Nhân lên tình yêu tiếng Việt
Nối tiếp sự thành công của các hoạt động hưởng ứng Đề án 'Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030' của Chính phủ, mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt tủ sách tiếng Việt tại Fukuoka (Nhật Bản) và tập huấn phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài. Sự kiện này góp phần lan tỏa tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt, bắc 'nhịp cầu' văn hóa để gắn kết cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới.
Hơn 5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù điều kiện, hoàn cảnh sống khác nhau nhưng kiều bào ta vẫn sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, coi đó là cách thức để duy trì sinh hoạt cộng đồng, nhớ về cội nguồn, tổ tiên, đất nước. Việc dạy tiếng Việt đâu chỉ là truyền bá một ngôn ngữ phục vụ nhu cầu giao tiếp mà qua đó giáo dục về bản sắc, truyền thống dân tộc. Biết thêm một ngôn ngữ cũng là biết thêm một thế giới. Trong đó, tiếng Việt lấp lánh giá trị lịch sử, phong tục, tập quán, văn hóa, vốn sống, tình cảm, tinh thần, khí phách của người Việt.
Tiếng Việt giàu đẹp là vậy, nhưng vì lý do về địa lý, điều kiện sinh hoạt mà người Việt Nam ở nước ngoài nói tiếng Việt gặp những rào cản nhất định. Người gốc Việt sống ở các vùng xa, số lượng ít thì việc giao tiếp, sử dụng tiếng Việt gặp nhiều trở ngại. Thêm vào đó, thế hệ người Việt thứ 2, 3, 4 ở nước ngoài, do môi trường giao tiếp thường xuyên với ngôn ngữ nước sở tại nên khả năng nói tiếng Việt gặp nhiều khó khăn. Ở những nơi đó, việc truyền dạy tiếng Việt nếu không được duy trì thì dễ có nguy cơ mai một. Ngoài ra, tiếng Việt cũng luôn vận động, phát triển, nếu thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài không được cập nhật với tiếng Việt chính thống sẽ bị cản trở trong quá trình giao tiếp.
Tiếng Việt đối với người Việt ở nước ngoài cần được nuôi dưỡng, bồi đắp bền bỉ như hơi thở, cuộc sống thường ngày. Tiếng Việt muốn lan tỏa phải có môi trường thuận lợi. Vì vậy, hệ thống giáo trình dạy tiếng Việt phải được xây dựng có chất lượng, phù hợp với điều kiện của kiều bào ở xa Tổ quốc. Các chương trình hỗ trợ xây dựng tủ sách miễn phí ở nước ngoài cần được khuyến khích mở rộng. Cùng với đó, việc tổ chức các cuộc thi liên quan đến tiếng Việt như viết truyện, sáng tác thơ, ca khúc, kể chuyện, giới thiệu sách, tuyên truyền theo các chủ đề khác nhau sẽ góp phần động viên, khích lệ người Việt ở nước ngoài tìm về văn hóa Việt, tạo nên sự nối kết, gắn bó nguồn cội.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, việc trao truyền tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài chính là một cách để lưu giữ cốt cách người Việt trên thế giới. Thường xuyên giữ gìn và nhân lên tình yêu tiếng Việt sẽ góp phần hữu ích vào công tác ngoại giao văn hóa, tạo cơ hội cho mỗi người mang dòng máu Việt dù sinh sống, công tác ở đâu trên trái đất đều sẽ trở thành sứ giả văn hóa, lan tỏa hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam.
THƯ NGỌC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nhan-len-tinh-yeu-tieng-viet-740120