Nhân lên giá trị tấm vé dự Olympic
Không chỉ giành vé dự Olympic Paris 2024, võ sĩ boxing nữ Hà Thị Linh còn là VĐV đầu tiên của Việt Nam được hưởng mức hỗ trợ 17 triệu đồng/tháng từ TP Hà Nội tính theo một chu kỳ 4 năm của Olympic nhờ thành tích trên. Điều này càng cho thấy cần có nhiều chế độ chính sách cho VĐV giành vé dự Olympic, thậm chí cả Olympic trẻ trên khắp cả nước.
Gian nan giành vé
Đến lúc này thể thao Việt Nam mới giành 11 vé trực tiếp tham dự Olympic Paris 2024. Trang gần 2 năm qua, những VĐV tốt nhất của thể thao Việt Nam đã được đầu tư, đưa vào các giải đấu nhằm tích điểm trên bảng xếp hạng thế giới để xét vé tham dự hoặc có thể tranh vé ngay tại một giải đấu cụ thể.
Như nhiều chuyên gia nhận định, nếu nhìn vào cả hành trình ấy, rõ ràng không khác gì, thậm chí còn vất vả hơn so với khi tranh tài tại một giải vô địch thế giới hay châu lục và đương nhiên là khu vực Đông Nam Á. Đơn cử như trường hợp tay vợt Nguyễn Thùy Linh hay Lê Đức Phát (cầu lông). Để có thể giành vé tham dự Olympic Paris 2024, họ đã phải tham gia hàng chục giải đấu trên khắp thế giới để tích điểm. Nếu không tham dự đầy đủ, cả hai sẽ đối diện nguy cơ không giành được vé. Cho nên, hành trình giành vé của họ dài và gian nan hơn nhiều so với khi giành danh hiệu ở một giải đấu cụ thể.
Hay gần nhất là trường hợp võ sĩ Hà Thị Linh. Trước khi dự vòng loại thế giới thứ hai môn boxing của Olympic Paris 2024, Hà Thị Linh cũng đã tham dự ASIAD 19, vòng loại thứ nhất để hy vọng tranh vé dự Olympic Paris 2024. Thất bại trong cả hai cuộc này nên cô gái người Lào Cai đang đầu quân cho Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội mới phải tham dự vòng loại thứ hai. Hành trình chuẩn bị cho các vòng đấu tranh vé dự Olympic Paris 2024 cũng phải tính bằng năm.
Trong khi đó, nhiều thế hệ quản lý lãnh đạo thể thao Việt Nam cũng như các trung tâm thể thao lớn trên cả nước cũng đã và đang thống nhất ý kiến rằng, số lượng tấm vé trực tiếp tham dự Olympic chính là thước đo sự phát triển thực sự của mỗi nền thể thao. Đặc biệt, khi thể thao Việt Nam đã xác định rõ Olympic là sân chơi quan trọng nhất cần hướng đến để khẳng định vị thế của mình. Do đó, tuyển thủ đạt được suất Olympic chính thức cần được ghi nhận nỗ lực vượt bậc chuyên môn. Họ cần sự hỗ trợ chế độ tương xứng. Thể thao Việt Nam đang có khoảng 2.500 VĐV ở các đội tuyển thể thao quốc gia (tuyến trẻ, tuyến quốc gia) nhưng chỉ kỳ vọng 12-15 người đạt vé chính thức dự Olympic Paris 2024. Tất cả cho thấy giá trị lớn lao của tấm vé dự Olympic với thể thao Việt Nam như thế nào.
Và không ngẫu nhiên khi nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng chung nhận định rằng cần coi việc giành vé dự Olympic hay xa hơn là Olympic trẻ tương đương như việc giành một danh hiệu. Và khi đã xác định như vậy thì nên có hình thức động viên, khuyến khích những VĐV đã góp phần khẳng định vị thế cho thể thao Việt Nam. Đấy cũng là cách làm cụ thể nhất, dễ thấy nhất để tiếp động lực cho các HLV, VĐV trọng điểm. Bởi trên thực tế, thể thao Việt Nam cũng đã có những động thái tiếp thêm động lực cho nhóm 89 HLV, VĐV có khả năng giành vé dự Olympic Paris 2024 với chế độ dinh dưỡng đặc thù tới 640 nghìn đồng/ngày cho nhóm này, áp dụng từ đầu tháng 2-2024.
Cần nhiều hơn đơn vị có mức đãi ngộ đặc thù
Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, sau khi tham khảo, khảo sát thực tế về chế độ đãi ngộ đặc thù cho HLV, VĐV của một số địa phương để làm căn cứ xây dựng văn bản tham mưu về chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù cho thể thao Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội khi ấy là ông Đào Quốc Thắng đã nhận định rằng, Hà Nội cần có chế độ riêng với VĐV giành vé dự Olympic cũng như World Cup bóng đá. Thực tế là cho đến lúc đó, chưa địa phương nào có hình thức hỗ trợ cụ thể nào được thể hiện bằng văn bản với VĐV giành vé dự Olympic hay World Cup.
Tham gia chắp bút văn bản để tham mưu TP Hà Nội xây dựng một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, HLV đạt thành tích cao của TP Hà Nội, ông Đào Quốc Thắng cho rằng, thể thao Thủ đô cũng cần khẳng định vai trò đi đầu của mình bằng những chính sách chưa có tiền lệ và bảo đảm phù hợp với thực tế, yêu cầu chung. Sau đó, là cả một hành trình của những người có trách nhiệm với thể thao Hà Nội, các ban, ngành ở thành phố để rồi cuối cùng HĐND thành phố đã thông qua và Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 6-12-2023 quy định về một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, HLV đạt thành tích cao của TP Hà Nội.
Theo đó, từ đầu năm 2024, các HLV, VĐV Hà Nội đã nhận được mức hỗ trợ theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội. Trong đó, VĐV giành vé dự Olympic và World Cup của môn bóng đá được nhận mức hỗ trợ đặc thù là 17 triệu đồng/tháng, tính từ thời điểm VĐV thi đấu tại Olympic, World Cup đến thời điểm giải đấu kế tiếp hoàn thành.
Cũng từ đầu năm 2024 đến trước khi Hà Thị Linh giành vé dự Olympic Paris 2024, thể thao Hà Nội “sốt xình xịch” với việc giành vé dự Olympic 2024. Thực sự, chế độ đã có mà chưa có VĐV giành vé để được hưởng chế độ đã là một chuyện. Chuyện khác quan trọng hơn lại nằm ở vị thế của thể thao Hà Nội so với các đơn vị khác. Nếu không có VĐV giành vé trực tiếp dự Olympic 2024 thì thể thao Hà Nội sẽ phải xem lại vị thế đầu tàu của mình. Cũng may, khi niềm hy vọng cạn dần lại là lúc võ sĩ Hà Thị Linh thi đấu xuất sắc, và phần nào là xuất thần, để giành vé trực tiếp thứ 11 dự Olympic Paris 2024 của thể thao Việt Nam. Và đó cũng là tấm vé đầu tiên tham dự Olympic Paris 2024 mà thể thao Hà Nội đóng góp cho thể thao Việt Nam.
Ngày 3-6, khi trở về Việt Nam, Hà Thị Linh đã được lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội thông báo rằng sẽ nhận được mức hỗ trợ cho VĐV Hà Nội giành vé dự Olympic theo quy định mới nhất của thành phố. Như thế, trong một chu kỳ Olympic tới (khoảng 4 năm), nữ võ sĩ này sẽ nhận được hơn 200 triệu đồng/năm. Kết hợp với tiền công, tiền ăn, cô sẽ đủ động lực để tiếp tục theo đuổi con đường VĐV, cống hiến cho thể thao Hà Nội cũng như Việt Nam. Cũng chính Hà Thị Linh đã chia sẻ rằng đó là nguồn động viên lớn lao để có thể yên tâm theo nghề VĐV.
Cũng từ trường hợp hỗ trợ đặc thù với VĐV giành vé trực tiếp dự Olympic của thể thao Hà Nội, ngành thể thao hoặc các địa phương cũng có thể tham mưu với các cấp trên để xây dựng quy định về hỗ trợ, thưởng dành cho HLV, VĐV đạt suất chính thức Olympic và xa hơn là Olympic trẻ vì đây cũng là chân đế để nhiều VĐV hướng đến những đấu trường lớn hơn, trong đó có Olympic.
Đấy cũng không phải việc khó khi phù hợp với thực tế và quan trọng là đã có đơn vị đầu tiên áp dụng là Hà Nội. Quan trọng là cách thức thực hiện.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/nhan-len-gia-tri-tam-ve-du-olympic-i733440/