Nhân năm Tý luận về chuột
Chuột là giống vật ở gần người, làm hại người hơn hết nhưng oái ăm thay, các nhà làm lịch lại suy tôn cho chuột đứng đầu Tam tài 'Thiên, Địa, Nhân' và 12 chi tuế (Tý, Sửu, Dần…).
Sách có chữ “Thiên khai ư Tý, địa tịch ư Sửu, nhân sinh ư Dần”, có nghĩa là: “Trời mở từ hội Tý, đất ra từ hội Sửu, người sinh từ hội Dần”. Tý là chuột, như vậy ý hẳn giống chuột là giống trời sinh ra trước, trước cụ Bàn Cổ và cả cặp vợ chồng A Đam – Ê Va.
Không những vậy, chuột còn là giống trí mưu gian xảo, chẳng kém những hạng người ma giáo quỷ quyệt, nên Tô Đông Pha trong bài “Hiệt Thử Phú” đã phải tự nhận là bị chuột đánh lừa. Sách Lã Thị Xuân Thu kể chuyện nước Tề có người thạo nghề xem tướng chó. Một người bạn nhờ ông ta mua giúp một con chó giỏi bắt chuột, vì nhà người ấy nhiều chuột quá. Một năm trời ông ta mới mua được chó và bảo bạn: “Con chó này giỏi nghề săn lắm”. Người bạn nuôi con chó mấy năm mà không thấy nó bắt được con chuột nào, liền hỏi ông. Ông bảo: “Con chó này tốt lắm nhưng cái chí của nó là bắt hươu, bắt nai, chứ không muốn bắt chuột. Bây giờ muốn cho nó bắt chuột thì phải cùm chân sau nó lại”. Người bạn nghe theo lời, cùm hai chân sau của chó. Quả nhiên sau đó chó hay bắt chuột.
Đây là cái triết lý của kẻ đại tài mà bị bắt buộc làm việc tiểu sự. Người tài giỏi, nếu gặp thời thế thích hợp với chí khí của mình thì có thể làm được nhiều việc đại sự. Rủi sống vào lúc thế thời éo le, bị mất tự do, tài năng không thể phát triển, bị "cùm” chân “cùm” tay thì cũng chỉ làm được việc… bắt chuột mà thôi!
Trong văn chương Pháp, thi hào La Fontaine đã gán cho chuột nhiều vai trò hài hước. Những bài thơ ngụ ngôn bất hủ, mà vai chính là những chú chuột khờ khạo, nhút nhát. Nào là chuyện: “Chuột nhắt”, “Mèo và Gà giò”, trong đó chuột cha sành đời hơn con dạy con rằng:
Chớ trông ngoài mã
Bộ hiền lành, chính gã miêu nhi
Xưa nay độc ác gian phi!
Cùng nòi nhà chuột nó thì hại ngay…
Nào là chuyện “Mèo già với chuột non” chỉ trích bọn già thì tinh mà bọn trẻ thì ranh:
Tuổi xanh táo bạo, tự hào
Tuổi già quỷ quyệt, gắt gao, lạnh lùng.
Hay nhất có chuyện “Hội đồng chuột”, thật là mỉa mai chua chát. Cả nhà họ chuột nhân lúc vắng mặt mèo, khai hội với mục đích tìm mọi biện pháp chống mèo. Một cụ chuột đề nghị đem chiếc chuông đeo vào cổ mèo. Lúc nó đi đến đâu thì chuông kêu nghe leng keng, họ hàng nhà chuột biết mà chạy trốn. Cả hội đồng hoan hô nhiệt liệt sáng kiến đó. Nhưng đến khi tìm một “dũng sĩ chuột” thân hành mang chuông đến đến đeo vào cổ mèo thì chẳng thấy một cái mỏ nhọn nào hểnh lên cả…
Rốt cuộc việc chẳng thành
Hội nghị nói loanh quanh
Hồi lâu đành giải tán
Nói suông chuyện rất dễ dàng,
Thực hành mới khó, chớ bàn hao hơi.
Horrace, thi sĩ La Mã, bạn thân của thi sĩ Virgile có nói đến con chuột trong tập thơ “Nghệ thuật thi ca”: "Parturiunt montec, nascetus ridiculusmus". Đến thế kỷ XVII, câu thơ La Tinh này đã được La Fontaine dịch ra làm đầu đề cho một bài ngụ ngôn của ông: “La montagne qui accouche d’une souris”(Hòn núi đẻ ra con chuột), để chế nhạo những kẻ hứa hẹn cao xa như hòn núi mà rốt cuộc thì chỉ làm được chuyện lố bịch cỏn con như chuột.
Cũng La Fontaine, trong bài ngụ ngôn: “La Chauve-Souris et les deux Belettes” có hai câu thơ bất hủ:
Tôi là chim: này, hai cánh của tôi!
Tôi là chuột: nòi chuột muôn năm!
… Ám chỉ những kẻ ưa hùa gió bẻ măng, với chim thì họ là chim, với chuột thì họ cũng là chuột được vậy.
Nhà văn Hoa Kỳ Joe Austell Small lại khen giống chuột khôn và thương yêu đồng loại. Ông kể lại trong lúc đang đi chơi bỗng nghe có tiếng kêu chen chét, ông nhìn rõ thì thấy một chú rắn đang ngoạm một con chuột. Trong lúc đó một con khác bám riết vào mình rắn, cấu xé cắn dứt lung tung vừa kêu chí chóe… Rắn lồng lộn nhưng mồm mắc ngậm con kia không cắn mổ gì được. Rắn bèn nhả chuột này ra định ăn thua đủ với con kia nhưng khi thấy đồng loại của nó thoát nạn, nó liền cùng con kia chạy vào bụi biến mất.
Các cụ ta thường nhậu thịt chuột và cho rằng chuột có “ngọc nghe”. Nhà nào định bẫy chuột mà nói trước thì canh bẫy tới sáng vẫn không có móng chuột nào sa bẫy...
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giai-tri/nhan-nam-ty-luan-ve-chuot-126903