Nhân Ngày Dân số thế giới 11/7: Nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 73,6 tuổi. Tại Bắc Giang hiện nay, cơ cấu dân số già hóa hiện hữu khi số người cao tuổi tăng nhanh cho thấy việc cần thiết phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng và bảo đảm an sinh xã hội cho người già.

Tuổi thọ tăng cao

Với hơn 1,8 triệu người, Bắc Giang là tỉnh có dân số đông trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong số 290,2 nghìn NCT thì tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm số đông (83%) và bằng 13% dân số.

Người cao tuổi huyện Việt Yên biểu diễn thể dục dưỡng sinh tại Đại hội Thể dục thể thao huyện.

Người cao tuổi huyện Việt Yên biểu diễn thể dục dưỡng sinh tại Đại hội Thể dục thể thao huyện.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách phát triển mạng lưới y tế, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách… nhằm chia sẻ khó khăn, chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện cho NCT được tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao phù hợp với nhu cầu.

Tại Bắc Giang có 32,4 nghìn người từ đủ 80 tuổi trở lên được Nhà nước hỗ trợ với mức 170 nghìn đồng/người/tháng; 17,3 nghìn người từ đủ 60 đến 79 tuổi thuộc các nhóm đối tượng hoàn cảnh khó khăn như: Khuyết tật, neo đơn, hộ nghèo, cận nghèo... được hưởng trợ cấp; 106 người được hỗ trợ xóa nhà tạm.

Hiện toàn tỉnh có 209 hội cơ sở, 2.129 chi hội và 2.845 tổ, hội với tổng số hơn 290,2 nghìn hội viên NCT sinh hoạt; có 6.740 câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Chi hội NCT tổ dân phố số 1, thị trấn Bích Động (Việt Yên) có hơn 200 hội viên. Tại nhà văn hóa tổ dân phố vào những ngày cuối tuần luôn thu hút nhiều người đến luyện tập, giao lưu văn nghệ hoặc khiêu vũ thể thao, thi đấu bóng chuyền hơi.

Bà Tống Thị Quang, 69 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội NCT cho hay, thực hiện phương châm "NCT sống vui, sống khỏe,", từ năm 2018 đến nay, Chi hội duy trì hoạt động của 3 CLB, hội viên có thể lựa chọn tham gia phù hợp với sở thích, nhu cầu.

Không những sống vui, khỏe, NCT ở tổ dân phố số 1 còn tiếp tục phát huy vai trò, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu tích cực tham gia công tác, lao động sản xuất, đóng góp cho xã hội.

Xây dựng và phát triển các mô hình CLB văn hóa, thể thao trong cộng đồng dành cho NCT là một trong những việc làm cụ thể hóa chủ trương chăm lo đời sống NCT được cấp ủy, chính quyền các cấp khuyến khích nhân rộng. Năm 2017, Sở Y tế tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh ban hành Đề án chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2025.

Mục tiêu của Đề án là huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành hưởng ứng phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc NCT, tạo điều kiện để các ông, bà được tham gia vào mọi hoạt động tại cộng đồng. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tư vấn giúp NCT có thêm kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp giúp cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để người già sống khỏe

Cũng như toàn quốc, xu hướng già hóa dân số ở Bắc Giang tăng nhanh chưa đi đôi với cải thiện tình trạng sức khỏe. Thống kê của ngành y tế, tỷ lệ NCT có sức khỏe tốt chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 4,8%), còn lại hơn 95% được đánh giá thể trạng ở mức trung bình và yếu.

 Nhân viên y tế khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi xã Đan Hội (Lục Nam).

Nhân viên y tế khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi xã Đan Hội (Lục Nam).

Một NCT có thể mắc từ 2-3 bệnh. Đến các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện dễ nhận thấy số NCT đến khám, điều trị khá đông. Theo thông tin từ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), NCT thường mắc những căn bệnh phổ biến như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa xương khớp, suy giảm trí nhớ, đột quỵ...

Những bệnh này phải điều trị kéo dài, thậm chí dùng thuốc suốt đời, chi phí tốn kém, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống sinh hoạt và là áp lực kinh tế cho nhiều gia đình nếu không có thẻ bảo hiểm y tế. Còn ở khu vực nông thôn, miền núi, nhiều người dù tuổi cao nhưng không có lương hưu vẫn phải lao động kiếm sống hoặc sống dựa vào con cháu. Vì vậy khi ốm đau, bệnh tật rất khó tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Từ năm 2014, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số. Dự báo đến năm 2034, dân số chuyển từ giai đoạn “đang già” sang “già”; đến năm 2050, Việt Nam sẽ tương đương với các nước có dân số già nhất thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Y tế, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập chuyên khoa Lão khoa chuyên điều trị các bệnh thường gặp ở NCT.

Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật cao từ Bệnh viện Lão khoa T.Ư; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ sở y tế công lập và tư nhân tại các huyện, TP kiến thức chuyên sâu về tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe cho NCT.

Hiện nay, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện một giải pháp nữa đó là vận động nhóm công nhân, lái xe, người buôn bán nhỏ, người làm việc trong các trang trại, hợp tác xã... tham gia BHXH tự nguyện. Toàn tỉnh có hơn 35 nghìn người đang tham gia BHXH tự nguyện, sẽ được hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế, bảo đảm an sinh lúc về già.

Qua rà soát của Hội NCT tỉnh, tại các địa phương hiện nay có nhiều hội viên khỏe mạnh, còn khả năng tham gia lao động sản xuất. Số NCT này mong muốn được cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng quan tâm giới thiệu công việc phù hợp, giúp họ có thêm nguồn thu nhập để sống ổn định ngay cả khi đã già; làm chủ cuộc sống và đóng góp cho xã hội.

Ông Nguyễn Bá Thục, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT tỉnh cho biết số NCT đang tăng nhanh đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần thúc đẩy xây dựng hạ tầng an sinh xã hội thiết yếu, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong đó, quan tâm đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chuyên khoa chăm sóc, điều dưỡng NCT.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/387116/nhan-ngay-dan-so-the-gioi-11-7-nhan-rong-cac-mo-hinh-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi.html