Nhân lực y tế trường học thiếu và yếu, nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch

Ở nhiều địa phương, nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch.

Đó là những điểm hạn chế được Bộ GD&ĐT chỉ rõ trong Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, diễn ra ngày 12/8.

Thời gian dạy học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh

Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2021-2022, lần đầu tiên khai giảng năm học phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi; gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước.

Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục; tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.

Do đó, bên cạnh một số kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Các quy định, hướng dẫn của bộ triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động. Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến, đặc biệt là các tỉnh có vùng dân tộc, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trực tuyến.

Thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học ở tiểu học, môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở THPT là thách thức lớn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học ở tiểu học, môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở THPT là thách thức lớn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí nên chất lượng không tốt, đường truyền internet có nhiều nơi, nhiều lúc không ổn định, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy, học.

Thời gian dạy học trực tuyến kéo dài trong bối cảnh các điều kiện thực hiện còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Sau khi trở lại trường học, trình độ, kiến thức của các em cũng có sự khác nhau. Công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc quản lý, duy trì nề nếp, thời gian tham gia học tập trực tuyến, trực tiếp của các em gặp nhiều khó khăn.

Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Nhiều cơ sở có nguy cơ phải đóng cửa vì không duy trì được hợp đồng giáo viên, không có kinh phí chi trả cho giáo viên.

Tỉ lệ trường tiểu học tổ chức bán trú còn thấp nên cha mẹ học sinh gặp khó khăn khi đưa con đến trường học 2 buổi/ngày. Các trường tiểu học ở các huyện miền núi có nhiều điểm trường lẻ và lớp ghép với khoảng cách xa nên việc quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục có nhiều bất cập.

Một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...

Thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc tiểu học và THPT

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn tồn tại, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học, thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THPT là thách thức lớn khi triển khai Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022 - 2023.

Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp.

Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục còn hạn chế.

SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo Chương trình GDPT 2018 còn có ý kiến phản ánh về một số vấn đề liên quan như kênh hình, kênh chữ còn chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương - phương ngữ; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa hay; một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh.

Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu, tỉ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số đi học phổ thông còn thấp so với bình quân chung cả nước và không đồng đều giữa các dân tộc.

Chất lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số còn bất cập, một số chính sách phát triển giáo dục, chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã lạc hậu, không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên còn chưa chủ động, kịp thời đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp phải chuyển sang dạy học trực tuyến; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em, học sinh, sinh viên khi học tập trực tuyến và sử dụng môi trường mạng còn chưa thực sự hiệu quả.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nhan-luc-y-te-truong-hoc-thieu-va-yeu-nhieu-giao-vien-phai-kiem-nhiem-cong-tac-phong-chong-dich-169220812131421129.htm