'Nhận định sai lệch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam không có giá trị pháp lý'
Ông Lê Nghiêm cho rằng, báo cáo mà Tổ chức theo dõi Nhân quyền đã đưa ra những đánh giá, nhận định sai lệch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam không có giá trị pháp lý.
Vừa qua, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố báo cáo tổng kết toàn cầu về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2023. Trong bản báo cáo này, Tổ chức theo dõi Nhân quyền đã đưa ra những đánh giá, nhận định sai lệch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: Đây không phải lần đầu tiên tổ chức Theo dõi Nhân quyền đưa ra luận điệu vu cáo, với định kiến và ý đồ xấu nhằm vào Việt Nam, âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam và chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Vậy Tổ chức theo dõi nhân quyền là Tổ chức như thế nào? Báo cáo của tổ chức này có giá trị pháp lý với Việt Nam hay không? Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông về nội dung này.
Báo cáo nhân quyền ... chỉ để tham khảo
PV: Hàng năm, Tổ chức theo dõi Nhân quyền đều đưa ra bản báo cáo nhân quyền đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bản báo cáo này thì năm nào cũng vậy, họ đưa ra những nội dung phản ánh, đánh giá không đúng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Theo ông, báo cáo này có giá trị pháp lý hay không?
Ông Lê Văn Nghiêm: Nói về giá trị pháp lý của bản báo cáo mà tổ chức này đưa ra, hay là những báo cáo của nhiều tổ chức trên thế giới về quyền con người chỉ để tham khảo. Các cơ quan của Chính phủ các nước cũng như các tổ chức quốc tế, các cá nhân nghiên cứu về quyền con người, người ta sử dụng để tham khảo, chứ nó không có giá trị về mặt pháp lý.
Báo cáo chính thức và có giá trị nhất trong việc đánh giá về tình hình thực thi quyền con người ở các quốc gia, kể từ năm 2006, thế giới có một thiết chế chính thức, đó là Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Hội đồng này làm việc rất bài bản, chuyên sâu và có thẩm quyền. Chỉ có báo cáo tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thì mới chính danh, chính thức. Và chỉ có báo cáo này mới có giá trị pháp lý, có tính ràng buộc đối với các quốc gia tham gia vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc.
PV: Như vậy, chỉ có báo cáo của Hội đồng Nhân quyền LHQ thì mới thật sự đầy đủ, khách quan và mới có giá trị pháp lý với các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam?
Ông Lê Văn Nghiêm: Đúng vậy. Việt Nam là một nước rất coi trọng về thiết chế này của Liên Hợp Quốc và Việt Nam cũng đã tham gia rất tích cực vào cơ chế nhân quyền của LHQ.
Theo tôi, bây giờ nói về vấn đề quyền con người thì báo chí Việt Nam, báo chí nước ngoài hay các chuyên gia về nhân quyền trong nước, quốc tế khi đánh giá về tình hình quyền con người của Việt Nam hay của một nước nào khác thì cũng phải trên tinh thần báo cáo nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Tức là phải căn cứ xem chúng ta có những cam kết gì để thúc đẩy thực hiện quyền con người theo cơ chế của Hội đồng nhân quyền LHQ. Tất cả các quốc gia đều căn cứ theo như thế.
Tức là khi đánh giá về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, phản căn cứ xem chúng ta cam kết những gì, có thực hiện các cam kết đó không? Có làm gì hay không làm gì? Có làm thì làm ít hay làm nhiều? Và làm thì hiệu quả đến đâu?
Nghiên cứu, đánh giá về quyền con người phải như thế, đánh giá với tinh thần như thế thì mới tâm phục khẩu phục. Đằng này, tổ chức HRW không căn cứ theo cái đó, mà cứ nói là cái này, cái kia chưa tốt, như thế là phê bình chỉ trích, không giải quyết vấn đề gì.
Tôi nghĩ những báo cáo chỉ trích nước nọ, nước kia về chuyện nọ chuyện kia như HRW đang làm thì chỉ để tham khảo thôi, thật ra không có ý nghĩa gì nhiều, không có giá trị pháp lý, và cũng không có giá trị thực tế nhiều.
PV: Trong bản báo cáo về tình hình nhân quyền năm 2023, tổ chức này đưa ra nhân định cho rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục tồi tệ. Ông có bình luận như thế nào về nhận định này?
Ông Lê Văn Nghiêm: Như tôi vừa nói ở trên, khi đánh giá, nhận xét tình hình quyền con người của một quốc gia phải rất đầy đủ, rất thỏa đáng, khách quan. Nó phải dựa vào những cam kết của Việt Nam trước Hội đồng nhân quyền LHQ thì mới là chuẩn xác, thỏa đáng, đầy đủ. Chứ nói chung chung, tình hình tồi tệ, tình hình này là u ám, tình hình rất đáng buồn, nói chung chung như thế thì không có giá trị. Vì nói như thế là vơ đũa cả nắm.
Nói chuyện gì là phải rất chi tiết, cụ thể. Căn cứ vào cam kết của quốc gia đó, căn cứ vào góp ý của rất nhiều quốc gia thành viên trong Hội đồng Nhân quyền LHQ lần rà soát gần đây nhất và căn cứ vào cam kết của Việt Nam về lĩnh vực này, thì cam kết thế nào, đang làm gì? Nếu nói như thế thì mới tâm phục phục khẩu phục. Chứ còn nói chung chung, theo tôi là không có căn cứ. Đồng thời nó không khách quan, không công bằng, không hiệu quả.
Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Hội đồng nhân quyền LHQ
Tổ chức theo dõi nhân quyền HRW được thành lập năm 1988. Là tổ phi chính phủ, bị chi phối bởi sự bảo trợ, nguồn kinh phí hoạt động của nhiều nước phương Tây. HRW bị rất nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Cuba, Srilanka, Triều Tiên, Ethiopia, Syria... phản đối vì những nội dung báo cáo của tổ chức này không đúng sự thật, can thiệp vào công việc nội bộ, làm phức tạp thêm tình hình. Ngay tại Mỹ, nhiều người cũng đã biểu tình, phản đối yêu cầu tổ chức này đóng cửa vì những báo cáo chứa đầy quan điểm thiên vị và bằng chứng sai lệch.
PV: Từ năm 2022 đến nay, Tổ chức theo dõi nhân quyền và mạng lưới nhân quyền Việt Nam đã "diễn trò" trao giải thưởng nhân quyền cho hơn 60 cá nhân. Những người được tổ chức này “vinh danh” nhận giải thưởng cũng là những thành phần quen thuộc trong các hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá đất nước Việt Nam. Theo ông, ý đồ của Tổ chức này khi vinh danh các đối tượng và trao giải thưởng nhân quyền là gì?
Ông Lê Văn Nghiêm: Tôi cũng được biết, trong lĩnh vực quyền con người, trên thế giới có hàng trăm tổ chức, hội nhóm, các hiệp hội. Riêng mạng lưới nhân quyền mà phóng viên vừa nói, thật ra tôi thấy hoạt động của họ cũng không có gì nổi bật lắm.
Tôi là người theo dõi trên báo chí, trên mạng xã hội về các lĩnh vực quyền con người, tôi nghĩ tổ chức này cũng giống như hàng trăm các tổ chức khác. Họ có chương trình nghị sự của họ, có các nguồn tài trợ, có các dự án triển khai và có các tiêu chí. Họ làm gì? Họ khen ai? Họ chê ai là theo tiêu chí của họ. Mà tiêu chí của họ thì chắc chắn là không giống tiêu chí của chúng ta. Cho nên họ khen người nọ, người kia, thì thật sự tôi cũng không thấy có nhiều ý nghĩa.
Tôi chưa thấy có người nào mà họ khen, vinh danh về nhân quyền mà thật sự người đó là anh hùng trong lĩnh vực đấu tranh vì quyền con người cả. Tôi không đánh giá cao việc họ thưởng ai. Và tôi cho rằng, những giải thưởng này thì không phải là thứ giải thưởng mà trên thế giới người ta ghi nhận, đánh giá cao.
PV: Việc Việt Nam tham gia vào hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người, điều đó đã chứng minh cho thấy Việt Nam luôn nỗ lực cao nhất để bảo đảm và thực thi quyền con người, thưa ông?
Ông Lê Văn Nghiêm: Đúng thế. Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người, tham gia gần hết rồi. Mỗi một công ước mà Việt Nam tham gia thì định kỳ mấy năm lại phải báo cáo, rà soát xem Việt Nam tuân thủ như thế nào? Việt Nam thực hiện những công ước đó thì đạt kết quả gì?
Thực tế, chúng ta đã có rất nhiều báo cáo về nhân quyền tại LHQ. Điều đó chứng tỏ Việt Nam không những chỉ có ý chí chính trị là tham gia Công ước quốc tế, mà còn thực thi công ước quốc tế. Báo cáo kết quả thực hiện các công ước rất nghiêm túc.
Đặc biệt, Việt Nam là thành viên trong Hội đồng nhân quyền LHQ. Hai lần trúng cử vào Hội đồng này với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối. Như thế cho thấy, Việt Nam thật sự thể hiện sự rất tích cực là một thành viên có trách nhiệm và có thể nói là có những sáng kiến để thực hiện Công ước quốc tế về quyền con người.
PV: Xin cảm ơn ông!