Nhân giống cây mật nhân

Mật nhân là loài cây thuốc quý, mọc nhiều ở rừng thuộc Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai. Tuy nhiên, lượng cây mật nhân trong tự nhiên dần ít đi do người dân khai thác nhưng không được trồng mới thay thế.

Hơn 2.400 cây giống mật nhân đã được ươm tạo thành công. Trong ảnh: Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Thị Hoàng (giữa) và các thành viên Hội đồng Khoa học trong buổi báo cáo nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu về cây mật nhân. Ảnh: Quang Trung

Hơn 2.400 cây giống mật nhân đã được ươm tạo thành công. Trong ảnh: Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Thị Hoàng (giữa) và các thành viên Hội đồng Khoa học trong buổi báo cáo nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu về cây mật nhân. Ảnh: Quang Trung

Đề tài khoa học - công nghệ (KH-CN) cấp tỉnh Điều tra hiện trạng, nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái và xây dựng mô hình ươm tạo cây giống mật nhân tại Khu DTSQ Đồng Nai đã xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống cây mật nhân. Đây là cơ sở nhằm phát triển bổ sung vào nguồn tài nguyên cây dược liệu của khu vực Đông Nam bộ và của cả nước.

* Đánh giá thực trạng loài mật nhân

Đề tài KH-CN nêu trên do TS Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai làm chủ nhiệm, được thực hiện trong hơn 2 năm (từ tháng 4-2018 đến 8-2020). Một nội dung rất quan trọng của đề tài là đánh giá thực trạng loài mật nhân tại Khu DTSQ Đồng Nai. Mục đích của việc làm này là để ước tính được trữ lượng mật nhân trong tự nhiên, từ đó đề xuất phương án khai thác hợp lý, quy định thời gian, khu vực khai thác...

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Kết quả nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái của loài mật nhân tại Khu DTSQ Đồng Nai chỉ rõ: Mật nhân là cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ, có kích thước trung bình, mùa hoa tập trung từ tháng 1 đến tháng 5. Từ khi ra nụ đến quả chín và rụng từ 76-112 ngày (khoảng 3-4 tháng). Mùa hoa cao điểm hằng năm vào khoảng từ ngày 14-2 đến 10-4; mùa quả già, chín tập trung từ ngày 25-3 đến 9-5.

Mật nhân trong kiểu rừng hỗn giao có sự sinh trưởng tốt hơn các kiểu rừng khác.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mật nhân là loài có mặt trên hầu hết các kiểu sinh cảnh, trừ kiểu sinh cảnh ngập nước hoặc bán ngập nước. Đây là loài có thể sống trong nhiều kiểu đất khác nhau, từ nghèo dinh dưỡng đến giàu dinh dưỡng và không phân bố trong các khu vực bị ngập nước. Cây mật nhân tại Khu DTSQ Đồng Nai có phẩm chất tốt, ít bị sâu bệnh. Đây là thuận lợi để phát triển trữ lượng loài cây dược liệu này.

“Hầu hết người dân đều có hiểu biết về công dụng của cây mật nhân. Vì vậy, họ thường khai thác mật nhân từ tự nhiên để phục vụ cho nhu cầu của cá nhân như: chữa đau chân, đau nhức xương khớp, trị nhức mỏi, đau lưng, chữa cao huyết áp… và dùng để ngâm rượu. Chỉ một số ít người khai thác về để bán với số lượng ít và nhỏ lẻ” - ThS Võ Quang Trung, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Dù chỉ khai thác để phục vụ nhu cầu cá nhân chứ chưa thu gom để bán nhưng số lượng cây mật nhân trong rừng tự nhiên đang ngày càng thưa thớt. Nguyên nhân là do người dân thường đào để lấy rễ cây nhưng không có biện pháp để ươm tạo, nhân giống cây.

* Ươm tạo thành công hơn 2.400 cây giống

Ngoài đánh giá thực trạng loài mật nhân trong tự nhiên, một nhiệm vụ quan trọng khác của đề tài là nghiên cứu, ươm tạo cây giống mật nhân nhằm phát triển trữ lượng loài cây thuốc quý này.

Hơn 900 loài cây thuốc có trong vùng lõi của Khu DTSQ Đồng Nai

Năm 2010, Trung tâm Sâm và dược liệu TP.HCM đã phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (vùng lõi Khu DTSQ Đồng Nai) thực hiện đề tài Đánh giá thực trạng và tiềm năng nguồn tài nguyên cây thuốc ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai làm tiền đề xây dựng dự án Xây dựng vườn quốc gia bảo tồn và phát triển cây thuốc Đông Nam bộ. Kết quả đề tài đã định danh được 905 loài cây thuốc tại đây, trong đó có 23 loài cây thuốc nằm trong Danh lục đỏ IUCN thế giới và Sách đỏ Việt Nam.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống bằng gieo hạt và giâm hom cây mật nhân. Kết quả, đến nay, nhóm nghiên cứu đã tạo ra được 2.442 cây giống mật nhân. Số cây giống này sẽ được trồng thực nghiệm ở các trạng thái rừng để có đủ cơ sở khoa học trước khi chuyển giao quy trình cho người dân trồng đại trà làm vùng nguyên liệu.

Trong quá trình nghiên cứu, ThS Võ Quang Trung là người phụ trách việc điều tra, khảo sát 32 hộ gia đình thuộc 9 ấp tại 3 xã: Mã Đà, Hiếu Liêm và Phú Lý để tìm hiểu tình hình và nhu cầu sử dụng loài mật nhân. Trong đó, có 21/32 hộ sẵn sàng hợp tác và thực hiện các mô hình trồng mật nhân. Điều kiện đặt ra là người dân phải được cung cấp về nguồn giống, hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm.

Nếu có thể giải quyết được đầu ra cho sản phẩm, việc trồng cây mật nhân sẽ tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng lõi và vùng đệm của Khu DTSQ Đồng Nai. Thực tế, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã khai thác thương mại cây mật nhân từ trước đó thông qua việc phát triển sản phẩm rượu mật nhân.

Năm 2014, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã đăng ký sở hữu trí tuệ rượu mật nhân và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, rượu mật nhân đã được nhiều người biết đến. Như vậy, cung cấp nguyên liệu để sản xuất rượu mật nhân có thể được xem là một trong những hướng phát triển tiếp theo cho đề tài.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202007/nhan-giong-cay-mat-nhan-3011205/