Nhân lên những điều tốt đẹp
Hành động dũng cảm cứu người bị đuối nước của Trung úy Thái Ngô Hiếu và anh Nguyễn Đức Chính trong những ngày qua đã lan tỏa, nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Mấy ngày nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, nhiều người dân trên cả nước đã biết tới hai anh Thái Ngô Hiếu và Nguyễn Đức Chính. Hai người ở hai miền khác nhau, một ở miền Bắc, một ở miền Nam, nhưng đều chung một hành động nghĩa hiệp khi đã dũng cảm, nhanh trí cứu người bị đuối nước.
Trung úy Thái Ngô Hiếu, 33 tuổi, cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Đồng Nai, khi đang cùng người thân tắm biển sáng 10/4 đã cứu được bốn thanh niên bị đuối nước ở bãi tắm Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau đó, mặc dù đã thấm mệt, anh vẫn nỗ lực tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng và nhân dân địa phương tìm kiếm được thi thể một nạn nhân còn lại.
Đây không phải lần đầu Trung úy Thái Ngô Hiếu dũng cảm cứu người. Trong quá trình công tác, anh đã tham gia 39 lượt cứu nạn, cứu hộ và đã cứu sống được 11 người, tìm kiếm được 37 thi thể nạn nhân, tham gia di chuyển hơn 50 hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn. Quá trình cứu bốn người lần này tại khu vực nước sâu, chảy xiết, sóng biển lớn chỉ vỏn vẹn khoảng mười phút – có thể nói đó là khoảng thời gian “thần tốc quý giá” thể hiện sự mưu trí, dũng cảm, kỹ năng nghiệp vụ bài bản, thể lực phi thường và tinh thần trách nhiệm cao của người chiến sĩ công an với nhân dân.
Trước đó, chiều 9/4, anh Nguyễn Đức Chính, quê ở Nam Định, đã nhảy từ cầu Thịnh Long ở độ cao khoảng ba mươi mét xuống sông Ninh Cơ để cứu một nữ sinh lớp 8 đang chới với trong dòng nước xiết, đưa vào bờ an toàn. Khoảnh khắc anh Chính nhảy xuống sông cứu bé gái được ghi lại qua một clip ngắn của người dân khiến người xem không khỏi rùng mình sợ hãi bởi sự nguy hiểm, nhưng cũng vì thế càng thêm ngưỡng mộ “anh hùng”, “người hùng” – đúng như cách gọi trìu mến của người dân quê anh.
Hành động đẹp, dũng cảm của các anh Thái Ngô Hiếu và Nguyễn Đức Chính đã ngay lập tức được chia sẻ, khiến nhiều người khâm phục, yêu mến. Các anh đã nhận được những phần thưởng xứng đáng: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, khen ngợi Trung úy Thái Ngô Hiếu và anh Nguyễn Đức Chính. Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây thực sự là những hành động dũng cảm, nghĩa hiệp, cao cả được nhân dân cảm phục, trân trọng. Những tấm gương quên mình vì tính mạng của người bị nạn trong cộng đồng cần được kịp thời lan tỏa để nhiều người có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Anh Thái Ngô Hiếu cũng đã được thăng cấp bậc hàm từ Trung úy lên Đại úy. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng ký Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Dũng cảm cho Đại úy Thái Ngô Hiếu. Còn với Nguyễn Đức Chính, ngày 12/4 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký Quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng cho anh. Ngoài ra, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định và Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định cũng tặng Bằng khen và khen thưởng đột xuất.
Những hành động quên mình cứu người như anh Hiếu, anh Chính không phải là hiếm. Thời gian qua, đã có rất nhiều tấm gương dũng cảm, quên mình, dám xả thân để cứu người gặp nạn. Những “anh hùng sông nước” đó có thể là bất cứ ai, từ thầy giáo, quân nhân, thậm chí là các em nhỏ…, hễ thấy người gặp nạn thì không từ nguy nan, đều tìm cách cứu giúp.
Hẳn cho đến bây giờ mọi người chưa quên câu chuyện về thầy giáo Phùng Anh Tuấn - giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ). Khi chứng kiến nhóm người đang chới với giữa dòng nước dữ, không chút do dự, thầy đã nhảy xuống và cứu được ba bố con khỏi đuối nước ở khu vực bãi bồi ven sông Hồng. Hay quân nhân Nguyễn Văn Thứ, nhân viên quản lý bếp ăn Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam đã dũng cảm cứu một người phụ nữ bị đuối nước trên sông Nhuệ, đoạn cầu Châu Sơn, ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Lúc đó đang là mùa mưa, nước sông dâng cao, chảy xiết khiến việc cứu người khá vất vả.
Đáng biểu dương hơn là tấm gương dũng cảm cứu người bị đuối nước của em Mai Hải Đăng, khi ấy là học sinh lớp 6, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở số 1 Kim Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Hôm ấy, Đăng cùng anh trai xuống suối đoạn gần cầu Chu Kê tắm thì phát hiện một nam thanh niên (22 tuổi) bị đuối nước. Trong lúc anh trai đi gọi người hỗ trợ, Đăng đã nhanh chóng lao ra dòng nước sâu cứu và đưa được người gặp nạn vào bờ an toàn. Em Đăng đã được Tỉnh đoàn Quảng Bình trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Những tấm gương như anh Thái Ngô Hiếu, Nguyễn Đức Chính, em Đăng, thầy giáo Tuấn hay quân nhân Thứ và còn nhiều người khác nữa, rất đáng biểu dương, khen ngợi. Hình ảnh của họ sẽ còn mãi trong tim những người được cho thêm “một cuộc đời mới” cũng như trong lòng những người dân bởi tinh thần quả cảm, sẵn sàng cứu giúp người trong cơn hoạn nạn, lúc hiểm nghèo. Và “Hữu xạ tự nhiên hương”, những hành động đẹp như thế sẽ ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, góp phần tạo nên giá trị nhân văn của người Việt Nam.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/nhan-len-nhung-dieu-tot-dep-20220413135143762.htm