Nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt phát triển công nghiệp hỗ trợ
Bình Dương là một trong những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Để tự chủ nguồn nguyên liệu, Bình Dương đã và đang xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành, thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm và chú trọng đưa ra cơ chế hợp lý, chú trọng dồn nguồn lực tập trung cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực
Tỉnh Bình Dương hiện có hơn 70.000 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó, có 2.277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế.
Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư và chuẩn bị hạ tầng đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt cho các ngành sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành ô tô, điện tử và cơ khí. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Xác định phát triển nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi, chìa khóa quyết định sự thành công, Bình Dương chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp hỗ trợ. Các trường đào tạo nghề và các cơ sở giáo dục đã phối hợp với doanh nghiệp để cung cấp kỹ năng cần thiết cho lao động.
Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Công nghiệp 4.0 Việt Nam - Singapore Alexius Oh nhận định, Bình Dương đã xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh để phát triển bền vững và thu hút thêm cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Song, các doanh nghiệp FDI yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực, do đó nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Việt Nam cần phải chuẩn bị cho xu hướng mới. Hai yếu tố để các doanh nghiệp FDI xem xét và quyết định đầu tư chính là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuỗi cung ứng.
Chiến lược tiếp theo của Bình Dương là xây dựng tốt nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó có vai trò của các viện, trường đào tạo đội ngũ nhân lực trong tương lai. Đặc biệt, Trung tâm Đổi mới sáng tạo có sứ mệnh thực hiện các hoạt động kết nối, định hướng, tạo môi trường nghiên cứu khoa học và công nghệ, giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động… sẽ là nơi dẫn dắt đổi mới sáng tạo trong toàn tỉnh.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở đào tạo
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ có quy định nhiều chính sách, cơ chế, trong đó có chính sách phát triển nguồn nhân lực. Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực.
Theo đó, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài theo các chương trình đào tạo của nhà nước. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết để xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Cùng với đó, tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp, hỗ trợ từ các quỹ về khoa học và công nghệ, đào tạo và các quỹ khác tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trong quá trình triển khai thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển. Do đó, Bình Dương kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 111. Cần có chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, cụ thể như chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.