Nhân lực chất lượng cao để nâng tầm du lịch Việt Nam
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi đến thăm, khảo sát mô hình hoạt động của Trường Cao đẳng khách sạn quốc tế Imperial (Trường Imperial), tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chiều 24/9.
Ông Nguyễn Trung Nam, Chủ tịch tập đoàn du lịch, dịch vụ, khách sạn Imperial cho biết Trường Imperial hoạt động theo mô hình tiêu chuẩn Hotel School (trường học trong khách sạn), từng bước hợp tác, liên kết với các tập đoàn hàng đầu thế giới về đào tạo chuyên ngành khách sạn, quản lý khách sạn.
Học viên được đào tạo theo các chương trình tiên tiến trên thế giới, dưới sự giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh của các chuyên gia trong nước, nước ngoài, đầy kinh nghiệm, đồng thời được thực hành ngay tại khách sạn 5 sao Imperial.
Đến nay, 100% học viên của Trường Imperial khi tốt nghiệp đều được nhận vào làm việc ngay tại các cơ sở của tập đoàn Imperial, hoặc những khách sạn cao cấp 4 sao, 5 sao ở trong nước và nước ngoài.
Từ thực tiễn hoạt động, ông Nguyễn Trung Nam đề xuất nâng thời lượng kỹ năng thực hành trong đào tạo về du lịch; Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tham gia đào tạo nhân lực du lịch theo chuẩn quốc tế; cho phép thí điểm cho các trường cao đẳng nghề về du lịch liên kết với các tổ chức nước ngoài đào tạo chuyển tiếp bậc đại học năm cuối ngành quản trị du lịch, khách sạn tại Việt Nam.
Trò chuyện với lãnh đạo, giảng viên, học viên trường Imperial, Phó Thủ tướng đánh giá cao mô hình hoạt động của Trường Imperial, học viên có điều kiện thực hành ngay trong khách sạn 5 sao, có tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, những năm gần đây, du lịch Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ với sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài vào nhiều cơ sở du lịch có quy mô, đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao, chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế luôn rất lớn, từ nhân lực quản trị cấp cao, đạt chuẩn quốc tế cho khách sạn 4 sao, 5 sao cho đến những cơ sở du lịch, khách sạn "bình dân hơn".
"Chúng ta đã có những giải pháp đột phá để thúc đẩy đào tạo nhân lực du lịch, nhất là đưa các chương trình tiên tiến trên thế giới vào giảng dạy, đào tạo về du lịch trong các trường đại học, trường nghề. Tuy nhiên, trong thực hành vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhất là những khách sạn 4 sao, 5 sao", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Ghi nhận kiến nghị của nhiều cơ sở đào tạo du lịch, khách sạn, Phó Thủ tướng cho biết sẽ làm việc với các bộ ngành liên quan, các địa phương, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động liên kết, đào tạo nhân lực du lịch một cách liên tục, ở những mức độ khác nhau, theo định hướng học tập suốt đời.
Phó Thủ tướng đề nghị từ kinh nghiệm hoạt động của mình, Trường Imperial tích cực phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch, cùng nghiên cứu sâu các quy định hiện nay, từ đó đề xuất cụ thể về chủ trương, chính sách với các bộ, ngành nhằm huy động, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch lớn đầu tư hoặc thực hiện thí điểm mô hình đào tạo du lịch tương tự Hotel School.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là có nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao để khai thác hiệu quả các thế mạnh về thiên nhiên, con người, văn hóa. Du lịch cần những giải pháp đột phá để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao", Phó Thủ tướng nói và mong muốn Trường Imperial, bằng những mối quan hệ hợp tác với các tập đoàn quản lý khách sạn, cơ sở giáo dục chuyên ngành về khách sạn, góp phần hình thành mạng lưới để các cơ sở đào tạo du lịch, khách sạn ở Việt Nam có thể sử dụng những chương trình, giáo trình mà Trường Imperial đang giảng dạy; hỗ trợ cho các trung tâm đào tạo nhân lực du lịch "bình dân" hơn.