Nhân lên những giá trị nhân văn!

Nhiều người trong đội ngũ văn nghệ sĩ của nước ta thực sự là người của công chúng. Cho nên, hành động nhân văn của các văn nghệ sĩ, mà cụ thể trong trường hợp này là việc trực tiếp đóng góp hay tham gia vận động công chúng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ... sẽ nhân lên những giá trị nhân văn.

Ngay sau hôm có tin về sạt lở ở thôn Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai), từ TP Hồ Chí Minh, nhà văn Trần Nhã Thụy viết trên trang mạng xã hội của mình rằng "thật lòng, cá nhân tôi nợ những người anh em miền Bắc. Trong đại dịch COVID-19, khi chúng tôi lập nên nhóm thiện nguyện “Trụ lại Sài Gòn” thì người Hà Nội, người Hải Dương, người Thái Nguyên... đã ủng hộ chúng tôi rất nhiều, về cả tinh thần lẫn tiền bạc. Nhưng, là một nhà văn, tôi biết trả món nợ ấy thế nào? Chỉ là "ghi lòng tạc dạ" trong cuộc mưu sinh của riêng mình?".

Thế rồi, nhà văn Trần Nhã Thụy kể, anh bất ngờ được NSND Trà Giang gọi điện, bảo "hay là cháu cho bán đấu giá bức tranh của cô sớm được không? Cô muốn góp một ít cho miền Bắc lúc này, chứ mấy nay xem tin tức cô buồn quá mà không biết làm gì...”. Chuyện là NSND Trà Giang có kế hoạch tổ chức một triển lãm tranh ngày 20/10 tới đây tại Maii Art Space và trong triển lãm ấy bà có nhã ý tặng cho nơi này bức sơn dầu "Hồn quê" để bán đấu giá thiện nguyện.

Các nghệ sĩ trong chương trình “Anh trai say hi” đã ủng hộ số tiền đoạt giải gần 2 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào miền Bắc sau bão lũ.

Các nghệ sĩ trong chương trình “Anh trai say hi” đã ủng hộ số tiền đoạt giải gần 2 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào miền Bắc sau bão lũ.

Vậy rồi nhà văn Trần Nhã Thụy lên Facebook thông báo đấu giá, vì chờ cho tới cuối tháng 10 thì lâu quá. Bức tranh "Hồn quê" được chính thức bán đấu giá trên trang Maii Art Space, giá khởi điểm là 25 triệu đồng. Tức khắc sau đó, doanh nhân Lê Quốc Ân đăng đàn tham gia ngay và cho biết dù thắng hay thua cũng ủng hộ 25 triệu đồng. Tiếp đó, thông qua fanpage Maii Art Space, một người tên Le Thu đề nghị đấu với giá 30 triệu đồng, rồi nhà sưu tập Huỳnh Dạ Thư Hiên đấu lên 50 triệu đồng và cũng tuyên bố đấu không thắng vẫn ủng hộ 50 triệu đồng.

Cứ thế, cho đến ngày 15/9 thì nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết bức tranh đã được đấu ở bước giá 126 triệu đồng. Kể câu chuyện đấu giá này để thấy một trong những cách mà văn nghệ sĩ của nước ta tham gia vào việc chung tay hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 và sạt lở khủng khiếp vừa qua.

Những ngày qua, các hội văn học nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố đều đứng ra làm đầu mối tổ chức việc quyên góp, đấu giá tranh, đêm nhạc để kết nối tấm lòng thơm thảo các hội viên.

Nhiều nhà văn, nhà thơ, ca sĩ, nhạc sĩ đã trực tiếp đứng ra tổ chức các chương trình nghệ thuật và gửi toàn bộ số tiền thu được đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hỗ trợ đồng bào miền Bắc. Có những trường hợp cá nhân đóng góp lên đến con số tiền tỉ.

Dĩ nhiên, việc hỗ trợ là quý ở tấm lòng thơm thảo chứ không câu nệ tiền nhiều hay ít. Đúng như Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ với báo chí hôm 12/9, rằng đó là "những đồng tiền mang mệnh giá của tình yêu thương" nên "lớn hơn mệnh giá ngân hàng". Những đồng tiền ấy không làm sống lại người đã mất, có thể không đủ để dựng lại ngôi nhà đã sụp đổ hay bị nước cuốn đi, nhưng đang giúp một phần làm sống lại giá trị nhân văn đã và đang chết ở đâu đấy, đã dựng lại sự sụp đổ lòng tin về con người ở một lúc nào đấy.

Nhiều người trong đội ngũ văn nghệ sĩ của nước ta thực sự là người của công chúng. Cho nên, hành động nhân văn của các văn nghệ sĩ, mà cụ thể trong trường hợp này là việc trực tiếp đóng góp hay tham gia vận động công chúng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ... sẽ nhân lên những giá trị nhân văn.

Giá trị nhân văn ấy chính là một truyền thống quý báu của con người Việt Nam nói chung, trong đó có cả đội ngũ văn nghệ sĩ. Nhưng, trong thực tiễn, có lúc, có khi, có việc cụ thể đi ngược lại với giá trị nhân văn ấy nên đã có "sự sụp đổ lòng tin về con người ở một lúc nào đấy" - như cách mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.

Cho nên, trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Đảng và Nhà nước ta xác định là phải xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; từng bước hình thành các giá trị chuẩn mực góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, thích ứng với những tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng... nâng cao sức mạnh nội sinh nhằm khắc phục những hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức xã hội.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: "Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại".

Nói xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là yếu tố trung tâm, trọng điểm, là nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng các hệ giá trị cốt lõi làm mục tiêu cho quá trình xây dựng, trong đó chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo. Các hệ giá trị cốt lõi ở đây chính là tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội. Đây cũng chính là nền tảng để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của con người Việt Nam; là đòn bẩy để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam trong thời đại mới.

Trong xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, vai trò của văn nghệ sĩ là rất lớn trong việc lan tỏa cảm hứng tích cực đến cộng đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là người đặc biệt chú ý đến vai trò của văn nghệ sĩ. Khi nói về văn nghệ sĩ, Người nhấn mạnh: "Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".

Lương Duy Cường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nhan-len-nhung-gia-tri-nhan-van--i744393/