Nhãn hiệu tập thể: Bảo vệ, nâng tầm giá trị nông phẩm

Khoai lang Đồng Thái, nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê, rau an toàn Tiền Lệ... là những sản vật riêng của Thủ đô Hà Nội, được người tiêu dùng khắp nơi tín nhiệm. Sau khi được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, các sản phẩm này ngày càng được nâng tầm giá trị, đưa thương hiệu vươn xa tới nhiều thị trường hấp dẫn.

Nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai) là một trong những sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu tập thể.

“Áo gấm” không thể “đi đêm”

Giống như nhiều địa phương trên cả nước, Hà Nội không thiếu những sản phẩm nông nghiệp hấp dẫn, được khắp nơi ưa chuộng, tìm kiếm. Tuy nhiên, để tìm ra đúng sản phẩm mong muốn không phải là việc dễ dàng với khách hàng, khi chỉ dựa trên những cảm nhận, mô tả chung chung, ghi nhớ qua tâm trí, do sản phẩm chưa được xác định thương hiệu trên thị trường. Tình trạng “áo gấm đi đêm” này không chỉ khiến việc tiếp cận với sản phẩm ưng ý của người tiêu dùng gặp khó khăn, mà còn mang đến những bất lợi, thiệt thòi cho chính người nuôi trồng, sản xuất. Những trở ngại trên đã và đang được thành phố tập trung tháo gỡ, với nhiều giải pháp chủ động, hiệu quả, trong đó phải kể đến nỗ lực trong xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, thúc đẩy ý thức, trách nhiệm bảo tồn, phát triển đặc sản địa phương một cách bền vững.

Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh thương mại khốc liệt, các sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định có nguy cơ phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhưng kém chất lượng hoặc sản phẩm gắn nhãn hiệu giả mạo, chưa kể những đòi hỏi ngày càng cao từ thị trường về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc xây dựng, thực hiện và quản lý nhãn hiệu tập thể không chỉ giúp bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm đối với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ, mà còn giúp bảo tồn, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Bởi, khi thương hiệu của sản phẩm có vị thế trên thị trường, giá trị thương phẩm cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm sẽ được nâng lên rất nhiều.

Với ý nghĩa này, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã phối hợp với nhiều ban, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai công tác xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp của nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Có rất nhiều phần việc đã được triển khai đồng bộ và quyết liệt, như: Lập cơ sở dữ liệu về xây dựng hồ sơ đăng ký quyền nhãn hiệu tập thể; xây dựng mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể; thiết lập hệ thống phương tiện, điều kiện, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể; thí điểm hoạt động quản lý và khai thác..., hướng tới mục tiêu hình thành và phát triển thương hiệu nông sản từ các nhãn hiệu tập thể.

Cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị nông phẩm

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Thủ đô Hà Nội đã thực hiện bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể cho khoảng 40 sản phẩm nông nghiệp, điển hình là: Gà đồi Ba Vì, gà mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình, nhãn chín muộn Đại Thành, chuối Cổ Bi, bưởi tôm vàng Đan Phượng..., góp phần xác định thương hiệu, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị thương phẩm. Phần lớn các sản phẩm sau khi được bảo hộ, giá bán tăng thêm từ 15% đến 20%; thị trường được mở rộng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp thị, cung ứng các sản phẩm cho các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài thành phố...

Mặt khác, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu cũng được chặt chẽ hơn, thông qua việc hình thành các tổ chức đại diện cho các đơn vị, hộ gia đình cùng tham gia sản xuất, kinh doanh; là cơ sở, căn cứ quan trọng để thực hiện các mục tiêu đổi mới về kinh tế và tổ chức sản xuất ở địa bàn nông thôn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vì một tương lai xanh cho cả cộng đồng. Dự kiến, trong năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ có ít nhất 20 sản phẩm nông nghiệp khác được xây dựng để gắn nhãn hiệu tập thể, góp phần khẳng định uy tín thương mại, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm hấp dẫn, chất lượng.

Để việc xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể ngày càng được triển khai hiệu quả, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn tiếp theo tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ xây dựng, khai thác, bảo vệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông phẩm của thành phố. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần được chú trọng, triển khai thường xuyên, liên tục.

Cùng với nỗ lực của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, mỗi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng đều phải nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm, bắt đầu từ việc tích cực đổi mới sáng tạo, vì mục tiêu phát triển bền vững. Với sự vào cuộc tích cực như thế, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng về tương lai của những sản phẩm nông nghiệp, từ năng lực cạnh tranh, giá trị nông phẩm đến khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/965748/nhan-hieu-tap-the-bao-ve-nang-tam-gia-tri-nong-pham