả, tác động rất xấu đến phát triển kinh tế-xã hội và làm cho người dân mất lòng tin rất lớn vào sự nghiệp lãnh đạo của Đảng.

Đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành quyết định thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự thảo "Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”. Việc ban hành thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong việc phòng, chống lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật. Kỳ vọng lớn vào quyết định này, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, quy định của Bộ Chính trị khi xây dựng xong sẽ là một công cụ hữu hiệu trong việc đánh giá “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng pháp luật. Qua đó, cũng là một “hàng rào” để ngăn cản hoạt động “lợi ích nhóm” trục lợi trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật là công việc chung của toàn hệ thống chính trị, không phải là nhiệm vụ riêng của cơ quan nhà nước nào. Vì vậy, việc ban hành quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục thúc đẩy, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật nói chung.

Để san lấp những lỗ hổng dễ bị lợi dụng, cài cắm lợi ích nhóm, các đại biểu Quốc hội nhiều lần kiến nghị cần đề cao chất lượng phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật. Ngoài ra, cần chú trọng việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Cùng với đó là nâng cao hoạt động thẩm tra, cần trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện cũng như trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào quy định của pháp luật những quy định để trục lợi cá nhân, qua đó xây dựng nhà nước pháp quyền liêm chính, để pháp luật xuất phát từ cuộc sống và đi vào cuộc sống./.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=63616