Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái về tư tưởng Hồ Chí Minh
Tại Đại hội XII, Đảng ta khẳng định: 'Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta'. Kế thừa và phát huy tinh thần đó, văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: 'Kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa'.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, chống phá đã tăng cường thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và cách mạng nước ta với tần suất ngày càng nhiều, mức độ ngày càng cao, biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây ra những tác động tiêu cực và hậu quả khó lường, làm tổn hại đến tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó có hoạt động tuyên truyền phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những nội dung quan trọng, quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta.
* Quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về tư tưởng Hồ Chí Minh
Các thế lực thù địch tập trung tấn công tư tưởng Hồ Chí Minh với hai thái cực khác nhau: Một là, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ Chí Minh chỉ nhắc lại tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và các nhà tư tưởng vĩ đại khác chứ không có tư tưởng của riêng mình hoặc tư tưởng không trở thành một hệ thống. Hai là, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không theo chủ nghĩa cộng sản. Cả hai quan niệm này đều sai, vì tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử Việt Nam. Người đã kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng truyền thống dân tộc và các giá trị tinh hoa của nhân loại. Chủ nghĩa Mác - Lênin ở Hồ Chí Minh không phải là những luận điểm sáo rỗng, giáo điều mà đã chuyển hóa thành hệ thống thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan khoa học, thực tiễn, trực tiếp chỉ đạo thành công cách mạng Việt Nam.
Các thế lực thù địch đã đưa ra các luận điệu sai trái như: Hồ Chí Minh chỉ là người tiếp thu mù quáng chủ nghĩa Mác - Lênin, không hề có tư tưởng cao siêu; du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin với thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm là một sai lầm; tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do” là phi nhân tính. Chúng đưa lên mạng nhiều luận điệu xuyên tạc về cái gọi là “tác hại của tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Chúng còn xuyên tạc rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa trong khi chưa hiểu chủ nghĩa xã hội là gì. Lý luận về chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh là “cực kỳ đơn giản đến nỗi người ta hỏi không biết đó có phải là chủ nghĩa xã hội macxit hay không? Và rằng “không thể đem cái thứ chủ nghĩa xã hội sơ sài không tưởng này đối chọi thắng lợi với chủ nghĩa tư bản phát triển được” hay “Hồ Chí Minh thực chất chỉ là người dân tộc chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm phương tiện”…
Bằng các luận điệu rời rạc, sai trái của mình, chúng hòng âm mưu tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với học thuyết Mác - Lênin; ngụy biện rằng hiện nay học thuyết Mác - Lênin đã lỗi thời, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, bằng cách giải thích nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc.
* Bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại…” và lịch sử đã chứng minh những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Kể từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc đổi mới, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, đến Đại hội VII (năm 1991) chính thức nêu rõ “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh” đồng thời khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Điều này đánh dấu một bước phát triển quan trọng về tư duy lý luận của Đảng.
Thực ra, tư tưởng Hồ Chí Minh đã đi vào đường lối của Đảng, đã trở thành đường lối của Đảng ta ngay từ khi Đảng được thành lập, và đến Đại hội VII những điều kiện chủ quan và khách quan đã đủ để Đảng ta khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội thông qua tại Đại hội lần thứ IX (năm 1991) khẳng định “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Qua 20 năm xây dựng và phát triển với những thành tựu không thể phủ nhận của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Tại Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011), rút ra bài học kinh nghiêm lớn, đó là: “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” và “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Nhìn lại hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần và “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ mãi mãi là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 25-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII xác định rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên”.