Nhân lực ảo hỗ trợ livestream: chờ vào tương lai phát triển
Hoạt động livestream rầm rộ trên nhiều nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng xuất hiện nhiều tính năng hỗ trợ bán hàng, đặc biệt là công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) như MC ảo, chatbot, nhân lực số… Các chuyên gia, nhà bán hàng nhận định, về lâu dài, AI sẽ trở thành cánh tay không thể thiếu cho nền công nghiệp mua sắm trực tuyến, thế nhưng để phổ biến còn là câu chuyện vài năm tới.
Tận dụng nguồn lực “ảo” lên sóng
Người tiêu dùng Việt Nam dành hơn 37 triệu giờ mua hàng qua livestream trên một nền tảng thương mại điện tử. Thống kê từ một số công ty cho thấy, trung bình mỗi ngày, Việt Nam có 70.000 – 80.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng bán hàng online và 2.000 – 3.000 phiên livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Livestream cũng là ngành công nghiệp đem về tỉ đô la cho Trung Quốc. Tại đây, các nhà bán hàng đã áp dụng thành công MC ảo để nhân bản trên nhiều nền tảng cùng một lúc. Được biết, số nhà bán hàng ứng dụng MC, streamer ảo vào đầu năm nay tăng 500% so với cùng kỳ lễ hội mua sắm năm ngoái trên sàn TMĐT lớn của họ.
Mới đây, Công ty cổ phần Dược phẩm Vinapharma Group đã hợp tác cùng Công ty AiClip tạo ra những sản phẩm và dịch vụ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân sự trong việc sản xuất video và livestream hoàn toàn tự động bằng cách sử dụng công nghệ người kỹ thuật số trí tuệ nhân tạo AI.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Phó chủ tịch HĐQT Vinapharma Group, cho biết những doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hay đang kinh doanh nội địa vẫn chưa có đại diện thương mại bán hàng trên các nền tảng số. Ngoài ra, công nghệ AI có thể nói 60 ngôn ngữ là cơ hội để doanh nghiệp quốc tế hóa công việc bán hàng.
Theo đó, đại sứ bán hàng Diễm Hằng AI cho rằng MC ảo có thể sáng tạo nội dung không giới hạn, ít đầu tư nhân sự quay phim, không cần lên hình trực tiếp, không cần thu âm, tránh được những ồn ào scandal và có khả năng livestream 24/7.
Anh Phan Minh Thức, nhà sáng lập của thương hiệu Ba Thức Food vừa thử nghiệm MC ảo bán hàng trên kênh TikTokShop của mình, cho biết sự kiện cũng thu hút sự quan tâm, tò mò từ những người dùng nền tảng. “Sau các buổi thử nghiệm, tôi nhìn nhận mức độ hiệu quả đạt 5-7% so với việc dùng người thật bán hàng. Nhưng đây là hình thức dễ nhân bản, nếu nhân lên khoảng 10, 20, 50 nhân vật ảo thì sức mạnh cộng hưởng lớn trên đa dạng nền tảng”, anh nhấn mạnh. Hiện tại, kênh vẫn sử dụng hình thức livestream bán hàng truyền thống và cho doanh thu chính để vận hành doanh nghiệp.
Chia sẻ với KTSG Online, đơn vị xây dựng, cung cấp MC, nhân viên livestream bằng trí tuệ nhân tạo hiện nay trên thị trường, nhà sáng lập của AiClip, anh Phạm Anh Dũng, cho rằng đây là giải pháp tương lai của nhà bán hàng qua livestream. Nhiều nền tảng trên thế giới đã áp dụng MC livestream bán hàng thay con người.
Đặc điểm là nó có thể hoạt động ngày đêm 24/24, đội ngũ quản lý và vận hành không cần quá nhiều vì đã có máy xử lý. Trên thực tế, các MC ảo được ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động bán hàng, giao tiếp, tư vấn… ngày càng bài bản và mô phỏng người thật một cách tự nhiên. Với những nhãn hàng, thương hiệu lớn, việc dùng AI tạo ra gương mặt đại diện còn giúp họ xây dựng nhân hiệu lâu dài, tiết kiệm chi phí thuê con người, đội ngũ làm hình ảnh, đại sứ, anh nói thêm.
Kỳ vọng nở rộ vào tương lai
Ông Nguyễn Hữu Long, nhà sáng lập và điều hành Trường doanh nhân Chuỗi bán lẻ & Nhượng quyền Việt Nam, nhận định ở một góc độ số hóa và giảm thiểu sức người thì những công cụ này đều đem lại một phần tối ưu nhân lực. Ví dụ các mini app, chatbot… sẽ hỗ trợ và tham gia vào một vài phần trong quá trình bán hàng, tuy vậy ứng dụng có tác động lớn, hiệu quả cao hoặc độ phổ biến thì chưa hẳn.
“Vì các hệ thống này cần mức đầu tư lớn cũng như năng lực nhất định để triển khai thì mới hoạt động tốt trên diện rộng. Các nhà bán hàng vừa và nhỏ nguồn lực còn giới hạn nên sự lựa chọn đầu tư hay dựa vào các công nghệ này e rằng chưa khả thi lúc này”, ông nói.
Ngoài ra, việc đưa MC ảo lên sóng tương tác trực tiếp với khách hàng cũng cần nhiều thời gian để người tiêu dùng thích ứng và có sự tin tưởng vào hoạt động mua bán của doanh nghiệp. Đại diện Ba Thức Food nói rằng anh nhìn nhận sau phiên thử nghiệm, tỷ lệ người xem cao nhưng khả năng chuyển đổi thành người mua hàng còn thấp so với hoạt động của người thật.
“Mọi thứ vẫn chưa hoàn thiện vì con người ảo còn phụ thuộc vào kịch bản bán hàng và cần nhiều thay đổi phù hợp với chính sách nền tảng thay đổi liên tục. Nhiều khách mua xem đây là hoạt động giải trí hơn là mua bán qua livestream”, anh nói thêm. Trung bình một phiên live khoảng 2-3 tiếng, nhân viên có thể thu về 1.000 – 3.000 đơn hàng, còn so với người ảo thì chỉ khoảng vài chục đơn. Tuy nhiên, người thật chỉ có thể làm việc 6-8 tiếng, không thể duy trì đều hàng ngày và liên tục như người ảo.
Được biết, chi phí tạo ra một con người ảo bằng AI phục vụ bán hàng chỉ dao động khoảng 200 triệu đồng, có thể dùng lâu dài và chỉ tốn phí duy trì nền tảng hàng năm. Nhà sáng lập AiClip chia sẻ thách thức để ứng dụng MC ảo bán hàng một cách phổ biến nằm ở chỗ nền tảng. Mọi hoạt động mua bán diễn ra trên sân nhà của các ứng dụng. Chính vì thế tính năng này phải phù hợp với chính sách cũng như quy định của nền tảng để không bị vi phạm, khóa tài khoản, cấm hoạt động khi dùng con người ảo bán hàng.
“Đây là bài toán lớn mà chúng tôi phải giải quyết. Trong tương lai, MC ảo sẽ ngày càng hoàn thiện bộ máy, kịch bản và công nghệ nhân bản để nhà bán hàng nào cũng có thể sử dụng dễ dàng và không phạm vào những điều khoản khắt khe, từ sự theo dõi của sàn TMĐT, như người bán truyền thống lâu nay”, anh Phạm Anh Dũng nhấn mạnh.