Nhận định sai cản bước doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường Trung Quốc
Theo bà Trần Hà Trang, Lãnh sự thương mại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang có 4 nhận định sai lầm về thị trường Trung Quốc và cần phải khắc phục để có thể khai thác tốt thị trường tỷ dân này.
Nhằm cung cấp thông tin về thị trường Trung Quốc, các Lệnh 248, 249 của nước này và phương pháp kỹ thuật hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, ngày 17/8, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và Cục Bảo vệ thực vật tổ chức hội nghị “Xuất khẩu nông sản, thực phẩm thích ứng trong bối cảnh Trung Quốc triển khai Lệnh 248; 249 và kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống SARS-CoV-2”.
Những nhận định sai lầm về thị trường Trung Quốc
Tại Hội nghị, bà Trần Hà Trang, Lãnh sự thương mại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải cho biết, hiện nay, doanh nghiệp Việt đang có những nhận định sai lầm lớn về thị trường Trung Quốc, gây cản trở cho hoạt động xuất khẩu.
Theo đó, nhận định sai lầm được nhắc tới đầu tiên đó là “Trung Quốc là thị trường dễ tính”. Tuy nhiên, theo bà Trang, phần lớn hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ tiếp cận thị trường 300 triệu dân ở tầng lớp trung lưu trở lên. Những đối tượng này sẽ có yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, về mẫu mã, đóng gói, bao bì.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại tiêu chuẩn, nhu cầu của người tiêu dùng để có hướng chuyển đổi phù hợp nhằm khai thác được tốt thị trường rộng lớn này. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đã ra Lệnh 248, 249 nhằm siết chặt lại tiêu chuẩn hoạt động nhập khẩu.
Ngoài ra, Trung Quốc đã gia nhập WTO từ năm 2001 nên quốc gia này có đầy đủ các quy định giám sát tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, quan điểm sai lầm thứ 2 được nêu ra là chú trọng vào giao dịch biên mậu với Trung Quốc. Đặc biệt khi Việt Nam đang là đối tác thương mại biên giới lớn nhất của Trung Quốc. Thực tế, giao dịch biên mậu chỉ chiếm khoảng 20 - 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong khi đó, giao dịch chính ngạch với Trung Quốc là giao dịch với thị trường gồm 31 địa phương với tổng dân số 1,4 tỷ người. Trong đó, có khu vực Hoa Đông tiềm năng, gồm thành phố Thượng Hải và 6 tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông, An Huy, Giang Tây, và Phúc Kiến. Đây là một trong 2 vùng đóng góp tỉ trọng dân số và GDP cao nhất Trung Quốc. Vì vậy, sức tiêu thụ và nhu cầu thực phẩm, nông sản tươi ở vùng này là vô cùng lớn. Nông sản xuất khẩu chính ngạch sang vùng này sẽ có thể được bán với giá cao hơn.
Ngoài ra, việc hiểu nhầm định nghĩa “tiểu ngạch” và cho rằng đây là hình thức buôn bán với nhiều thuận lợi như được hưởng ưu đãi thuế, không cần hợp đồng, thanh toán nhanh… khiến doanh nghiệp dễ gặp rủi ro khi buôn bán. Lãnh sự thương mại Việt Nam tại Thượng Hải khẳng định: “Thực chất đây là việc doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu dưới hình thức trao đổi cư dân biên giới nhằm tận dụng ưu đãi”.
Theo đó, hình thức này tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc hàng hóa vào các dịp cao điểm hoặc khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp quản lý cửa khẩu. Tiêu biểu như đợt Tết Nguyên đán vừa qua, tình hình ùn ứ cục bộ đã kéo dài do Trung Quốc siết chặt tiêu chuẩn thông quan hàng hóa để phòng chống dịch, gây thiệt hại nghiêm trọng tới doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tươi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có nguy cơ bị lừa đảo khi thanh toán, bị ép giá khi không có hợp đồng rõ ràng.
Một sai lầm khác được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải nêu ra, đó là việc nhiều doanh nghiệp, người dân cho rằng các chính sách của Trung Quốc hay thay đổi thất thường, gây khó khăn cho việc giao thương.
Tuy nhiên, bà Trần Hà Trang khẳng định, các chính sách của Trung Quốc có sự nhất quán từ trung ương đến địa phương và các chính sách mới đã trải qua quy trình tham vấn, lấy ý kiến góp ý, theo quy định của WTO rồi mới ban hành.
Nâng cao năng lực nội tại để khai thác tốt thị trường tỷ dân
Do vậy, khó khăn lớn nhất không nằm ở thị trường mà nằm ở năng lực nội tại của doanh nghiệp, ngành nghề. Vì vậy, bà Trang cho rằng các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần xây dựng chiến lượng phát triển ngành, thương hiệu. Đồng thời tăng cường quản lý, giám sát chất lượng hàng hóa, tháo gỡ rào cản kỹ thuật để gia tăng kim ngạch xuất khẩu
Về phía các doanh nghiệp, vấn đề trước mắt là cần phải tìm hiểu kỹ Lệnh 248, 249 và triển khai sớm việc đăng ký mã số xuất khẩu theo quy định của Trung Quốc. Đồng thời tìm hiểu nhu cầu thị trường và mở rộng các hình thức xúc tiến vào thị trường Trung Quốc, như việc thông qua các hệ thống phân phối, siêu thị, sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao, Hema…
Bà Trang cho rằng, trong thời gian tới, sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ, nhu cầu nông sản tươi của thị trường này sẽ tăng mạnh trở lại. Đây là cơ hội cho cho các doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu vào thị trường, đặc biệt là khi hai loại quả sầu riêng và chanh leo của Việt Nam đã được ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Đồng tình với việc doanh nghiệp cần tăng cường xuất khẩu chính ngạch, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn, cho biết, việc xuất khẩu theo hình thức chính ngạch sẽ giúp tiết kiệm thời gian hơn trong thông quan hàng hóa.
Thời gian qua, việc Trung Quốc thực hiện chính sách ZeroCovid đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình thông quan, gây nên tình trạng ùn ứ kéo dài tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Ban quản lý cửa khẩu đã có nhiều lần hội đàm, tìm các giải pháp thông quan bền vững với phía Trung Quốc. Hai bên đã thống nhất phương án giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma theo mô hình cắt, nối container, đảm bảo nhân viên hai nước không tiếp xúc trong suốt quá trình thực hiện.
Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên triển khai phương pháp này, nhờ vậy, hiệu suất thông quan tăng mạnh. Từ đầu tháng 7, lượng xe hàng hóa xuất nhập khẩu trung bình mỗi ngày đã tăng trưởng 15,8% so với tháng 6, hơn 700 xe/ngày, trong đó xuất khẩu hơn 300 xe, nhập khẩu hơn 400 xe, và tăng 700% so với trước khi thống nhất phương pháp giao nhận hàng hóa mới.
Nhờ vậy, hiện các xe hàng vận chuyển lên các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đều đã được thông quan trong ngày, không còn tình trạng xe hàng tồn đọng qua đêm. Ban quản lý cửa khẩu hiện đang tiếp tục xây dựng vùng xanh cửa khẩu, nhằm ngăn cản sự lây lan của virus SARS-CoV-2 vào khu vực cửa khẩu.
Ngoài ra, ông Hoàng Khánh Duy cho biết, hiện nay hàng ngày Ban quản lý cửa khẩu vẫn cập nhật tình hình thông quan trên cổng thông tin điện tử các cửa khẩu theo ngày. Doanh nghiệp cần theo dõi tiến độ thông quan tại cửa khẩu để có lịch trình đưa hàng lên biên giới phù hợp, tránh xảy ra tình trạng ùn ứ do hàng hóa dồn lên quá nhiều.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến khâu bảo quản sản phẩm, đặc biệt là nông sản tươi để tránh việc nông sản bị thối, ủng, dập khi vận chuyển dài ngày. Đồng thời cần đặc biệt chú đến việc khử khuẩn trên các sản phẩm, bao bì nông sản, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch khắt khe của phía Trung Quốc.
Trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ cải tạo quy mô xuất nhập hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị, tăng từ 4 làn xe gồm 2 làn xuất, 2 làn nhập lên 6 làn xe gồm 3 làn xuất, 3 làn nhập nhằm tăng cường tốc độ thông quan tại cửa khẩu này.