Nhận 'mưa lời khen' vì phạt người vi phạm giao thông theo cách độc đáo
Bằng việc yêu cầu người vi phạm nộp phạt 20 cái 'thụt xì dầu', 2 chiến sĩ Cảnh sát cơ động (CSCĐ) nhận 'mưa lời khen' từ người dân phố núi và cộng đồng mạng.
Phát hiện học sinh THCS chở 3, không đội mũ bảo hiểm, sau khi nhắc nhở, hai chiến sĩ CSCĐ đã "phạt' mỗi em… 20 cái “thụt xì dầu” (1 trò chơi dân gian, hay dùng để phạt người chơi mắc lỗi - PV) để ghi nhớ, tránh tái phạm.
Sự việc xảy ra vào khoảng 8h sáng 27/5 trên đường Hùng Vương (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và được chị Lê Kim Khánh quay lại, đăng tải lên trang Facebook cá nhân, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Theo chị Khánh, khoảng hơn 8 giờ ngày 27/5, đang ngồi trong quán cà phê đối diện trường THPT Buôn Ma Thuột (đường Hùng Vương) thì thấy 2 chiến sĩ cảnh sát cơ động “giám sát” 3 học sinh 13-14 tuổi đang phải “thụt xì dầu” tại chỗ.
Trước đó, trong quá trình tuần tra theo kế hoạch trên đường Hùng Vương (TP. Buôn Ma Thuột), 2 CSCĐ phát hiện 3 học sinh (của một trường THCS trên địa bàn) chở 3 đi trên 1 xe đạp điện, không đội mũ bảo hiểm nên yêu cầu dừng xe. Sau khi giải thích cho các học sinh về việc các em đã vi phạm luât giao thông và yêu cầu các em “nộp phạt” tại chỗ bằng20 cái “thụt xì dầu”.
Sau khi giám sát các em “nộp phạt” xong, nhắc nhở thêm một lần nữa thì 2 chiến sĩ CSCĐ tiếp tục làm nhiệm vụ theo kế hoạch.
Được biết, Clip của chị Khánh sau đó đăng tải đã nhận được hàng trăm lượt chia sẻ với vô số comment khen cách ứng xử rất dễ thương của hai chiến sĩ CSCĐ, vừa thể hiện sự nghiêm minh, vừa đáng yêu, mang tính nhắc nhở nhiều hơn.
Trao đổi với phóng viên về việc này, trung tá Lý Văn Kết, Trưởng phòng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã nghe hai chiến sĩ báo cáo về sự việc và cho rằng đây là việc nên làm.
Theo ông Kết, trong quá trình tuần tra, phát hiện 3 em học sinh nhỏ tuổi vi phạm nên yêu cầu dừng xe, nhắc nhở.
“Theo đúng quy định sẽ buộc cha mẹ các em nộp phạt, thông báo về trường… nhưng như thế sẽ gây ảnh hưởng tâm lý các cháu, phản tác dụng. Thay vào đó, hai chiến sĩ yêu cầu các học sinh phải “thụt xì dầu”, tập luyện thể lực tại chỗ để ghi nhớ lỗi vi phạm, tránh tái phạm. Việc xử lý như vậy vừa mang tính răn đe, vừa có tính giáo dục và thuyết phục hơn”- ông Kết đánh giá.