Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng khởi công xây dựng cuối năm 2014, được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017. Tuy nhiên, cả 2 dự án này đã chậm tiến độ 3 năm.
Ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức, hiện nay vẫn có vận thang đang hoàn thiện khu vực khám bệnh. Chỉ có 1 bảo vệ túc trực ở đây. Trao đổi với PV Tiền Phong, ThS. Bác sĩ Phạm Gia Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện đã đào tạo, chuẩn bị 30% nhân lực (tương đương khoảng 500 - 700 cán bộ) để phục vụ cơ sở 2. Rất nhiều cán bộ công nhân viên xung phong, đề xuất đi cơ sở 2 để xây dựng cơ sở mới.
Tuy nhiên hiện nay, tiến độ dự án phụ thuộc vào Bộ Y tế, bệnh viện cần chờ Bộ Y tế bàn giao cơ sở vật chất thì mới có thể hoạt động được.
"Giai đoạn 1 sẽ chủ yếu là khám bệnh, các bệnh nhân nặng điều chuyển lên cơ sở Hà Nội. Đến khi hoàn thiện, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 sẽ hoạt động trên nguyên tắc độc lập", đại diện bệnh viện Việt Đức cho hay.
Tương tự, quang cảnh đìu hiu cũng diễn ra ở bệnh viện Bạch Mai. Trước cổng bệnh viện là bảng thông báo khoa Khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tạm thời ngừng hoạt động từ ngày 30/3/2020. Nhân viên bảo vệ ở đây cho biết, giờ muốn khám chỉ có thể lên cơ sở 1 tại Hà Nội, sau đợt dịch, khoa Khám bệnh nghỉ tạm thời, chưa có thông báo bao giờ hoạt động lại. “Ở đây chỉ có 5 bảo vệ thay ca nhau trông”, nhân viên bảo vệ nói.
Bà Đỗ Thị Nhung (50 tuổi, ở Vụ Bản, Nam Định) kể rằng, cuối năm 2018, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tổ chức khám từ thiện cho hơn 500 bệnh nhân. Thời điểm đó, ai cũng phấn khởi vì bệnh viện lớn đi vào hoạt động, giúp gia đình chăm sóc người nhà thuận lợi hơn, từ đây bắt xe về Nam Định cũng rất tiện. Tuy nhiên, sau lần khám đó, bệnh viện dừng tới tận cuối tháng 3/2019 mới hoạt động lại, gặp dịch COVID-19 lại tiếp tục dừng.
Đại diện Bộ Y tế thông tin thêm, khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay dẫn đến việc hai dự án này chậm tiến độ là việc thanh toán cho nhà thầu vẫn còn rất chậm.
Thời điểm 2018, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã tổ chức khánh thành, rất đông bệnh nhân đến đăng ký khám. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân thưa thớt dần, sau đó là dịch COVID-19 khiến khu khám bệnh ở đây phải tạm đóng cửa. Ảnh: T.D
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 diễn ra tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ Y tế có nhiều dự án, công trình dang dở, không đưa vào sử dụng được, cụ thể là dự án BV Bạch Mai và Việt Đức, đây là khuyết điểm rất lớn mà Bộ Y tế phải rút kinh nghiệm, phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm.
Trần Hoàng