Nhận được tin nhắn lạ yêu cầu gọi điện, cụ bà suýt bị lừa 48 tỷ đồng
Chỉ qua một cuộc điện thoại, một cụ bà suýt mất đi số tiền lên đến 48 tỷ đồng.
Ngày 5/1, Công an quận Hoàng Phố (Thượng Hải) nhận được trình báo về một vụ lừa đảo nhắm vào một cụ bà họ Chu - người sở hữu tài sản lên đến 14 triệu NDT (tương đương 48,5 tỷ đồng). Theo lời khai của bà Chu, kẻ gian đã tìm hiểu kỹ thông tin cá nhân của cụ bà trước khi thực hiện hành vi lừa đảo.
Chúng gửi tin nhắn thông báo rằng bà đã bị đăng ký một gói viễn thông VIP với chi phí 800 NDT/tháng (tương đương 2,7 triệu đồng), tổng cộng 9.600 NDT/năm (33 triệu đồng). Tin nhắn này khiến cụ bà hoang mang và gọi đến số điện thoại được cung cấp, nơi bà được kết nối với một kẻ mạo danh nhân viên nhà mạng.
Trong cuộc gọi, kẻ gian khéo léo trấn an và đề nghị “hỗ trợ” hủy gói dịch vụ thông qua một phần mềm được hướng dẫn cài đặt. Phần mềm này thực chất là công cụ để chúng điều khiển điện thoại của bà từ xa. Tin tưởng, bà Chu đã cung cấp thông tin và mật khẩu của 4 thẻ ngân hàng cá nhân.
Nhờ số tiền của bà Chu được đầu tư trên các nền tảng tài chính, quá trình rút tiền mất thời gian, cho phép cảnh sát phát hiện sự bất thường. Khi cảnh sát vào cuộc, kẻ gian đang trong quá trình rút tiền từ tài khoản của bà. Ngay lập tức, cảnh sát phối hợp với ngân hàng khóa toàn bộ thẻ ngân hàng, ngăn chặn thành công vụ đánh cắp, và bảo toàn toàn bộ tài sản của bà Chu.
Đại diện cảnh sát cho biết, để xử lý tình huống khẩn cấp, họ đã chuyển điện thoại của bà Chu sang chế độ máy bay, ngắt kết nối mạng, sau đó tắt nguồn hoàn toàn. Đây là phương pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất để ngăn chặn kẻ gian tiếp tục điều khiển thiết bị.
Cảnh sát nhấn mạnh, thủ đoạn lừa đảo tương tự đã xảy ra với nhiều nạn nhân khác. Chúng thường sử dụng các tin nhắn hoặc cuộc gọi cảnh báo tài chính nhằm gây hoang mang, sau đó dẫn dụ nạn nhân làm theo yêu cầu để chiếm đoạt tài sản.
Để phòng tránh, cảnh sát khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân hoặc mật khẩu qua điện thoại. Tuyệt đối không cài đặt phần mềm từ các nguồn không rõ ràng hay truy cập các đường link lạ. Nếu phát hiện điện thoại có dấu hiệu bị điều khiển từ xa, hãy nhanh chóng chuyển sang chế độ máy bay hoặc tắt nguồn ngay lập tức.
Sự việc của bà Chu là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người: luôn cảnh giác với các thông báo tài chính bất thường và liên hệ ngay cơ quan chức năng nếu nghi ngờ bị lừa đảo.
Để tránh trở thành mục tiêu của các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, mỗi người cần lưu ý các điều sau:
Cảnh giác trước các yêu cầu bất thường: Các cơ quan chức năng thường không liên hệ qua mạng xã hội hoặc ứng dụng nhắn tin để xử lý công việc. Nếu nhận được lời mời hay thông báo bất thường, bạn nên kiểm tra kỹ nguồn gốc và xác minh danh tính của người gửi.
Bảo mật thông tin ngân hàng: Không chia sẻ số tài khoản, mã PIN, hay thông tin đăng nhập dịch vụ tài chính dù đối phương đưa ra lý do hợp lý đến mức nào. Khi gặp trường hợp nghi ngờ, hãy liên hệ trực tiếp với ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để xác minh.
Hạn chế chuyển tiền khi chưa xác minh rõ ràng: Trước khi thực hiện giao dịch chuyển khoản, đặc biệt khi số tiền lớn, hãy tìm hiểu và xác thực qua nhiều nguồn để tránh bị lừa.
Bảo vệ thông tin cá nhân: Đảm bảo thông tin cá nhân, đặc biệt là hình ảnh và dữ liệu nhạy cảm, không bị lộ ra bên ngoài. Những thông tin này có thể bị kẻ gian lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo.