Nhận định người Việt đang dùng gạo 'bẩn' là không thỏa đáng, không có căn cứ
Trước thông tin 90% người Việt dùng gạo 'bẩn', chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn cho rằng, đây là một nhận xét không thỏa đáng, không có căn cứ và không công bằng cho gạo Việt.
Nhận định 90% dân Việt ăn gạo bẩn của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) đang gây nhiều phản ứng trái chiều trên dư luận.
Theo đó, ông Bình cho biết, rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường… ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo.
Trả lời phóng viên về phát ngôn trên, Chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, đây là một nhận xét không thỏa đáng, không có căn cứ và không công bằng cho gạo Việt. Trong bối cảnh chúng ta đang cạnh tranh gay gắt, những thông tin như thế sẽ làm tổn hại đến uy tín mặt hàng gạo xuất khẩu chúng ta đã gây dựng trong nhiều năm qua.
Là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông đánh giá, sản xuất lúa gạo là một ngành hàng thành công nhất trong thời gian qua, từ chỗ mỗi năm chúng ta chỉ xuất khẩu được 1 triệu tấn lương thực giờ đã thành quốc gia xuất khẩu lương thực vào hạng đầu trên thế giới. Sản lượng, giá gạo của Việt Nam cũng được đẩy lên rất cao.
Nếu như trước kia, giá gạo Việt thấp hơn rất nhiều so với giá gạo thế giới, nhất là gạo Thái Lan thì giờ đã tiến sát gần nhau về giá, thậm chí có thời điểm còn cao hơn. Chất lượng gạo cũng thay đổi rất nhiều nhờ bộ giống lúa được cải tiến, chúng ta xây dựng được hệ thống thủy lợi hoành tráng từ Bắc vào Nam; hệ thống chế biến, bảo quản gạo ngày càng mạnh. Quá trình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất cũng ngày càng mạnh mẽ, nông dân Việt Nam sẵn sàng tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật như "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng" để nâng cao chất lượng gạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Cũng bức xúc về phát ngôn của đại diện Công ty Trung An, ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới, cho rằng: "Ý kiến này bôi bác gạo của Việt Nam đang xuất khẩu trên thế giới"
Ông Cua cho biết hiện số đăng ký để làm gạo Global Gap, VietGap chỉ chiếm 1% diện tích, cho nên nếu nói như vậy thì 99% gạo là ... bẩn. Trong khi đó, đơn cử như năm nay, Việt Nam xuất khẩu gạo đi các nước rất nhiều. "Vậy với 90% gạo bẩn như thế thì Việt Nam lấy gạo ở đâu để xuất khẩu?", ông Cua nói.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng lên tiếng khẳng định, thông tin trên là không chính xác. Bởi ngành lúa gạo Việt Nam trong thời gian qua có sự tiến bộ rất vượt bậc.
Theo ông Cường, thứ nhất, về khoa học công nghệ, chúng ta đã chọn tạo ra những giống chất lượng cao, ngắn ngày, kháng sâu bệnh.
Thứ hai, Bộ cũng đã tập trung đầu tư cho các Viện nghiên cứu, giới thiệu, phổ biến, khuyến nông các gói kỹ thuật canh tác, để làm sao giảm chi phí đầu vào.
Thứ ba, diện tích canh tác của Việt Nam vào khoảng 7,3-7,5 triệu ha gieo trồng lúa, và sản lượng lúa hàng năm đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn gạo.
Trong đó 6,5-7 triệu tấn gạo không chỉ được dùng riêng cho việc xuất khẩu, mà còn dùng cho nội địa. thị trường gạo của chúng ta, có thể nói từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ và tất cả các phân khúc khác nhau.
Bên cạnh đó, Việt Nam đến nay đã tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do đơn phương, đa phương. Rõ ràng, hàng rào thuế quan gần như không có, bản thân các nước đều có hàng rào phi thuế quan (hàng rào kỹ thuật) để bảo vệ thị trường nội địa.
Cục trưởng Nguyễn Như Cường cho hay, gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang rất nhiều quốc gia có hàng rào kỹ thuật như vậy, đương nhiên phải đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, ở Việt Nam không có vùng nào sản xuất riêng cho xuất khẩu, tất cả đều sản xuất chung phần để ăn và phần để xuất khẩu. Cũng có một số loại gạo hữu cơ sản xuất riêng nhưng với số lượng vài chục nghìn tấn.
"Do đó, không thể nói gạo Việt Nam là gạo bẩn được. Mặc khác, thị trường gạo Việt Nam đang cạnh tranh với các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia. Nếu gạo chúng ta là gạo bẩn thì làm sao bán được, làm sao cạnh tranh được?", ông Cường nói.
Cũng theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, gạo của Việt Nam xuất khẩu với thị trường rộng rãi và rất nhiều đối thủ cạnh tranh, đương nhiên phải đảm bảo giá cả và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
"Việc khi chúng ta phát ngôn ra cần cân nhắc, tìm hiểu thông tin thực tế và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, người sản xuất và ngành hàng của một quốc gia", Cục trưởng Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.