Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6: Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng

Gia đình luôn là điều quan trọng, thiêng liêng nhất. Gia đình là nơi hiện hữu và gắn kết các mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cháu, ông bà bằng tình cảm, yêu thương và huyết thống. Nơi ấy mọi thành viên đều tìm thấy sự bình yên, tình yêu thương, niềm hạnh phúc, lòng kính trọng và sự hy sinh.

Người dân tham quan trưng bày tranh ảnh về khoảnh khắc gia đình. Ảnh: Thùy Linh

Gia đình: Hai tiếng ấy quá đỗi thân thuộc với mỗi người. Đó là nơi bão dừng sau cánh cửa; nơi yêu thương, sẻ chia và thấu hiểu. Gia đình không chỉ là tài sản vô giá đối với mỗi người, mà gia đình còn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi, gia đình hạnh phúc sẽ nuôi dưỡng nên những cá nhân hạnh phúc, phát triển toàn diện - những hạt giống tạo nên quốc gia thịnh vượng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, no ấm, các thành viên luôn yêu thương, sẻ chia cùng nhau đã trở thành điểm tựa vững chắc cho chị Lê Thị Thúy (TP Thanh Hóa) trong suốt 3 năm học tập và rèn luyện tại Nhật Bản. Chị Thúy chia sẻ: Thời gian đầu xa gia đình tôi chỉ muốn chạy về ôm lấy bố mẹ, cùng bên nhau trong bữa cơm gia đình. Nhưng sau đó, nhận được sự động viên của bố mẹ, tôi đã biến những điều đẹp đẽ ấy trở thành động lực để rèn luyện, học tập và cống hiến cho xã hội.

Hay như anh Lê Anh Tuấn (Hoằng Hóa), sinh ra và lớn lên trong một gia đình 3 thế hệ đã giúp anh biết cách yêu thương chia sẻ với mọi người, đặc biệt là biết cách ứng xử phù hợp với từng thế hệ. Anh Lê Anh Tuấn chia sẻ: Với tôi gia đình luôn là điều quan trọng, thiêng liêng nhất. Những gì học được từ gia đình đã giúp tôi tự tin, bản lĩnh, nhiệt huyết trong công việc và nhiệt tình cống hiến cho xã hội. Nhờ đó, gia đình tôi liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Các cá nhân trong gia đình luôn là công dân gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào của địa phương, góp phần xây dựng quê hương phát triển.

Với hầu hết người Việt, gia đình luôn là điều quan trọng, thiêng liêng nhất. Gia đình là nơi hiện hữu và gắn kết các mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cháu, ông bà bằng tình cảm, yêu thương và huyết thống. Nơi ấy mọi thành viên đều tìm thấy sự bình yên, tình yêu thương, niềm hạnh phúc, lòng kính trọng và sự hy sinh. Cùng với sự gắn kết bền chặt ấy, gia đình còn là kho tàng văn hóa, lưu giữ và trao truyền các nét văn hóa ứng xử tốt đẹp qua “kiềng 3 chân” gia đạo, gia phong và gia lễ.

Hội thi nhân ngày Gia đình Việt Nam năm 2022.

Theo lẽ thường, gia đình sẽ là nơi trở về sau những ngày lao động, học tập mệt mỏi. Song, vẫn tồn tại một số người không muốn trở về nhà. Họ tiếp tục vùi đầu vào công việc hay tìm đến những cuộc vui và chỉ trở về nhà khi đã tối muộn. Nhiều đứa trẻ thì theo bạn bè đi chơi tối ngày, tụ tập theo các hội nhóm mà không chịu về nhà. Với họ, gia đình không phải nơi để chia sẻ, đồng cảm, mà chỉ toàn những cuộc cãi vã hay những phút giây tồn tại vô hình cạnh nhau. Những lỗ hổng trong văn hóa ứng xử, giao tiếp giữa các cá nhân trong gia đình với nhau đã vô tình đẩy họ ra xa nhau, không có sự kết nối. Gia đình thời hiện đại đã và đang đứng trước nhiều thách thức về sự thay đổi quan niệm, lối sống, cách giao tiếp ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Nó được minh chứng bởi ngày càng có nhiều vụ việc ly hôn, nhiều gia đình bất hòa, con cái bất hiếu, bạo lực và tệ nạn. Thậm chí nhiều vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật, băng hoại đạo đức xuất hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc gìn giữ những giá trị văn hóa gia đình Việt.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận nhiều cặp vợ chồng cho biết ít giành thời gian trò chuyện, chia sẻ cùng nhau sau một ngày đi làm, thay vào đó là lao vào trò tiêu khiển trên mạng xã hội, với thiết bị thông minh. Và đâu đó vẫn tồn tại những người đàn ông say xỉn chửi bới, đánh đập bố mẹ, vợ con. Nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực mà không dám lên tiếng. Họ âm thầm chịu đựng cảnh bất hòa để con cái có đủ đầy bố mẹ. Một số trẻ em thì phần lớn thời gian phải tự sống một mình, bố mẹ bận rộn với công việc, áp lực cuộc sống nên không dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ cùng các em. Không ít trẻ đã gặp phải các vấn đề rối loạn về phát triển, phát triển lệch lạc về tâm lý, nhận thức. Thậm chí, trẻ em phải đối diện với các nguy hiểm, xâm hại, tai nạn thương tích hay trở thành tội phạm, mắc các tệ nạn xã hội, đau lòng nhất là tử vong.

Năm 2023, Ngày Gia đình Việt Nam có chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”. Để gia đình thực sự là bến đỗ bình yên, nơi duy trì bản sắc văn hóa, đồng thời tiếp thu những cái hay, cái mới, thì trước hết các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam. Đồng thời, dành thời gian quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhau, tạo không khí gia đình hạnh phúc, ấm áp, đoàn kết. Có như vậy, các thành viên trong gia đình mới gắn kết với nhau, tạo nên tường rào vững chắc không cho các tai, tệ nạn xã hội, hành vi lệch chuẩn tấn công. Cùng với đó, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể cần xác định công tác gia đình là một nhiệm vụ thường xuyên, có vị trí quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác gia đình; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhan-ngay-gia-dinh-viet-nam-28-6-nbsp-gia-dinh-hanh-phuc-quoc-gia-thinh-vuong/189308.htm