Nhận định thị trường chứng khoán sau phiên giảm sốc

Theo quan điểm của chuyên gia Dragon Capital, việc thị trường có những nhịp điều chỉnh mạnh như thời gian qua không thể tránh khỏi và hoàn toàn có thể tái diễn nhưng nó cũng mang đến cơ hội cho nhà đầu tư.

Ngày 16-4, Dragon Capital tổ chức hội thảo trực tuyến “Theo dấu dòng tiền, nắm bắt thời cơ”. Tại đây, các chuyên gia đã đưa ra một số nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như đưa ra một số nhận định về thị trường chứng khoán thời gian tới.

 Khả năng thị trường có những sự điều chỉnh trong thời gian tới là khó tránh khỏi - Ảnh: VGP

Khả năng thị trường có những sự điều chỉnh trong thời gian tới là khó tránh khỏi - Ảnh: VGP

Bức tranh đối nghịch giữa kinh tế Mỹ và châu Âu

Nhận xét về bối cảnh thế giới, ông Lê Anh Tuấn – giám đốc nghiên cứu tại Dragon Capital chỉ ra trong thời gian gần đây, kinh tế Mỹ và châu Âu có những diễn biến trái chiều. Trong khi kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt, doanh số bán lẻ và lạm phát đều cao vượt kỳ vọng, rất khó để nói đến khủng hoảng kinh tế Mỹ. Cùng lúc, tại châu Âu kinh tế đang diễn biến có phần ảm đạm, kinh tế tăng trưởng yếu hơn so với kỳ vọng.

Trong bối cảnh này, sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa các nước đang tăng dần lên. Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ đã đi tiên phong trong việc cắt giảm lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu, Anh và Canada có thể hạ lãi suất nhanh và sớm hơn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Các thành viên thuộc FED đang ngày càng thận trọng hơn về việc hạ lãi suất trong năm 2024.

Dragon Capital dự báo FED có thể chỉ hạ lãi suất tối đa 2 lần trong năm 2024. Dựa trên các dữ liệu lịch sử, giám đốc nghiên cứu tại Dragon Capital chỉ ra đồng USD thường mạnh lên trong giai đoạn cuối của chu kỳ nâng lãi suất, điều này làm ảnh hưởng đến giá trị của đồng nội tệ các nước mới nổi.

Những căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông tuy không lan rộng thành khủng hoảng lan rộng khu vực nhưng lại kéo dài hơn so với tính toán trước đây. Động thái chính sách tiền tệ của các nước lớn trên thế giới chịu ảnh hưởng từ việc lạm phát Mỹ “cứng đầu” hơn so với dự kiến.

Với những diễn biến trên thị trường thế giới như vậy, ông Lê Anh Tuấn khẳng định Việt Nam không tránh khỏi những ảnh hưởng.

Kinh tế phục hồi nhưng hấp thụ tín dụng yếu

Giám đốc nghiên cứu Dragon Capital nhận xét kinh tế Việt Nam bất chấp nhiều thách thức trong thời gian qua vẫn phục hồi mạnh mẽ, GDP cả năm ước tăng trưởng từ 6 đến 6,5%. Ngoài ra, nền kinh tế cũng được “trợ lực” quan trọng từ việc chính phủ đã đưa ra mục tiêu rõ ràng về việc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

 Diễn biến chỉ số vĩ mô Việt Nam trong nhiều tháng gần đây - Nguồn: Dragon Capital

Diễn biến chỉ số vĩ mô Việt Nam trong nhiều tháng gần đây - Nguồn: Dragon Capital

Tuy nhiên nền kinh tế cũng đương đầu với không ít thách thức, ông Tuấn chỉ ra, cụ thể đó là áp lực tỷ giá gia tăng do chênh lệch lãi suất âm, thị trường vàng, thị trường tiền mã hóa có nhiều biến động. Đã có thời điểm Ngân hàng Nhà nước phát hành 172.000 tỷ đồng tín phiếu trong tháng 3 và tháng 4 để thu hẹp chênh lệch lãi suất âm và bình ổn thị trường vàng.

Ông Tuấn nói đến hiện tượng “mùa xuân crypto” tạm dịch “mùa xuân tiền mã hóa” tức là thị trường tiền mã hóa tăng trưởng mạnh dẫn đến việc nhiều người mua USD để mua tiền mã hóa, xu thế này cũng tạo ra áp lực lên tỷ giá tiền đồng.

Cũng theo ông Tuấn, chính sách tiền tệ hiện đã nới lỏng hơn cả thời kỳ năm 2009 trước đây, đó là khi mà kinh tế Việt Nam có nhiều khó khăn. Lãi suất mua nhà hiện tại chỉ ở mức khoảng 4,8%/năm, thấp hơn mức 6,5% trung bình của năm 2009. Lãi suất thấp như vậy để giúp kinh tế phục hồi, tuy nhiên trên thực tế, mức độ hấp thụ tín dụng còn yếu.

 Tình hình lợi nhuận doanh nghiệp thời gian qua - Nguồn: Dragon Capital

Tình hình lợi nhuận doanh nghiệp thời gian qua - Nguồn: Dragon Capital

Dù vậy, bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp có những diễn biến tích cực khi mà dự phóng lợi nhuận của khoảng 80 doanh nghiệp hàng đầu sàn chứng khoán vẫn tăng trưởng từ 15 đến 18% trong năm 2024. Thống kê kết quả kinh doanh quý I-2024 của khoảng 40 doanh nghiệp hàng đầu sàn chứng khoán, lợi nhuận tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm và 16% so với quý liền trước.

Tin tưởng vào cổ phiếu bất động sản

Những phiên đầu tuần chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VNIndex đã có phiên giảm gần 60 điểm và phiên giảm hơn 10 điểm, chỉ số thị trường có lúc thủng mốc 1.200 điểm.

Tuy nhiên ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, giám đốc nghiệp vụ cấp cao lĩnh vực chứng khoán tại Dragon Capital dự báo những đợt điều chỉnh như vừa qua của thị trường hoàn toàn có thể tái diễn, thế nhưng nó lại mang đến cơ hội cho những nhà đầu tư muốn mua vào cổ phiếu ở vùng giá thấp.

Ngành bất động sản năm 2024 có những khó khăn nhưng ông Nguyễn Sang Lộc – Trưởng phòng Quản lý Danh mục đầu tư quỹ DCBC thuộc Dragon Capital cho rằng, có lý do để tin vào triển vọng của cổ phiếu bất động sản, hiện tại ước tính khoảng 10% danh mục của quỹ đang dành cho cổ phiếu ngành này, một tỷ lệ tương đối so với mặt bằng chung của các quỹ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 15-4 có phiên lao dốc với 886 cổ phiếu giảm điểm, trong đó 157 mã giảm sàn. VN-Index đóng cửa dưới 1.217 điểm, ghi nhận mức giảm 59,99 điểm (-4,7%). Xét về điểm số, đây là phiên chỉ số chính đánh rơi nhiều điểm nhất trong vòng gần 2 năm, kể từ 12-5-2022.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhan-dinh-thi-truong-chung-khoan-sau-phien-giam-soc-post785967.html