Nhân lên giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí
Phong trào thi đua 'Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí' góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí và đội ngũ người làm báo.
Trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa
Ngày 21.6.2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân đã phát động phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí", hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2025).
Phong trào nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo.
Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa. Thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...
Ngay sau lễ phát động, các cấp Hội Nhà báo từ Trung ương đến địa phương đã phối hợp với các cơ quan báo chí khẩn trương quán triệt phong trào, tổ chức lễ ký giao ước thi đua trong các cấp hội trực thuộc; thống nhất đưa nội dung phong trào vào quy định xếp loại, xét khen thưởng hội viên, người làm báo hàng năm...
Sẽ đưa vào tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm
Đánh giá sơ kết năm đầu phát động, triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: “Đã có 82 đơn vị nộp báo cáo một năm thực hiện phong trào thi đua. Hội tiến hành xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Quy chế thay thế Quy chế thi đua, khen thưởng năm 2018, đưa nội dung văn hóa báo chí, văn hóa người làm báo vào tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm, trao tặng danh hiệu thi đua nhằm biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt”.
Nhiều đơn vị tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua như: Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng, Hải Phòng; Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Kon Tum, Trà Vinh, Vĩnh Long... Trong đó, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo báo chí với chủ đề “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa” thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài địa phương.
"Đây là một trong những hình thức nhằm cụ thể hóa việc phát động phong trào, góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí nói riêng và người làm báo trong khu vực các tỉnh phía Bắc nói chung", ông Nguyễn Đức Lợi khẳng định.
Đã có những cách làm hiệu quả
Nhiều liên chi hội được đánh giá có cách làm hiệu quả, sáng tạo như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan Trung ương Hội, Báo Quân đội Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, Liên Chi hội Cơ quan Trung ương tổ chức Lễ ký giao ước thi đua, tổ chức tọa đàm “Văn hóa của người làm báo” nhằm làm sâu sắc thêm nội dung, ý nghĩa của phong trào.
Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội Nhân dân tổ chức phong trào thi đua có chủ đề “Trách nhiệm, chính quy, chuyên nghiệp và nhân văn”, tổ chức tọa đàm, sinh hoạt nghiệp vụ “Văn hóa báo chí và trách nhiệm của người làm báo”, “Đạo đức người làm báo”, "Văn hóa nhà báo chiến sĩ"...
Chi hội Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức các đợt tuyên truyền để mỗi nhà báo xem tác nghiệp của mình là hoạt động văn hóa, tố chất văn hóa người làm báo thể hiện bằng đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội, tiêu chí văn hóa người làm báo Việt Nam; các chi hội đưa Kế hoạch xây dựng cơ quan báo chí văn hóa - người làm báo văn hóa giai đoạn 2022 - 2025 vào nội dung hoạt động và quy trình tác nghiệp của cơ quan, gắn với việc đánh giá tác phẩm.
Báo Đại biểu Nhân dân ngay sau khi ký cam kết thực hiện phong trào thi đua ngày 21.6.2022, đã xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tại đơn vị, với các tiêu chí cụ thể, trong đó xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan; tổ chức quy trình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch; xác định nguyên tắc tác nghiệp trên tinh thần khách quan, xây dựng, vì lợi ích chung.
Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị "chân, thiện, mỹ", lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội...
Tận hiến với nghề, tạo ra tác phẩm chất lượng, tích cực
Nhằm lan tỏa rộng khắp phong trào, theo Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, mỗi đơn vị cần thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ, mục đích, hoạt động theo pháp luật, có tính toán đến tác động của thông tin với độc giả; nêu cao ý thức văn hóa của mỗi người làm báo trong thực hiện trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Các cấp Hội cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, các cấp hội, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, quy trình nghiệp vụ cơ quan báo chí để báo chí từng bước vươn tới tiêu chí “Chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.